Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 17/6: Nguy cơ tăng ca mắc Covid-19 từ các biến thể phụ
D.Ngân - 17/06/2022 14:37
 
Theo WHO, hiện số ca mắc, tử vong do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi.

Ghi nhận 723 ca Covid-19 mới tại 46 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 16/6 đến 16h ngày 17/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 723 ca nhiễm mới trong nước tại 46 tỉnh, thành phố; có 624 ca trong cộng đồng.

Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 760 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-20), Đà Nẵng (-20), Hải Phòng (-11). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+22), Thừa Thiên Huế (+17), Bắc Giang (+9).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 730 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.736.408 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.395 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.728.642 ca, trong đó có 9.588.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.660), TP. Hồ Chí Minh (609.775), Nghệ An (485.217), Bắc Giang (387.662), Bình Dương (383.794).

8.381 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.591.486 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 42 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 38 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 2 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 16/6 đến 17h30 ngày 17/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.514.123 mẫu tương đương 85.823.796 lượt người. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 224.919.933 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.759.518 liều: Mũi 1 là 71.488.698 liều; Mũi 2 là 68.829.184 liều; Mũi 3 là 1.507.422 liều; Mũi bổ sung là 15.025.225 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.311.640 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.597.349 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.512.476 liều: Mũi 1 là 8.953.385 liều; Mũi 2 là 8.559.091 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.647.939 liều: Mũi 1 là 4.892.844 liều; Mũi 2 là 755.095 liều.

***

Ngày 13/6/2022, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc; ECDC cảnh báo 02 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang gia tăng tại nhiều nước châu Âu. Ảnh minh hoạ

Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; 

Hơn nữa miễn dịch do tiêm vắc-xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,…; đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. 

Hà Nội đốc thúc tiêm vắc-xin mũi 4, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, tính đến hết ngày 16/6, Hà Nội đã triển khai được hơn 18,68 triệu mũi vắc-xin Covid-19. Trong đó, hơn 96% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 (tức là mũi nhắc lại lần 1). Số mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) là 130.417 mũi.

Với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, có gần 208.500 trẻ đã tiêm mũi 1, đạt gần 85% tổng số trẻ cần tiêm (hơn 245.600 trẻ). Số trẻ đã tiêm 2 mũi là gần 24.736.

Sở Y tế Hà Nội nhận định tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 trong thời gian qua chậm, nguy cơ không đạt tiến độ theo chỉ đạo.

Trong công văn mới gửi các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ rõ những địa phương tiêm chậm như: Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, tính đến ngày 13/6 chỉ mới tiêm được từ 40- gần 60% số trẻ cần tiêm mũi 1.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Sở này đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, đôn đốc triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý II/2022.

Sở cũng yêu cầu các địa phương triển khai tiêm mũi 4 cho các đối tượng thuộc diện này theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài yêu cầu phải tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm vắc-xin, Sở Y tế đề nghị các địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị với kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn quản lý.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng khoảng 8.000 ca so với tuần trước đó

Theo báo cáo của các địa phương đến ngày 16/6, cả nước đã ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ. Con số này tăng thêm khoảng 8.000 ca so với 1 tuần trước đó.

Thời điểm hiện nay đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết, số mắc gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại miền Trung.

Dự báo số mắc mới sốt xuất huyết đang trong xu hướng tăng, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam.

Bộ Y tế cho biết sẽ lập một số đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và các viện tiến hành kiểm tra về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương.

Các chuyên gia nhận định, sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.

Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tăng cường đào tạo về công tác điều trị sốt xuất huyết thông qua các bệnh viện trung ương, Sở Y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết, các địa phương phải tự chủ động.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như các dịch bệnh mùa hè khác, thời gian qua, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến hết ngày 16/6/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Cơ quan chuyên môn của Bộ đã phân bổ 150 đợt với hơn 228,3 triệu liều.

Tiếp tục coi vắc-xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19  đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, phân bổ vắc-xin cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.

Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ thường xuyên ban hành các Công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 36 triệu người ở nước ta đã có hộ chiếu vắc-xin.

Phải làm gì khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt?
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý khi số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư