Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 18/11: Việt Nam thực hiện ghép da từ người cho chết não; Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì
D.Ngân - 18/11/2022 10:06
 
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế vừa tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì tới hơn 500 bác sĩ tại các bệnh viện trên cả nước.

Tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Các nội dung chính của hướng dẫn tập trung vào các nguyên nhân gây nên bệnh béo phì; chẩn đoán thừa cân, béo phì; xác định các dạng béo phì; các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý, thuốc và điều trị phẫu thuật trong béo phì.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, được nhận định bằng chỉ số khối cơ thể - BMI. Chỉ số này được tính theo công thức: trọng lượng cơ thể của 1 người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).

Ảnh minh hoạ.

Một người trưởng thành, trừ người có thai, nếu có BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân, BMI > = 30 được xem là béo phì. BMI trên 40 được coi là bệnh béo phì và trên 50 là bệnh béo phì nặng.

Béo phì được xác định là một bệnh mạn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh, …. Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường.

Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể. Hiện có nhiều cách để cải thiện tình trạng thừa cân, béo phì như tập luyện thể dục, thể thao để tiêu hao năng lượng; Giảm nguồn thức ăn vào cơ thể bằng các chế độ ăn phù hợp; Sử dụng một số loại thuốc hoặc thực phẩm nhưng hiện tại số thuốc trong điều trị giảm cân được cấp phép rất ít.

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép da từ người cho chết não

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa tiếp nhận tạng hiến từ một người chết não và đã ghép tạng thành công cho 6 người bệnh gồm: một người ghép tim, hai người ghép thận, hai người ghép giác mạc và một người ghép da;

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam lấy da của người chết não được tiếp nhận để ghép cho một bệnh nhân bị bỏng nặng.

Bệnh nhân được tiến hành ghép da là L.V.T. (nam, sinh năm 1995, Đồng Tháp) bị bỏng 50% độ III toàn thân. Bệnh nhân đã được xuất viện vào tuần thứ 2 sau ghép.

Ngày 11/10, Trung tâm điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được thông tin tình nguyện hiến tạng từ mẹ của một bệnh nhân nam (38 tuổi) vào viện vì xuất huyết não nặng, chết não.

Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng chức năng của các bộ phận cơ thể của người hiến và nhận định người hiến tạng mắc bệnh tăng huyết áp biến chứng ảnh hưởng lên cơ tim và gan bị nhiễm mỡ nặng trên cơ địa béo phì, bệnh thận nền độ 2.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định chọn người nhận tạng theo các tiêu chuẩn đặc biệt như: ưu tiên chọn người bệnh có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nặng, đang phải nhập viện cấp cứu và tiên đoán nếu không được ghép thì người bệnh sẽ tử vong trong thời gian ngắn.

Sau khi chọn lựa được những người nhận tạng phù hợp, các bác sỹ đã giải thích rõ ràng về các nguy cơ bệnh nền của người hiến và tất cả người bệnh đều đồng ý nhận tạng.

Phú Yên: Tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Phú Yên, tính đến tuần 45/2022, toàn tỉnh ghi nhận 3.704 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là huyện Tuy An 1.101 ca, tăng 17,7 lần; huyện Phú Hòa 533 ca tăng 3 lần; thành phố Tuy Hòa 495 ca, tăng 4,6 lần; Sơn Hòa 305 ca tăng 24,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, vượt qua giai đoạn trung bình 5 năm 2017-2021, báo hiệu tình hình sốt xuất huyết những tháng cuối năm có diễn biến phức tạp, tăng cả số ca mắc và số ổ dịch và không loại trừ các ca bệnh nguy hiểm.

Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành y tế đã phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống, tránh phát sinh thêm các ổ dịch và các ca mắc mới; đồng thời hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên, hiện đang có 4 type virus sốt xuất huyết lưu hành và bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều type. Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa, vì vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh.

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi địa phương chủ động dọn vệ sinh, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi thì sẽ không có dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan.

Ngành y tế chỉ đạo phối hợp các địa phương và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa phương, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết có hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng…

Từ nay đến cuối năm, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, điều tra côn trùng định kỳ hằng tháng tại các xã trọng điểm. Tăng cường hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống muỗi đốt, và vận động người dân tham gia diệt lăng quăng/bọ gậy.

Cả nước đã tiêm hơn 263 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19

Theo thống kế của Bộ Y tế, ngày 17/11,  đã có 87.491 liều vắc-xin được tiêm tại 32 địa phương, nâng tổng số liều vắc-xin đã tiêm tại nước ta lên 263.040.545 liều.

Với nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.402.120 mũi tiêm (79,3%). Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,1%); Bình Định (59,3%); Phú Yên (61,3%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (98,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.704.260 mũi tiêm (85%) tăng 0,1%.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.586.736 trẻ (65,3%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,9%); Phú Yên (37,5%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (36,1%); Đồng Nai (42,3%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,7%); Lâm Đồng (93,4%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 17.050.457

Mũi 1: 9.959.377 trẻ (89,8%) tăng 0,2%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (63,6%); Đồng Nai (78,8%); Phú Thọ (81,2%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Mũi 2: 7.091.080 trẻ (63,9%) tăng 0,4%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (46,5%); Đà Nẵng (31,8%); Quảng Nam (33,6%); TP.HCM (36,3%); Đồng Nai (44,2%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,4%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (95%).

Béo phì là bệnh lý, cần phải điều trị y khoa
Sáng 29/10, bệnh viện Việt Đức tổ chức buổi khám và tư vấn béo phì miễn phí cho người dân. Hàng trăm người đã tìm đến với hi vọng cải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư