Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 18/7: Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão
D.Ngân - 18/07/2023 10:30
 
Trong mùa mưa bão, người dân phải đối diện với nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm.
TIN LIÊN QUAN

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm

Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân trở nên cao hơn.

Ảnh minh hoạ.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.

Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. 

Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae gây bệnh tả; Salmonella gây thương hàn; Shigella gây lỵ trực trùng; Bacillus anthracis gây bệnh than hay bệnh tiêu chảy do vi rút (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E... Ngoài ra, nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.

Cùng với đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra. 

Đồng thời, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ…

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các cơ sở thực phẩm tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng của trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân. 

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7/7-14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Thạch Thất là khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Đây cũng là điểm nóng sốt xuất huyết trong thời gian qua của Hà Nội.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết.

Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Hiện toàn thành phố có 27 ổ dịch đang hoạt động. Riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã phát hiện 160 bệnh nhân.

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Dự báo, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.

Nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan. 

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho rằng, hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết.

Trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm nhưng với sự biến động của thới thiết, quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.

"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS. Dũng phân tích.

Để phòng chống sốt xuất huyết, TS.Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi đẻ trứng trong các đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư