Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 1/9: Xuất viện sau một ngày xạ phẫu điều trị u não
D.Ngân - 01/09/2023 08:49
 
Một bệnh nhân tại Bệnh viện K đã xuất viện sau một ngày xạ phẫu gamma điều trị u não.

Rút ngắn thời gian điều trị

Có khối u máu ở giữa não, Nguyễn Văn Ph.20 tuổi, hiện là sinh viên tại Hà Nội đi thăm khám ở nhiều nơi nhưng bác sĩ từ chối mổ do vị trí sâu, biểu hiện đau đầu, chóng mặt thường xuyên tái diễn khiến cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều.

Gamma knife là một trong những kỹ thuật được bệnh viện ứng dụng rất thành công và mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.

Bà Nguyễn Thị B. (quê Nghệ An) mẹ của Ph. kể lại, hè năm 2022, Ph có biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Thời điểm đó gia đình chỉ nghĩ đơn giản cháu bị cảm thông thường.

Sau đó thấy cháu thi thoảng đau đầu, thỉnh thoảng bị giật ở tay nên đưa đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ phát hiện khối u máu trong não. Các bác sĩ nói khối u nằm ở giữa não, nếu mổ có 90% nguy cơ biến chứng liệt, ảnh hưởng nhiều chức năng của não nên gia đình chần chừ không dám mổ.

Khá lâu sau đó Ph. được gia đình đưa vào Bệnh viện K (Hà Nội) khám và không dám hy vọng nhiều vì cũng như như bao lần khám trước đó.

Trực tiếp khám cho Ph. là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện K. Tiến sĩ Liên cho biết, Ph. có khối u đang chảy máu, kích thước khoảng 3 cm nằm ở vị trí trung tâm não, khối u ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng quan trọng như vận động, cảm nhận bản thể.

Sau khi cân nhắc, hội chẩn rất kỹ, đánh giá tình hình và toàn trạng bệnh nhân, các bác sĩ quyết định sẽ điều trị cho Ph. bằng phương pháp xạ phẫu gamma knife. Đây là giải pháp tối ưu cho Ph.

Theo bác sĩ Liên, u máu thể hang tại não là tổn thương lành tính với thành mạch mỏng, do vậy biểu hiện bởi các đợt tự chảy máu và tự cầm (khoảng 0,7-1,7%/ năm) tổn thương này hay tái phát.

Về điều trị, có các phương pháp theo dõi định kỳ khi không có triệu chứng, khi có triệu chứng hoặc chảy máu cần điều trị bằng phẫu thuật hoặc gamma knife.

Điều trị xạ phẫu bằng dao gamma hiệu quả ở các vị trí sâu như thân não, đồi thị, cuống đại não, vùng vận động, cảm giác.

Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn với nguyên tắc là dùng tia gamma với liều lượng vừa đủ để tiêu diệt u và bảo vệ các cấu trúc não chung quanh nên ít gây tác dụng phụ, thời gian điều trị 1-2 ngày, thường áp dụng điều trị với u máu thể hang chảy máu, u dây V, u dây số 8, các khối u vùng xoang hang, khối u di căn não, các dị dạng mạch não nhỏ, đau dây V, khối u tồn dư sau phẫu thuật hoặc ở vị trí không thể can thiệp phẫu thuật.

Ph.được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K điều trị bằng gamma knife, chỉ sau 1 ngày Ph. đã tỉnh táo, đi lại bình thường, và trở lại trường học sau 2 tuần nghỉ ngơi.

Đánh giá sau điều trị, tình trạng đau đầu, giật tay của Ph.đã không còn. Kết quả chụp phim, khối u đã được kiểm soát tốt, trí nhớ, vận động và sức khỏe bình thường, và rất phấn khởi để chuẩn bị cho năm học thứ 3 đại học tại Hà Nội.

Lần đầu đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể cứu 2 bệnh nhân nguy kịch

Mới đây, các thầy thuốc của Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể trên hai bệnh nhân nặng, mở ra nhiều hi vọng cho các bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam, 76 tuổi, vào viện vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có biến chứng tràn khí màng phổi.

Khoảng 4h ngày 2/8/2023, bệnh nhân đang đi bộ thì xuất hiện đau tức ngực trái và khó thở. Bệnh nhân tự hít Ventolin (2 xịt) nhưng không đỡ khó thở, 4 tiếng sau, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9.

Trong quá trình điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh diễn biến nặng, tràn khí màng phổi được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực.

TS.BS Bùi Văn Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết: Với bệnh nhân COPD giai đoạn cấp, phổi đang trong giai đoạn tổn thương nặng, kèm theo bệnh nhân có tràn khí màng phổi nên việc cài đặt và điều chỉnh máy thở rất khó khăn, đặc biệt là khi bệnh nhân có tình trạng CO2 trong máu tăng cao.

Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể, nhờ đó sẽ giúp tình trạng tăng CO2 trong máu bệnh nhân được kiểm soát dễ dàng để giúp bác sĩ điều chỉnh thông số máy thở dễ dàng hơn, giảm hỗ trợ máy thở cho bệnh nhân và giúp cho phổi nghỉ ngơi.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, đã được rút ống nội khí quản, đã tự thở được khí phòng và ngày 23/8, bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm Hô hấp để tiếp tục điều trị bệnh phổi mạn tính.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam 40 tuổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Bệnh nhân bị suy thận mạn do viêm cầu thận đã được ghép thận 6 năm nay và duy trì thuốc chống thải ghép.

Ngày 1/8/2023, bệnh nhân xuất hiện sốt cơn, rét run, kèm theo ho khạc đờm và khó thở tăng dần, được điều trị 13 ngày tại cơ sở y tế trước bằng kháng sinh, thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục nhưng tình trạng của bệnh nhân không cải thiện và ngày một tăng nặng nên đã được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Bùi Văn Cường cho biết: ARDS là bệnh lý nặng và khó trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, giống như các bệnh nhân Covid -19 bị viêm phổi nặng.

Khi phổi tổn thương nặng như vậy cần phải thở máy với chiến lược thông khí bảo vệ phổi, tuy nhiên trong trường hợp này máy thở hỗ trợ càng cao thì nguy cơ tổn thương phổi và CO2 trong máu bệnh nhân càng tăng lên và bệnh nhân có nguy cơ nặng lên.

Do vậy, kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể giúp đào thải CO2 ra ngoài, nhờ đó tạo thuận lợi cho bác sĩ dễ dàng cài đặt thông số máy thở thấp xuống, giảm nguy cơ gánh nặng cho phổi của bệnh nhân và giúp cho phổi bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn.

Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, được chỉ định trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ADRS), đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo trong một số bệnh lý.

 Hiểu một cách đơn giản, với kỹ thuật này máu tĩnh mạch của bệnh nhân sẽ được hút ra bằng bơm của máy thông qua 1 catheter 2 nòng có kích thước 13-15 F.

Máu của bệnh nhân sẽ được đi qua màng bán thấm có tác dụng trao đổi và đào thải CO2. Máu sau trao đổi có nồng độ CO2 thấp sẽ được trả về cho bệnh nhân.

Trên thế giới, kỹ thuật này đã được triển khai một thời gian, thành công tại Châu Âu và Mỹ. Qua các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng học hỏi để triển khai kỹ thuật và đây là 2 bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được thụ hưởng kỹ thuật này.

Chia sẻ về tính ưu việt của kỹ thuật này, PGS-TS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trước đây, với bệnh nhân viêm phổi nặng như vậy, các bác sĩ phải điều chỉnh thông số máy thở cao lên để hỗ trợ cho bệnh nhân.

Tuy nhiên có một thực tế khi thông số máy thở càng điều chỉnh cao lên thì nguy cơ và gánh nặng lên phổi của bệnh nhân càng lớn. Do vậy, khi chúng ta có thêm các biện pháp hỗ trợ khác như kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể sẽ giúp các bác sĩ đảm bảo CO2 trong máu bệnh nhân ở mức an toàn và giúp cho bác sĩ điều chỉnh giảm tối đa hỗ trợ của máy thở, từ đó giúp cho phổi nghỉ ngơi nhiều hơn và tăng khả năng hồi phục.

Hiện nay chúng tôi đã có kinh nghiệm bước đầu rất khả quan khi triển khai kỹ thuật này trên 2 nhóm bệnh. Với việc sử dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể qua đường tĩnh mạch thì mức độ tổn thương về mạch máu, các biến chứng có thể xảy ra sẽ ít gặp hơn.

"Từ trường hợp này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân viêm phổi cấp tiến triển và COPD, có thể triển khai được rộng hơn từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh. Trong tương lai, khi việc áp dụng rộng rãi hơn với chi phí hợp lý thì chúng tôi có thể triển khai trên nhiều nhóm bệnh khác nhau, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch”, PGS. Đỗ Ngọc Sơn chia sẻ về tương lai triển khai của kỹ thuật này.

“Phép màu” tái sinh bệnh nhi ung thư máu kháng thuốc, kháng trị
Chỉ sau 30 ngày, một bệnh nhi ung thư máu tưởng chừng hết hy vọng đã hồi sinh kỳ diệu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư