Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/9: Gỡ khó cho các dự án bệnh viện tại Hà Nam
D.Ngân - 19/09/2022 10:19
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ vừa có chuyến đi khảo sát, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Ngày 18/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đi khảo sát, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm cơ sở 2 của các bệnh viện Lão khoa, Việt Đức, Bạch Mai.

Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng; cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỉ đồng; thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam xây dựng từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được đi vào hoạt động.

Đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Song cũng từ đó, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.

Ngay sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam về hai dự án này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp...; đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này.

Việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những yếu kém, sai từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh dứt khoát phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành, đưa hai bệnh viện vào hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm về những sai sót trong quá trình triển khai dự án.

Yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp và UBND tỉnh Hà Nam.

Tổ công tác tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác.

Trên cơ sở đó, xác định vấn đề nào luật pháp đã có quy định, vấn đề nào chưa có quy định; vấn đề thuộc thầm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể.

Về dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng từ năm 2017; UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định giao đất và bàn giao hơn 4.5000 m2 đất để xây dựng bệnh viện.

Hiện nay, dự án Bệnh viện này chưa được khởi công xây dựng, song đã dành một phần kinh phí để khảo sát, thiết kế, lập dự toán, tạm ứng hợp đồng thi công...

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí xây dựng bệnh viện. Bộ Y tế đã có một số văn bản gửi các cơ quan chức năng về các vấn đề này và đề nghị tiếp tục triển khai dự án.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành bàn bạc và tham khảo ý kiến các bên, nếu đồng thuận, hài hòa, hợp lý, hiệu quả thì tiếp tục triển khai.

Tiến độ tiêm chủng còn chậm, thấp, chưa đảm bảo yêu cầu tại một số địa phương

Ngày 18/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 cho biết, số mũi tiêm thực hiện trong ngày là 28.336 tại 14 tỉnh, thành trong đó 25.734 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 2.602 mũi tiêm cho trẻ 5- dưới 12 tuổi.

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.397.861. Mũi 1: 9.752.873 trẻ (88%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (74,2%); Đà Nẵng (64,2%); TP. Hồ Chí Minh (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (70,7%), Bình Dương (76,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,4%); Bắc Ninh (99,8%); Điện Biên (99,7%).

Mũi 2: 6.644.988 trẻ (60%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (25,7%); Quảng Nam (25,6%); Bình Thuận (42,9%), TP. Hồ Chí Minh (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (93,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (92,2%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 50.459.572 mũi tiêm (77,5%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,2%); Khánh Hòa (55,6%); Đồng Nai (53%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (59,5%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Sóc Trăng (97,7%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 15.203.160 mũi tiêm.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.876.635 trẻ (56,9%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (33,6%); Phú Yên (21,4%); Bình Thuận (33,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (27,6%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (96,5%); Lâm Đồng (91,1%); Sóc Trăng (99,3%).

Bắc Giang: Tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em cao thứ 2 cả nước

Tính đến ngày 18/9, tỉnh Bắc Giang tiêm được hơn 5,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.

Người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 đạt 99,9 %, mũi 4 đạt 99,9% số đối tượng ưu tiên (công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người trên 50 tuổi, cán bộ tuyến đầu chống dịch và các đối tượng khác).

Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm được gần 449.000 liều (mũi 3 đạt 96,3%). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm được hơn 484.200 liều (mũi 2 đạt 94%).

Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi của tỉnh Bắc Giang xếp thứ 2 toàn quốc.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang còn một số ít trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đến hạn tiêm mũi 2. Trong nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi có một số trẻ đã đủ 18 tuổi để lên đối tượng người lớn, còn một số trẻ đã đủ 12 tuổi nhưng chưa đến hạn tiêm mũi 3. Bởi vậy, việc tiêm mũi 2 của trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 3 của trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi chưa đạt tỷ lệ tối đa.

Tỉnh Bắc Giang đề xuất Bộ Y tế phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc-xin Moderna để tỉnh kịp thời tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư