Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/8: Ứng phó với các biến thể phụ Omicron xâm nhập Việt Nam
D. Ngân - 20/08/2022 09:00
 
Nước ta đang có 4 biến thể phụ của chủng Omicron trong cộng đồng được cho rằng gia tăng ca mắc mới và có khả năng lẩn tránh miễn dịch.

Ứng phó khẩn cấp với các biến thể mới

Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác, trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. 

Các biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, tại Việt Nam ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.12.1, đã ghi nhận thêm biến thể phụ mới BA.2.74 (không phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin trong công văn của Cục Y tế Dự phòng trước đó). 

Tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo ngày 8/8 của Bệnh viện Bạch Mai.

Ảnh minh họa

Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, virus có thể tồn tại lâu dài, có thể tiến hoá theo chiều hướng nhẹ đi và lưu hành lâu dài như cúm mùa, nhưng có thể biến chủng nặng hơn hoặc vô hiệu hoá vắc-xin, thực tế đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tốc độ tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 còn chậm, đặc biệt là tiêm vắc-xin mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi. 

Năm học mới sắp bắt đầu, hàng triệu trẻ em trên cả nước quay lại trường học, song nhiều phụ huynh vẫn từ chối tiêm vắc-xin cho trẻ, khiến cho “lá chắn” bảo vệ trẻ trước Covid-19 chưa đạt yêu cầu đề ra.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trẻ em vẫn bị nhiễm Covid-19, mặc dù khi nhiễm bệnh nhẹ, tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nặng như đã ghi nhận trẻ mắc hội chứng MIS- C (viêm đa hệ thống hậu COVID-19). 

Trẻ em vẫn tiêm rất nhiều loại vắc-xin. Từ lúc lọt lòng trẻ đã tiêm vắc-xin viêm gan B ngay tại bệnh viện, sau đó tiêm vắc-xin lao, sởi, bại liệt, bạch hầu… “Việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ đã được WHO cấp phép và tiêm cũng an toàn, phụ huynh không nên lo lắng quá mà cần phải cho trẻ đi tiêm để phòng bệnh”, chuyên gia khuyến cáo.

Cùng lúc có 4 biến thể phụ của Omicron trong cộng đồng mà chủ đạo là biến thể phụ BA.4, BA.5 ở nhiều tỉnh phía Nam, biện pháp ứng phó với thực trạng gia tăng ca mắc hiện nay sẽ như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vẫn duy trì 2 biện pháp: Ngành y phải tiếp tục giám sát đánh giá tác động, đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng phù hợp. 

Thứ hai là tổ chức việc dự phòng cá nhân, người dân không chủ quan lơ là, dẫn tới bệnh lây lan nhanh.

 Người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, khử khuẩn, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. 

Môi trường có nguy cơ là môi trường kín, đám đông và phải bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, Covid-19 không biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. 

Thời gian qua ghi nhận nhiều ca tái nhiễm, thậm chí có người nhiễm lần thứ 3, thứ 4. 

Sau 4-6 tháng tiêm vắc-xin, miễn dịch giảm đi, kể cả miễn dịch tự nhiên (đã mắc Covid-19) nên vẫn tái nhiễm. 

Do vậy cần phải tiêm vắc-xin và cần phải tiêm nhắc lại. Không có biến chủng lâu bền (như bệnh sốt xuất huyết, chủng mắc rồi thì không mắc lại nữa), mà Covid-19 cùng một chủng vẫn bị tái nhiễm tuýp khác nhau, thậm chí vẫn tái nhiễm biến chủng đó.

43 tỉnh, thành phố tiêm mũi 3 cho người lớn

Theo Bộ Y tế, ngày 18/8, tổng số mũi tiêm là 254.094.637. Số mũi tiêm thực hiện trong ngày: 652.938 tại 49 tỉnh, trong đó 474.221 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi cho 178.717 trẻ 5-11 tuổi

Nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 49.349.246 mũi tiêm (75,2%) tăng 0,2%, trong ngày có 43 tỉnh triển khai với 51.028 người được tiêm: 

Tỷ lệ thấp: Bình Định (56,5%); Khánh Hòa (55%); Đồng Nai (47%); Cần Thơ (54,4%); Đồng Tháp (56,8%).

Tỷ lệ cao: Thanh Hoá (95,5%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 12.845.314 mũi tiêm (67,7%) tăng 0,9 %, trong ngày có 49 tỉnh triển khai với 231.687 người được tiêm. 

Tỷ lệ thấp: Quảng Trị (46,7%); Đà Nẵng (42%); TP. Hồ Chí Minh (49,7%); Lâm Đồng (45,2%); Bạc Liêu (41,2%).

Tỷ lệ cao: Hưng Yên (96,6%); Bắc Kạn (95,4%); Vĩnh Long (99,7%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm nhắc: 4.071.979 trẻ (47,1%) tăng 0,7%. 

Tỷ lệ thấp: Đà Nẵng (22,8%); Phú Yên (12,3%); BR-VT (14,3%); Đồng Nai (22,9%); Bình Dương (22,7%).

Tỷ lệ cao: Bắc Giang (85,9%); Quảng Ninh (78,8%); Sóc Trăng (82,2%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 14.463.588 

Mũi 1: 8.884.951 trẻ (79,6%); tăng 0,9%. 

Tỷ lệ thấp: Đà Nẵng (48,6%); Quảng Nam (49,3%); Bình Thuận (58,7%); TP Hồ Chí Minh (53,1%); Bình Dương (60,6%).

Tỷ lệ cao: Bắc Giang (96,2%); Vĩnh Long (96,1%), Cà Mau (95,7%).

Mũi 2: 5.578.637 trẻ (50%); tăng 2%. Tỷ lệ thấp: Đà Nẵng (19,3%); Quảng Nam (16,7%); Khánh Hòa (27,1%); TP.Hồ Chí Minh (30,6%); Bình Dương (27,2%). Tỷ lệ cao: Đồng Nai (75,9%); Sóc Trăng (87,9%); Bạc Liêu (81,6%).

Hải Phòng: Số ca mắc Covid-19 gia tăng

Thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng vừa cho biết, số ca mắc Covid-19 trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng trong ngày 19/8 đã tăng trở lại với 75 ca. Nâng tổng số ca mắc trong suốt từ đầu dịch lên 517.406 ca.

Hiện toàn thành phố Hải Phòng đang điều trị cho 697 ca, trong đó điều trị tại nhà là 520 ca; số bệnh nhân nặng/nguy kịch là 5 ca.

Cũng theo Sở Y tế Hải Phòng, trong ngày 19/8, ngành y tế đã thực hiện tiêm 17.015 mũi, nâng tổng tích lũy mũi tiêm trên địa bàn thành phố từ đợt tiêm đầu cho đến 18h ngày 19/8 là 5.319.874 mũi, trong đó: người lớn là 4.552.600 mũi với số liều cơ bản là 3.579.253. 

Đối với trẻ em từ 12-17 tuổi đã thực hiện 465.265 mũi. Đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi đã thực hiện 302.009 mũi tiêm, trong đó (Mũi 1 là 185.615 chiếm 92,81%; Mũi 2 là 116.394 chiếm 58,20%).

Quảng Ninh: Tăng cường tiến độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 28 nghìn trẻ chưa tiêm mũi 1, trên 50 nghìn trẻ chưa tiêm mũi 2. 

Các địa phương còn nhiều đối tượng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhất là đối với tiến độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tăng cường  hơn nữa việc triển khai tiêm chủng, tập trung tối đa nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ trong ngày 22/8.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương và thuận tiện nhất cho trẻ đến tiêm. 

Việc quản lý đối tượng trong diện tiêm mà chưa tiêm, đặc biệt nhóm trẻ không tới trường và trẻ tại các cơ sở bảo trợ xã hội cần rà soát kỹ, tránh để lọt.

Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ cả 2 mũi vắc-xin cơ bản và 2 mũi vắc-xin tăng cường phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh cho đối tượng trên 18 tuổi đều đạt cao. Cụ thể, mũi 1 đạt 99,87%; mũi 2 đạt 99,57%; mũi 3 đạt 97,68% và mũi 4 đã đạt 92,76%.

Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 3 đã đạt 77,86%. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 84,41%, mũi 2 đạt 56,75%.

Thái Bình triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 12 tuổi

Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 quy mô lớn cho người trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Đợt tiêm này được thực hiện từ ngày 17/8 đến 5/9, thực hiện cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, trong và ngoài giờ hành chính.

Đối tượng tiêm chủng đợt này là những người từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm đủ liều cơ bản, chưa tiêm mũi nhắc lại. 

Tỉnh ưu tiên người chưa hoàn thành mũi cơ bản, người thuộc đối tượng nguy cơ (người từ 60 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh lý nền, lực lượng y tế...) và mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Địa điểm tiêm được tổ chức tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế và tại nhà đối với một số trường hợp đặc biệt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối phối hợp cùng các phòng chức năng của Sở Y tế, các đơn vị, địa phương tham mưu xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Trung tâm chủ trì, tham mưu chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng vắc-xin trên toàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện tiêm chủng theo quy định và hoạt động thông tin, truyền thông; cấp phát vắc-xin cho các đơn vị được giao tiêm trên địa bàn thành phố và các trung tâm y tế huyện, thành phố...

Đối với các các đơn vị y tế (trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn...) chủ trì tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Sở Y tế tỉnh Thái Bình yêu cầu đảm bảo tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định, chú ý khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn theo dõi sau tiêm cụ thể rõ ràng, phối hợp xử lý cấp cứu và an toàn phòng, chống dịch trong tiêm; thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng, đối chiếu người được tiêm để tránh nhầm lẫn...

Số ca Covid-19 tăng kỷ lục trong 3 tháng qua
Theo Bộ Y tế, ngày 16/8, cả nước ghi nhận 2.983 ca Covid-19, cao nhất trong 96 ngày qua. Hôm nay, có 2 F0 ở Điện Biên và Quảng Ninh tử vong.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư