Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 21/10: Thông tin mới nhất về ca nhiễm cúm gia cầm, cảnh báo nguy cơ trẻ đột tử khi ngủ
D.Ngân - 21/10/2022 09:26
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Phú Thọ cập nhật thông tin mới nhất về sức khỏe của bé gái ở huyện Thanh Ba mắc cúm gia cầm A(H5).

Phát hiện ca mắc cúm gia cầm sau 8 năm vắng bóng

Theo đó, ca nhiễm cúm A/H5 ở tỉnh này là một bé gái 5 tuổi có địa chỉ tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Trước đó, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Dịch cúm gia cầm có khả năng lây lan rất nhanh.

Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.

Bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.

Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm định type cúm A/H5.

Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5. Hiện, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, nằm điều trị tại khoa Điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/Sốc nhiễm khuẩn/Suy đa tạng/Cúm A/H5.

Theo lời người nhà của bệnh nhi kể, khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Và đến thời điểm hiện tại các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sinh sống chưa phát hiện hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có biểu biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống như bệnh nhi.

Trước đó ngày 20/10 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông tin về trường hợp dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (Phú Thọ). 

TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.

Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5).

Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cho hay, việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Liên quan đến bệnh cúm gia cầm, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. 

Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; 

Bên cạnh đó, rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. 

Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.

Cùng đó, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Cảnh báo nguy cơ trẻ đột tử khi ngủ

Ngày 21/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, liên tiếp trong các ngày 10/10 và 20/10, Khoa Cấp cứu và Chống độc của BV tiếp nhận 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến viện.

Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng các bé vẫn không qua khỏi và được chẩn đoán là hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS/ Sudden Infant Death Syndrome).

Bác sĩ Đinh Thị Thu Phương, Khoa Cấp cứu & Chống độc- người trực tiếp nhận 2 bệnh nhi cho biết, trường hợp thứ nhất là một bé trai (6 tháng tuổi) khoẻ mạnh hoàn toàn. 

Trưa ngày 10/10, sau khi ăn bé được gia đình cho nằm ngủ một mình trong phòng. Khi gia đình phát hiện thì lúc này trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái. Ngay lập tức trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà cấp cứu ngừng tuần hoàn, trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua hồ sơ bệnh án được biết trẻ vào khoa Cấp cứu Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn. 

Tại đây, các bác sĩ đã tiếp tục hồi sức và làm các xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình quyết định xin cho bé về.

Trường hợp thứ hai là một bé gái 3 tháng tuổi (trú tại Hà Nội), vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim trước khi đến Bệnh viện. 

Qua lời kể của gia đình, khoảng 23h ngày 19/10, trẻ được cho ngủ cùng bố mẹ. Đến khoảng 1h30 ngày 20/10, khi mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở. 

Trong lúc hoảng loạn, gia đình gọi xe cấp cứu đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ phát hiện trẻ đã ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng trẻ đã không qua khỏi.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) là cái chết bất ngờ và không tiên lượng được ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 tuần tuổi đến 1 năm tuổi. 

SIDS hay gặp ở trẻ 2-4 tháng tuổi. Hầu hết SIDS đều xảy ra khi trẻ đang ngủ. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước, khiến đột tử ở trẻ nhỏ trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.

Bên cạnh những nguyên nhân gây tử vong đột ngột: ngạt thở, chảy máu não, viêm cơ tim… nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân xảy ra tình trạng đột tử ở trẻ nhỏ là do trẻ có khuyết tật nghiêm trọng ở hệ hô hấp, tim mạch.

Hoặc sự kiểm soát nhịp thở của não bộ chưa phát triển hoàn thiện; Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng - sấp. 

Bé ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ. 

Quá trình ngủ, có tăng thân nhiệt do nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quấn quá nhiều quần áo, chăn to, trẻ ngủ sâu dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.

Để phòng hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ, bác sĩ Lê Ngọc Duy cho rằng, tử vong ở trẻ nhỏ do SIDS là vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Do đó, cần nâng cao cảnh giác, tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ.

Bên cạnh đó cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Thường xuyên quan sát trẻ. Nếu sử dụng núm vú giả cho trẻ dưới 1 tuổi giúp mở thông đường thở. 

Để nhiệt độ phòng phù hợp, thông thoáng quần áo. Ngoài ra, khi ngủ không trùm đầu trẻ. Đặt trẻ nằm trên tấm đệm ít bị trũng xuống. Không sử dụng gối, đồ chơi nhồi bông, chăn có nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực cũi/giường của trẻ.

Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần nằm cũi, giường riêng, bên cạnh giường ngủ của người chăm sóc. Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi. Phụ huynh cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Bà mẹ cũng không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý trong thai kỳ và thời gian nuôi con nhỏ.

Khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Không sợ chết, người dân thờ ở với dịch cúm gia cầm
Mặc dù dịch cúm gia cầm đã bùng phát mạnh tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước, thế nhưng tại Hà Nội, tình trạng buôn bán gia cầm sống chưa qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư