Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 21/7: Quản lý chặt hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng
D.Ngân - 21/07/2022 09:34
 
Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chiếm tỷ trọng lớn trong số sản phẩm quảng cáo được phát trên đài phát thanh, truyền hình.

Thực trạng này phản ánh nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo.

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng nhằm bảo đảm đúng quy định, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn một số sản phẩm quảng cáo chưa đáp ứng yêu cầu, quảng cáo công dụng vượt quá thực tế, cách thể hiện còn phản cảm, thời điểm phát quảng cáo chưa phù hợp, thậm chí có trường hợp còn vi phạm thuần phong, mỹ tục… cần có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Ảnh minh hoạ

Cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm xác nhận nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo trước khi phát hành, công khai nội dung xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử để các cơ quan kiểm tra, thanh tra, tổ chức phát hành quảng cáo, doanh nghiệp liên quan có căn cứ thực hiện.

Rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.

Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng để chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; trong đó khẩn trương rà soát, quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo, bảo đảm việc xác nhận đúng luật, đúng nội dung chuyên môn để các cơ quan liên quan thực hiện.

Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục, khẩn trương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bảo đảm thuốc, vật tư y tế và về việc cán bộ y tế thôi việc, bỏ việc tại các cơ sở y tế công lập.

Gia hạn thêm gần 3.600 giấy đăng ký lưu hành thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn thông báo gia hạn 3.579 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế gồm: 2.694 thuốc trong nước, 806 thuốc nước ngoài và 79 vắc-xin, sinh phẩm, nâng tổng số thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Đây là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ.

Đầu tháng 6/2022, Cục Quản lý Dược đã thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế gồm  4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vắc-xin, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6/2022 được gia hạn hiệu lực số đăng ký.

Các thuốc điều trị được gia hạn thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau...

Danh mục thuốc được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược.

Đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong danh mục đã thực hiện thay đổi, bổ sung hoặc có đính chính thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Bộ Y tế với các vị liên quan để thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.

Tiến độ cấp hộ chiếu vắc-xin vẫn chậm

Đến nay đã có hơn 40 triệu người ở nước ta đã được cấp hộ chiếu vắc-xin. Như vậy sau hơn 3 tháng triển khai, tiến độ cấp hộ chiếu vắc-xin còn chậm nhiều so với kỳ vọng.

Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), nguyên nhân khiến việc cấp hộ chiếu vắc-xin chậm trễ do:

Thứ nhất, thông tin người dân khai báo khi đi tiêm trước đây không chính xác, đặc biệt là trong các khoảng thời gian đỉnh điểm, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước dẫn tới việc khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh thông tin thực hiện quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin sẽ không thực hiện được do sai thông tin.

Thứ hai, một số địa phương còn chậm trễ ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện nay, còn khoảng 17 triệu đối tượng chưa được xác thực thông tin. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Viettel xuất dữ liệu xác minh sai thông tin gửi Bộ Công an hỗ trợ việc làm sạch số dữ liệu trên sẽ hoàn thành trong tháng 7.

Bộ Y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện ký số và cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn cho người dân cần khai báo đúng, đủ thông tin trên các ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử.

Kết luận nguyên nhân bị hoại tử xương hàm mặt sau nhiễm Covid-19

Sau khi có thông tin về tình trạng hoại tử xương sọ-mặt có liên quan đến một số bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 được phát hiện và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng hàm mặt TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu hai bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

Hội đồng chuyên môn của 2 bệnh viện được thành lập, do PGS.TS Lê Văn Sơn - nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật hàm mặt, Viện đào tạo Răng hàm mặt, Trường Đại học Y Hà Nội, làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng thảo luận, đưa ra kết luận về nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau nhiễm Covid-19.

Theo đó, hoại tử xương sọ-mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ, có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ-mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)...

Hội đồng chuyên môn đưa ra khuyến cáo về các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, gồm: sưng, đau sọ-mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ-mặt.

Về điều trị, Hội đồng kết luận cần phối hợp các chuyên khoa liên quan; phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.

Liên tục cảnh báo thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia và An Khánh Đan LMD quảng cáo sai sự thật.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư