Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 22/10: Giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em; Xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng đúng cách
D.Ngân - 22/10/2022 11:19
 
Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam vừa khuyến nghị về việc Việt Nam cần khẩn trương giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em.

Khẩn trương giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng cấp tính nặng là dạng suy dinh dưỡng gây chết người nhiều nhất và là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với tính mạng của trẻ em. Trên toàn cầu, khoảng 1/5 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi là do bệnh này gây nên, và tối thiểu có 13,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

Trẻ em mắc suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong do các bệnh thông thường như viêm phổi và tiêu chảy cao hơn khoảng 12 đến 20 lần so với trẻ khỏe mạnh.

Theo UNICEF, có 90% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở Việt Nam không được điều trị và giải pháp cho vấn đề này là cần có chính sách và luật pháp hỗ trợ. Không thể để trẻ em mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng bị tử vong trong khi bệnh này có thể điều trị được.

Ảnh minh hoạ

Số liệu của giám sát dinh dưỡng thường niên được thực hiện gần đây nhất, ước tính có khoảng 230.000 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

Để đảm bảo mọi trẻ em mắc suy dinh dưỡng cấp tính nặng đều được điều trị, không phân biệt dân tộc hay tình trạng kinh tế xã hội, UNICEF khẩn thiết kêu gọi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội đảm bảo có các chính sách và pháp luật hỗ trợ, bao gồm cả Luật khám bệnh chữa bệnh sắp được sửa đổi: Công nhận suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một căn bệnh; Xác định các sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là thuốc; Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo UNICEF, thời điểm hiện nay là lúc Việt Nam cần có những hành động cấp thiết để đảm bảo tất cả trẻ em được sống, được phát triển tốt nhất. Đã đến lúc đưa tuổi thơ trở lại với mọi trẻ em. Bằng hành động này, Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết và phù hợp với Luật Trẻ em năm 2016.

Xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng đúng cách

Bộ Y tế vừa phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2022.

Chương trình mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm nay có chủ đề “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam vững vàng và khoẻ mạnh”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình  hợp tác từ năm 2008 đến nay giữa Bộ Y tế với Unilever Việt Nam và các địa phương trong việc thúc đẩy những chương trình nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khoẻ cho hàng triệu người dân, điển hình là xây dựng thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn, góp phần phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm.

Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc người bệnh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, Adeno virus, cúm, giun sán…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng kêu gọi các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và cơ quan thông tấn báo chí tăng cường phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích và hiệu quả của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh để từ đó duy trì việc rửa tay với xà phòng dần trở thành thói quen hàng ngày.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng vào các hoạt động trong nhà trường cho các em học sinh và duy trì thành hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá, cuộc thi tìm hiểu, phát động thi đua về vệ sinh phòng bệnh cho các thầy cô giáo và các em học sinh.

Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, chợ, nhà ga, bến tàu xe, các khu du lịch, vui chơi giải trí và những nơi công cộng khác đảm bảo cung cấp, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh tay để mọi người đều có thể thực hành rửa tay thường xuyên.

Mỗi hộ gia đình cũng cần phải có đầy đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay. Với mỗi người dân và các em học sinh cần thực hiện đầy đủ, thường xuyên việc rửa tay với xà phòng mọi lúc, mọi nơi nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Nhiều hướng điều trị mới cho các bệnh nhân máu ác tính

Trong 2 ngày 21- 22/10, tại thành phố Quy Nhơn, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM phối hợp cùng Trường Đại học C.H.U Grenoble, Trung tâm Truyền máu Grenoble (Pháp) tổ chức Hội nghị truyền máu-ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt-Pháp năm 2022.

Hơn 400 đại biểu là các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, dược sỹ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đầu ngành và khách mời khác đến từ các bệnh viện trên toàn quốc cùng hơn 30 báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về ghép tế bào gốc có uy tín trên thế giới đến từ các nước như: Bỉ, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Singapore... tham dự.

Hội nghị lần này mang đến các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực: Điều trị huyết học (bệnh lý huyết học ác tính, di truyền, mãn tính và ghép tế bào gốc tạo máu); xét nghiệm kỹ thuật cao (HLA độ phân giải cao, dấu ấn miễn dịch tế bào); truyền máu, truyền máu trong ghép tế bào gốc tạo máu; ngân hàng tế bào gốc...

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm, nhất là trong lĩnh vực huyết học.

Thành công của phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu mang một ý nghĩa xã hội to lớn, giúp cho nhiều gia đình có người thân mắc bệnh máu nan y trở thành người thật sự khỏe mạnh, có đời sống sinh hoạt bình thường, vẫn có thể tham gia lao động, cống hiến cho xã hội. 

Phú Thọ: Tăng cường xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm

Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đã có Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Phú Thọ tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người.

Trong công tác điều trị, các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Trong công tác triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, các đơn vị có liên quan cần sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh cần thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.

Giúp trẻ em Việt Nam thoát nhanh tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi
Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Hội Nhi Khoa Việt Nam phối hợp với Công Ty Cổ Phần Sữa Việt Nam(Vinamilk) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư