Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 22/3: Tăng nhanh số trẻ mắc thủy đậu tại Hà Nội; Liên tiếp các ca tử vong nghi chó dại cắn
D.Ngân - 22/03/2023 10:15
 
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 10 - 17/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu, giảm nhẹ so với tuần trước đó (112 ca thủy đậu).

Tăng nhanh số trẻ mắc thủy đậu tại Hà Nội

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 4 ca, trong đó số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%)

Bệnh nhân thủy đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra.

Ảnh minh hoạ

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Mặc dù vậy, đối với trẻ nhỏ, nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh;

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Cũng trong tuần từ ngày 10 đến 17/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 172 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ có 9 ca.

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Sở Y tế thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường công tác dự báo, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (ngày 15-6).

Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị. Ngoài ra, thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế.

Nghệ An: 2 trẻ tử vong sau khi bị chó cắn

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch nghi do chó dại cắn. Các nạn nhân đều không qua khỏi.

Cuối tháng 2/2023, bé L.B.T (40 tháng tuổi, huyện Quế Phong) xuất hiện nôn nhiều, nôn tự nhiên kèm co giật. Gia đình lo lắng cho trẻ tới Trung tâm y tế huyện Quế Phong. Sau đó, trẻ nhanh chóng được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.

Tại khoa cấp cứu, các bác sỹ nhận định nghi ngờ bệnh dại. Bé T thường xuyên tiếp xúc với chó mèo và cách nhập viện 1 tháng, gia đình bé có 1 con chó chết không rõ nguyên nhân. Dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé T. không qua khỏi.

Sau đó không lâu, ngày 10/3, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận bệnh nhi V.Q.H. (9 tuổi, huyện Tân Kỳ) nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Tương tự bé L.B.T, bé H. đã không được tiêm phòng vắc-xin dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh. Khi bệnh dại đã lên cơn, trẻ không còn cơ hội cứu chữa.

Đầu tháng 3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1 trường hợp được chẩn đoán bị bệnh dại. Trước khi khởi phát bệnh khoảng 2 tháng, người này bị chó chưa xác định nguồn gốc cắn vào mu bàn tay trái. Bệnh nhân không điều trị phơi nhiễm bằng vắc-xin và cũng không đến cơ sở y tế để thăm khám.

Ngày 2/3, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế. Vào chiều 3/3, bệnh nhân được chuyển về nhà và ngày 6/3 tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo).

Việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là vật khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh dại khá dài (từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm) nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ.

Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.

Dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vắc-xin phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, người bệnh cần bình tĩnh thực hiện: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Những trường hợp sau cần phải tiêm đồng thời cả vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại: Khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại; Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu; Có vết cắn (dù là nhẹ) tại bộ phận sinh dục và những nơi có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu chi.

Tăng cao bệnh nhân phải tiêm phòng vắc-xin dại
Tại một số cơ sở tiêm chủng, số bệnh nhân cần tiêm phòng vắc-xin dại tăng cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư