Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 23/7: Phòng chống đuối nước ở trẻ em
D.Ngân - 23/07/2023 09:12
 
Những năm gần đây số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số tử vong vẫn cao, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước.

Tử vong do đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi.

Trẻ em từ 6 - 15 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển. Nhiều trường hợp, các em gặp nạn khi đang cố gắng cứu đuối bạn mình. Số lượng trẻ nam đuối nước cao hơn trẻ nữ. 

Ảnh minh hoạ.

Các bé dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị đuối nước ở gần hoặc ở sát nhà mình, trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch, kể cả các vũng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.

Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời thường xuyên giám sát trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

Phát biểu tại Chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đuối nước, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống đuối nước năm nay là "Ai cũng có thể bị đuổi nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống".

Toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới.

"WHO khuyến cáo Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bởi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn.

Đây là các biện pháp có chi phí hợp lý, đã được chứng minh về hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể nguy cơ đuối nước và bảo vệ tính mạng của trẻ em. 

Điều này, theo TS. Angela Pratt là rất quan trọng cho việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên được lớn lên khỏe mạnh và an toàn. Kỹ năng bơi an toàn không chỉ đi theo các em suốt đời, mà còn là một cách luyện tập nâng cao thể chất lành mạnh.

Còn theo bà Agarwal Vandana Shah, Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ cho hay đã hợp tác cùng chính phủ Việt Nam từ năm 2018 để thực hiện các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về phòng chống đuối nước.

Theo bà, để duy trì tính bền vững của chương trình cần có sự tự chủ của địa phương. Các địa phương cần có cam kết cả về nguồn lực tài chính cũng huy động triển khai đào tạo giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ, xây dựng và duy trì các bể bơi công cộng.

Về phía Việt Nam, bà Đoàn Thu Huyền, đại diện tại Việt Nam Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho biết thêm, đuối nước hoàn toàn phòng tránh được từ sự quan tâm và hành động thiết thực của mỗi gia đình, cá nhân. 

Hơn ai hết, bố mẹ, người thân hay thầy cô giáo cần tăng cường  giám sát trẻ em,  tạo điều kiện để các con được học bơi an toàn và học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, học cách chủ động bảo vệ bản thân trong tình huống xấu.

Trẻ 2 tuổi bỏng thực quản khi uống nhầm thuốc tẩy mụn ruồi

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ của đơn vị có tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi 2 tuổi bị ngộ độc thuốc tẩy mụn ruồi do sự bất cẩn của người lớn khi bảo quản hoá chất

Theo người thân bé trai cho biết, do gia đình bảo quản thuốc tẩy mụn ruồi trong lọ giống lọ men tiêu hóa nên bất cẩn cho trẻ uống nhầm. 

Sau khi uống khoảng 1-2ml thuốc tẩy mụn ruồi (có chứa thành phần hóa học NatriHydroxit và Kali Hydroxit), trẻ xuất hiện nôn, đau họng, đau miệng và được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Đáng chú ý, tại thời điểm thăm khám, môi lưỡi trẻ có nề đỏ.

Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy, trẻ có tình trạng niêm mạc họng và lưỡi bị bỏng ở mức độ nề đỏ, xung huyết, trợt niêm mạc. 

Qua khai thác thông tin từ gia đình và kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng; trẻ được bác sĩ chẩn đoán viêm loét họng miệng cấp sau ngộ độc hóa chất.

Ngay sau đó, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành điều trị bằng các biện pháp thải độc. Sau 24 giờ điều trị, chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, môi lưỡi còn sưng nề đỏ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, mức độ tổn thương của bệnh nhân nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loại hóa chất, liều lượng, nồng độ của hóa chất mà bệnh nhi uống phải, cũng như thời gian đến bệnh viện sớm hay muộn.

Khi bị ngộ độc hóa chất, bệnh nhân sẽ bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa nếu qua đường uống, trẻ nôn dễ bị sặc gây viêm phổi hóa chất có thể tím tái suy hô hấp và nguy cơ tử vong cao.

Về hậu quả lâu dài, người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng như: bỏng thực quản, dạ dày gây biến chứng thủng thực quản, thủng dạ dày, chảy máu dạ dày và có thể bị hẹp thực quản khó nuốt, hẹp môn vị, suy giảm chức năng gan, thận…

Trước sự việc trên, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, mọi người nên bảo quản các loại thuốc, hóa chất ở những vị trí an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ. Khi đựng các hóa chất trong bình chứa riêng, cần có nhãn ghi chú để tránh gây nhầm lẫn với người lớn và đặt ở nơi kín đáo, xa tầm tay trẻ nhỏ .

Trường hợp phát hiện trẻ nhỏ bị ngộ độc hoá chất cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời, tránh tình trạng gây nôn cho trẻ, tránh nguy cơ sặc hóa chất hoặc hóa chất lan rộng gây bỏng thực quản hoặc tăng mức độ tổn thương nặng nề hơn.

Sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước
Mặc dù có nhiều cảnh báo và hướng dẫn cấp cứu đuối nước song vẫn còn nhiều người chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp trẻ đuối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư