Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 24/5: Phòng, chống nắng, nóng cho người bệnh; Cảnh giác khi bệnh thủy đậu tăng cao
D.Ngân - 24/05/2023 10:32
 
Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản về phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện.

Triển khai các biện pháp chống nắng nóng

Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều vùng trên cả nước có nắng nóng diện rộng ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân và môi trường làm việc.

Ảnh minh họa.

Để phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, bảo đảm an toàn và nâng cao sự hài lòng người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng đơn vị:

Khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế đánh giá lại thật chính xác tiêu chí người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật” trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2.0 để bổ sung, khắc phục ngay cơ sở hạ tầng nếu chưa làm hoặc xuống cấp.

Khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.

Đồng thời, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính...

Lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa cho các khu vực cần thiết. Huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.

Bộ cũng yêu cầu bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ.

Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng như yêu cầu trong tiêu chí người bệnh được hưởng các tiện nghi bảo đảm sức khỏe, nâng cao thể trạng và tâm lý.

Duy trì bệnh viện xanh, sạch đẹp theo hướng dẫn trong tiêu chí A3.1 “Người bệnh được điều trị trong môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp" và bổ sung cây xanh nếu cần thiết.

Đối với các bệnh viện có nguồn lực hạn chế hoặc gặp khó khăn trong công tác đấu thầu: Phân công lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng và phòng tổ công tác xã hội huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhà hảo tâm, doanh nghiệp... chung tay, chia sẻ khó khăn cùng bệnh viện; đầu tư, tài trợ các phương tiện quạt, điều hoà, cây nước uống... nhằm phục vụ, nâng cao sự hài lòng người bệnh nhân viên y tế.

Các đơn vị nghiên cứu đầy đủ nội dung công văn, chỉ các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh các hoạt động cải tiến (nếu có).

Cảnh giác khi bệnh thủy đậu tăng cao

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng một tháng gần đây, Trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc thuỷ đậu vào điều trị. 

Trong đó, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai). Thậm chí trung tâm đã ghi nhận trường hợp người lớn tử vong do biến chứng của thuỷ đậu.

Cụ thể, bệnh nhân 32 tuổi được chuyển vào trung tâm điểu trị cách đây 1 tháng (ngày 23/4) được chẩn đoán mắc thuỷ đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.

Theo người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện điều trị 2 tuần, nam bệnh nhân có tiếp xúc với con trai mắc thuỷ đậu. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh không có bệnh lý nền.

Trước khi vào viện 4 ngày bệnh nhân xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm theo sốt, gai, rét. Bệnh nhân có đi khám tại phòng khám tư được chẩn đoán thuỷ đậu và dùng thuốc. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh thuỷ đậu không thuyên giảm, nam bệnh nhân có được người nhà đưa tới bệnh viện tỉnh khám.

Sau đó, bệnh lý của bệnh nhân diễn biến nặng đã được chuyển viện tới khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Khi tới bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân có sốt kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, có tổn thương phổi (đông đặc 2 phổi), hình ảnh phim chụp có tổn thương tim.

PGS. TS Cường cho biết, bệnh nhân được chuyển tới khoa cấp cứu sau đó được chuyển sang Trung tâm truyền nhiễm chỉ trong chưa đầy 24 giờ, bệnh tình diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân được chuyển viện vào trung tâm 6 giờ tối hôm trước thì tới 4 giờ đêm tim đập nhanh. Khoảng 9 giờ sáng các dấu hiệu sinh tồn giảm, bệnh nhân được gia đình xin về nhà.

Dù đã được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do bệnh nhân được chuyển trung tâm quá muộn, nhiều biến chứng kèm theo nên đã tử vong khi còn quá trẻ.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Đối với các trường hợp khoẻ mạnh mắc thuỷ đậu sau khoảng  1 tuần bệnh sẽ tự hết, không để lại di chứng.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc thuỷ đậu ở người lớn đã ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc. Thuỷ đậu, là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết) có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin. Nhưng mọi người thường chủ quan bỏ qua việc tiêm phòng", PGS. TS Cường nói.

Bệnh thuỷ đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, có tổn thương ngoài da là các nốt phỏng mọc trên da, toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.

Dù là bệnh lành tính tự khỏi nhưng thuỷ đậu có thể mắc nặng ở nhóm người có nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch. Người mắc ung thư đang điều trị hoá chất và người có bệnh lý nền: Đái tháo đường, tim mạch.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

PGS.TS Cường khuyến cáo, hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin.

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, trẻ nên tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh thuỷ đậu trở lại dù trước đó đã tiêm phòng. 

Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất là nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thuỷ đậu. Với trường hợp thuỷ đậu biến chứng, cần phải phát hiện và điều trị kịp thời để cứu sống được bệnh nhân.

Bệnh viện Tâm Anh cứu sống em bé 6 ngày tuổi mắc dị tật tim nặng

Bé trai 6 ngày tuổi, nặng chưa đầy 3 kg bước vào ca phẫu thuật tim sinh tử, tiềm ẩn nhiều rủi ro do đây là một trong những ca mổ tim sơ sinh nhỏ tuổi nhất.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, thai phụ rất may mắn khi phát hiện được dị tật bẩm sinh từ giai đoạn sớm. 

Nhờ đó, chúng tôi có kế hoạch theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ. Một phác đồ rất chi tiết được lập ra với sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa bao gồm Sản khoa, Gây mê - Hồi sức, Nhi - Sơ sinh, Nội tim mạch cùng toàn bộ hệ thống Phẫu thuật tim mạch… nhằm đón em bé chào đời bình an và nhanh chóng can thiệp sửa chữa trái tim.

ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Phẫu thuật viên Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bé bị hẹp cung động mạch chủ nên khi ống động mạch đóng lại, bé có nguy cơ thiếu máu nuôi những cơ quan quan trọng như tạng (gan, thận, ruột), chi dưới… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ gần như không thể qua khỏi. Do đó, cần tiến hành phẫu thuật cho bé càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là em bé còn quá nhỏ, mới 6 ngày tuổi với cân nặng chưa đầy 3kg. Các mạch máu của trẻ có kích thước rất nhỏ, đòi hỏi các bác sĩ phải có kỹ năng phẫu thuật vi phẫu rất cao. Đặc biệt, trẻ phẫu thuật dưới 2 tuần tuổi phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng chức năng tim, thận, phổi khi các cơ quan chưa ổn định.

Các khâu gây mê, phẫu thuật, hồi sức sau mổ đều chuẩn bị kỹ lưỡng để ca mổ diễn ra thuận lợi, an toàn. Sau 5 giờ cân não, bác sĩ cắt nối thành công chỗ hẹp, eo động mạch chủ được mở rộng. Bé được chuyển về phòng hồi sức tích cực để chăm sóc hậu phẫu.

Ba ngày đầu, huyết động của bé không ổn định, phải sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và chăm sóc tích cực qua thở máy. Ngày thứ 4, tình trạng bé ổn định, có thể giảm dần các thuốc hỗ trợ tim, đồng thời chức năng thận hồi phục, bé bắt đầu có nước tiểu và tự tiểu được.

Ngày thứ 7, bé được rút nội khí quản hoàn toàn và giảm nhiều vận mạch. Ngày thứ 8, bé rời phòng hồi sức để chuyển xuống khoa sơ sinh. Và 20 ngày sau ca mổ tim đầu đời, bé tự thở, bú sữa tốt và được xuất viện.

ThS.BS Văn Thị Thu Hương, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thông tin, công tác hồi sức sau mổ tim vốn đã phức tạp, nay càng khó khăn hơn khi bệnh nhi là một em bé mới vài ngày tuổi. 

Vì thế, chúng tôi phải hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Chỉ một cơ quan của bé bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến toàn cơ thể cũng như chức năng sống của bé.

Từ nồng độ thuốc, dinh dưỡng dịch nuôi ăn của bé…, chúng tôi đều phải tính toán rất kỹ, đồng thời theo dõi sát sao vận mạch, nhiệt độ, SpO2…, đảm bảo không xảy ra sơ sót nào.

ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên cho hay, thành công của ca phẫu thuật đến từ nhiều yếu tố. Trước tiên, do cơ sở có đầy đủ chuyên khoa. Sự hợp tác liên chuyên khoa diễn ra rất ăn ý trên tinh thần tương trợ lẫn nhau nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. 

Thứ hai, bệnh viện được trang bị máy móc hiện đại bậc nhất, từ thiết bị chẩn đoán hình ảnh như MRI, MSCT, siêu âm…, thiết bị phẫu thuật cho đến thiết bị trong gây mê hồi sức như máy thở, máy chạy tuần hoàn cơ thể… 

Cuối cùng là trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ, đã giúp theo dõi sát sao tình trạng của bé từ lúc trong bào thai, sau sinh, trong quá trình phẫu thuật, giai đoạn hậu phẫu và theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau này.

Cảnh giác biến chứng của bệnh thủy đậu
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ bị biến chứng do mắc thủy đậu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư