Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 24/9: Việt Nam cam kết phát triển vắc-xin mới phòng ngừa lao
D.Ngân - 24/09/2023 09:12
 
Việt Nam cam kết cùng các quốc gia trên thế giới thúc đẩy tiến trình phát triển vắc-xin phòng ngừa lao của Tổ chức Y tế thế giới, từ đó cùng nhau xây dựng một thế giới không bệnh lao.
Việt Nam ưu tiên phát triển các vắc-xin mới phòng ngừa bệnh lao.

Việt Nam cam kết phát triển vắc-xin phòng ngừa lao

Đây là cam kết của Việt Nam tại cuộc họp về việc thành lập Hội đồng Thúc đẩy tiến trình phát triển vắc-xin phòng ngừa bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Cuộc họp được chủ trì bởi TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Y tế của Brazil và Indonesia.

Đáng chú ý, cuộc họp quy tụ sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, Pháp, Nam Phi, Hoa Kỳ và Pakistan, cũng như sự hiện diện của các nhà lãnh đạo quốc tế từ Quỹ Bill and Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust, Ngân hàng Thế giới, Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Quỹ Toàn cầu, Liên minh Vắc-xin Gavi, Unitaid và Stop TB Partnership...

Đoàn đại biểu của Việt Nam tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dẫn đầu, cùng các thành viên đại diện lãnh đạo Ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia.

Bên cạnh việc ra mắt Hội đồng Thúc đẩy tiến trình phát triển vắc-xin phòng ngừa lao, sự kiện này cũng là dịp để WHO thúc đẩy các cam kết và đầu tư quốc tế cho phát triển các loại vắc-xin mới để ngăn ngừa bệnh lao.

Cuộc họp bao gồm hai phiên thảo luận về kinh nghiệm và kỳ vọng của các quốc gia đối với Hội đồng mới thành lập, cũng như những đóng góp và quan tâm từ các tổ chức quốc tế có quy mô lớn.

Tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, diễn đàn này hoạt động với mục đích mở rộng việc phát triển và thử nghiệm các phương án vắc-xin, thu hẹp khoảng cách tài chính, và thiết lập các lộ trình tiếp cận vắc-xin cho tất cả mọi người với giá cả phải chăng.

Với hiệu lực bảo vệ của vắc-xin lao mới, WHO ước tính, trong 25 năm tới loại vắc-xin này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu.

Điều này góp phần giảm nhu cầu điều trị bằng kháng sinh và tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, phần lớn trong số đó là hộ nghèo và thuộc nhóm đối tượng yếu thế.

Phát biểu thay mặt Bộ trưởng Y tế Việt Nam, TS. cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh việc Việt Nam ưu tiên phát triển các vắc-xin mới phòng ngừa bệnh lao và hiện nay là một trong 7 quốc gia tích cực tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin lao M72.

TS. Đinh Văn Lượng cũng tuyên bố cam kết của Việt Nam trong việc tiên phong tham gia các nỗ lực thực hiện nghiên cứu và phát triển vắc-xin.

Đồng thời, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh sự chủ động của Việt Nam trong triển khai và chia sẻ các chiến lược truyền thông và khuyến khích phân phối vắc-xin hiệu quả.

Cuộc họp đã kết thúc với những thông điệp đầy hy vọng, cho thấy lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vắc-xin, mở ra cơ hội mới trong cuộc chiến chống lại bệnh lao.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng sau sự kiện này, tất cả các bên liên quan cần tôn trọng và thực hiện cam kết của họ, để cùng nhau xây dựng một thế giới không bệnh lao.

Đau mắt đỏ hoành hành, nhiều người biến chứng nặng do tự điều trị

Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại nhiều địa phương với tỷ lệ lây lan nhanh, số ca mắc tăng mạnh. Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân bị biến chứng đau mắt đỏ đến khám gia tăng, đặc biệt là trẻ em bị viêm loét giác mạc, hoặc phải bóc giả mạc.

Tình trạng "tự làm bác sĩ" cũng tăng cao trong đợt dịch này khi nhiều người bị đau mắt tự mua thuốc về tra, đến khi không đỡ, biến chứng mới tới viện.

BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tăng hơn mọi năm. Năm nay, có nhiều biến chứng khó lường hơn, gây nặng hơn, tỷ lệ biến chứng từ 15-20%.

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày bệnh viện có từ 1.200 - 1.500 người đến khám các bệnh về mắt, trong đó khoảng 12-17% bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Bác sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc cho biết, dịch đau mắt đỏ bắt đầu cách đây từ 2 tháng. Hằng năm, khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc cấp. Tuy nhiên, năm nay, dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã vào mùa thu nhưng dịch vẫn đang kéo dài.

Dịch đau mắt đỏ cấp thường do virus gây ra, khi người bệnh bị nhiễm thì dịch tiết từ mắt và đường hô hấp chứa nhiều virus, khi dịch tiết bắn ra ngoài, sang người lành sẽ lây bệnh.

Những người bệnh khi không hiểu cơ chế lây bệnh, ra ngoài cộng đồng ho, hắt hơi, dùng tay dụi mắt rồi cầm nắm vật dùng chung sẽ lây nhiễm cho người khác. Đó là nguyên nhân chính khiến dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, khi bị đau mắt, nhiều bệnh nhân ra hiệu thuốc, nhân viên bán cho thuốc Tobrex về tra. Thuốc này nguy hiểm với trẻ em vì không làm bệnh giảm mà còn nặng hơn, có thể gây viêm loét giác mạc.

Trẻ em và người lớn khi bị đau mắt đỏ sẽ khó chịu, hay có trạng thái chảy nước mắt, thường sử dụng giấy ăn hoặc khăn để chấm, lau. Sử dụng giấy ăn có thể nhiễm hóa chất, khăn lau cũng không đảm bảo vô khuẩn, chấm lên mắt gây bội nhiễm. Đây là sai lầm hay gặp của người dân. Nếu không để ý vệ sinh, ngoài nhiễm virus người bệnh còn bị nhiễm khuẩn.

Để vệ sinh mắt cho con và điều trị hiệu quả, bác sĩ Hương khuyến cáo bố mẹ mua gói gạc ngoài hiệu thuốc, sử dụng xong bỏ đi.

"Trẻ em thường quấy khóc khó tra thuốc, hoặc nước mắt trôi hết thuốc vừa tra, nên bố mẹ phải cố gắng tra thuốc cho con đầy đủ. Trước khi tra thuốc cho con, bố mẹ phải rửa tay bằng xà phòng, vạch mi mắt dưới của con để tra vào đúng chỗ đó mới có hiệu quả", bác sĩ Hương khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư