Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/10: Hướng tới làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loại vắc-xin; Hải Phòng số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng
D.Ngân - 27/10/2022 09:25
 
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1286/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vắc-xin cho tiêm chủng đến năm 2030.

Đến năm 2030, làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vắc-xin

Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vắc-xin cho tiêm chủng đến năm 2030 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin dùng cho tiêm chủng dịch vụ và vắc-xin dùng trong phòng, chống dịch.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc-xin; sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc-xin, trong đó có vắc-xin phòng bệnh phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh do Haemophilus Infunezae (Hib) và một trong hai bệnh bại liệt hoặc viêm gan B.

Đến năm 2030, làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vắc-xin; sản xuất tối thiểu 5 loại vắc-xin; các vắc-xin sản xuất trong nước đảm bảo đạt chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

Sản xuất vắc-xin Covid-19 Sputnik-V tại Công ty TNHH Một thành viên vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech)

Về giải pháp cơ chế, chính sách, cần nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, nhất là đối với vắc-xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vắc-xin mới chưa có tại Việt Nam; các vắc-xin phối hợp và các loại vắc-xin phòng bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Quyết định cũng đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành, đấu thầu, mua sắm, cung ứng và sử dụng vắc-xin để triển khai thực hiện hiệu quả.

Về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho mở rộng quy mô hệ thống kiểm định, phát triển trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về vắc-xin.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để phục vụ sản xuất vắc-xin phòng bệnh ung thư, vắc-xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc-xin khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch đồng thời hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, khai thác sáng chế…

Về giải pháp về nhân lực, đào tạo và hợp tác quốc tế, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia trong nước và nước ngoài về nghiên cứu vắc-xin; thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế các nước phát triển.

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin cho tiêm chủng đến năm 2030 bao gồm nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) theo quy định; nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng theo quy định của pháp luật.

Kinh phí lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án, dự án có liên quan của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương và các địa phương.

Bộ Y tế tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm về số lượng, chất lượng, nguồn cung vắc-xin cho tiêm chủng đến năm 2030; tăng cường hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vắc-xin viện trợ, tài trợ, cho, tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất vắc-xin, đặc biệt là các vắc-xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vắc-xin mới, chưa có tại Việt Nam; các vắc-xin phối hợp, vắc-xin để phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bộ Tài chính bố trí ngân sách cho chương trình tiêm chủng mở rộng để đáp ứng đủ nhu cầu cho việc triển khai các hoạt động tiêm chủng; Nghiên cứu đề xuất chính sách về tài chính để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Yêu cầu Unilever báo cáo vụ thu hồi dầu gội đầu nghi chứa chất gây ung thư

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa yêu cầu Unilever Việt Nam báo cáo về việc thu hồi các sản phẩm dầu gội khô liên quan hàm lượng benzen.

Yêu cầu báo cáo được Cục Quản lý dược đưa ra sau khi tiếp nhận thông tin về việc Bộ Y tế Canada thông báo Công ty Unilever tự nguyện thu hồi một số lô sản phẩm dầu gội khô dạng bình xịt của nhãn hiệu Dove, TRESemmé và Bed Head có chứa benzen, mặc dù nghiên cứu độc lập cho thấy việc tiếp xúc với benzen ở mức nồng độ vết phát hiện tại các lô sản phẩm này chưa ghi nhận có ảnh hưởng sức khoẻ.

Theo thông tin sơ bộ từ Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, năm 2019 và năm 2020, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam có tiến hành công bố 3 sản phẩm dầu gội khô (TRESemme Fresh & Clean Dry Shampoo; TRESemme Volumizing Dry Shampoo và Dove Invisible Dry Shampoo) sản xuất tại Mỹ.

Tuy nhiên từ năm 2020, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã ngừng nhập khẩu, phân phối sản phẩm Dove Invisible Dry Shampoo và từ tháng 9/2021 đã ngừng phân phối sản phẩm TRESemme Fresh & Clean Dry Shampoo, TRESemme Volumizing Dry Shampoo.

Benzen là một chất gây ung thư ở người, có thể gây ra bệnh bạch cầu, ung thư tủy và các rối loạn về máu đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trong thông báo thu hồi, Tập đoàn quốc tế Unilever khẳng định, việc tiếp xúc hàng ngày với benzen trong các sản phẩm bị thu hồi ở mức được phát hiện trong thử nghiệm "sẽ không gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe".

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam báo cáo về việc thu hồi trên và báo cáo tình trạng lưu hành các sản phẩm trên tại Việt Nam, đề xuất hướng xử lý và khuyến cáo các nội dung liên quan. Hạn báo cáo gửi về trong ngày 27-10-2022.

Cục Quản lý Dược cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan quản lý dược các nước liên quan việc thu hồi trên và tiếp tục xác minh các nội dung Công ty Unilever báo cáo để xử lý trong trường hợp có lô sản phẩm theo thông báo Bộ Y tế Canada nêu trên lưu hành tại Việt Nam.

Hải Phòng: Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 1.400 ca mắc sốt xuất huyết Dengue.

Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn đã tăng hơn 60 lần so cùng kỳ năm 2021. Tỉnh đã ghi nhận và xử lý hơn 540 ổ dịch, chủ yếu ở khu vực nội thành.

Nơi ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cao nhất là quận Ngô Quyền với 507 ca; quận Lê Chân có 432 ca; quận Hải An có 91 ca; quận Hồng Bàng có 69 ca.

Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue bắt đầu tăng vào những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, đặc biệt gia tăng mạnh từ tháng 9 đến nay và tiếp tục duy trì ở mức cao.

Để đối phó với tình hình dịch gia tăng, Sở Y tế Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.

UBND yêu cầu ngành y tế Hải Phòng và chính quyền các địa phương cần tập trung cho công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng và sẵn sàng các biện pháp đối phó nhằm hạn chế tới mức thấp nhất khi có dịch xảy ra.

UBND thành phố Hải Phòng và ngành y tế ban hành và triển khai chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết; thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường tại các địa phương trên toàn địa bàn thành phố; tổ chức phun hóa chất chủ động cho hơn 2.000 hộ gia đình, cùng nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông rộng rãi trong cộng đồng, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue như: vệ sinh môi trường phong quang sạch sẽ, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy, không để nước đọng trong các dụng cụ, đồ vật...

Việt Nam “đi tắt, đón đầu” sản xuất vắc-xin phòng Covid-19
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất vắc-xin trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thì việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư