Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/3: Cảnh báo trẻ bị bỏng thực quản do uống nhầm hoá chất
D.Ngân - 27/03/2023 08:19
 
Bỏng thực quản là tình trạng tổn thương thực quản thường gặp ở trẻ em do uống nhầm hóa chất gây bỏng và ăn mòn thực quản như nước tẩy rửa, giấm, axit hoặc bazơ.

Trẻ bị bỏng thực quản hoá chất do sự bất cẩn của người lớn

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hàng năm đều tiếp nhận và điều trị trường hợp các trẻ bị bỏng thực quản do nuốt phải hóa chất mà người lớn sử dụng.

Theo đó, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho các bé N.X.T.K và N.T.A  đều nhập viện vì bị bỏng thực quản do hoá chất. Kết quả nội soi tiêu hoá của các bé lần lượt được kết luận là loét toàn bộ thực quản, phù nề nấp thanh môn và tầng thượng hầu; và sẹo cũ tạo lỗ hẹp thực quản cách cung răng trên khoảng 12cm. Cả 2 trường hợp bệnh nhi đều phải chịu nhiều đau đớn trong các đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Theo các bác sĩ khoa tiêu hoá, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, triệu chứng đầu tiên sau khi trẻ uống nhầm chất làm bỏng là rát, nóng, rộp ở môi, miệng, lưỡi và họng. Nóng rát ở miệng lưỡi khiến trẻ không ăn uống được.

Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt và xuất hiện những mảng màu trắng hay còn gọi là giả mạc ở trên miệng, môi và lưỡi.

Ảnh minh hoạ.

Khi các mảng trắng trên miệng lưỡi bong ra, triệu chứng bỏng, rát giảm bớt, trẻ thấy dễ chịu hơn và có thể ăn uống được, do lúc này vết bỏng thực quản bắt đầu hình thành sẹo và gây hẹp thực quản

Sẹo làm hẹp thực quản: Khi sẹo hình thành sẽ khiến trẻ nuốt nghẹn, gây khó khăn trong ăn uống từ những thức ăn cứng như cơm, cho đến cháo và cuối cùng là nước sữa, do sẹo làm chít hẹp hoàn toàn thực quản. Khi không thể ăn uống được nữa, cơ thể trẻ bắt đầu suy kiệt, mệt mỏi do đói khát liên tục, dẫn đến sụt cân và có thể tử vong.

Hầu như tất cả những trường hợp trẻ em gặp bất hạnh do bỏng hóa chất là do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, thông qua những trường hợp này gióng một hồi chuông cảnh báo cho người lớn, phải thật thận trọng trong bảo quản hóa chất, để xa tầm tay trẻ, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm hóa chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Hãy nhanh chóng sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo hóa chất gây bỏng.

Hà Nội: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 1057/KH-SYT về thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú ngành y tế Hà Nội năm 2023.

Kế hoạch nhằm đánh giá sự hài lòng và trải nghiệm của người bệnh nội trú, ngoại trú đối với chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Phương pháp thực hiện, về yêu cầu, phương pháp đo lường sự hài lòng và trải nghiệm phải đảm bảo tính khoa học, thống nhất, khả thi, dễ áp dụng, phù hợp với nguồn lực của các đơn vị.

Các tiêu chí thành phần phải xác định với số lượng, nội dung đảm bảo đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phù hợp với quy định liên quan và thực tiễn cung ứng dịch vụ.

Bảng câu hỏi và đo lường khảo sát phải phù hợp với hệ thống tiêu chí, dễ hiểu, dễ trả lời; kết quả phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, khách quan và phải được công bố kịp thời, rộng rãi để giúp các đơn vị có thể xác định được những tồn tại, hạn chế từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, cải tiến chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng người bệnh.

Thời điểm khảo sát sau khi người bệnh sử dụng hoàn tất các dịch vụ tại cơ sở y tế.

Nhóm chỉ số đánh giá sự hài lòng đươc thể hiện qua 5 chỉ số: (1) khả năng tiếp cận; (2) minh bạch thông tin và và thủ tục hành chính; (3) cơ sở vật chất; (4) nhân viên cung cấp dịch vụ; (5) kết quả cung cấp dịch vụ.

Sở Y tế đề nghị Công đoàn ngành y tế tuyên truyền, tập huấn về giao tiếp, ứng xử với người bệnh của cán bộ y tế, phát động phong trào thi đua nhằm tạo không khí sôi nổi trong thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.

Các đơn vị y tế trong và ngoài công lập xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú và người sử dụng dịch vụ tại đơn vị năm 2023.

Bố trí nhân lực và các trang thiết bị để thực hiện khảo sát, đánh giá. Thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú và người sử dụng dịch vụ tại đơn vị định kỳ 3 tháng 1 lần và khi cần.

Đánh giá lại kết quả tự khảo sát của đơn vị mình, nghiên cứu đưa ra các giải pháp để khắc phục, so sánh hiệu quả và điều chỉnh với những lần đánh giá kế tiếp nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng người bệnh.

Sở Y tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý y tế

Sở Y tế An Giang và lãnh đạo Sở Y tế 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long  vừa tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý y tế trong giai đoạn hiện nay tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ X, năm 2023."

Tại hội thảo, ngành y tế các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá sau hơn 2 năm, ngành y tế 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trải qua nhiều thách thức trong phòng, chống đại dịch Covid-19, và đây là dịp để các lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, thách thức hiện tại.

Lực lượng y tế các tỉnh, thành phố đã không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân; sẵn sàng dồn mọi tâm sức tham gia phòng, chống dịch để bảo vệ cho sự bình yên cho cộng đồng.

Bên cạnh những thành quả to lớn đạt được trong thời gian qua, hiện ngành y tế các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế.

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; tuyến y tế cơ sở còn hạn chế năng lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế chưa đồng bộ; cơ chế tự chủ các bệnh viện còn nhiều khó khăn, các bất cập trong chính sách bảo hiểm y tế còn tồn tại kéo dài; trình độ quản lý ngành y tế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý y tế trong tình hình hiện nay như: kinh nghiệm quản lý y tế; báo cáo tình hình triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành và quá trình xây dựng Trung tâm điều hành thông minh của Sở Y tế An Giang; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính tại Đại học Y dược Cần Thơ; chuyển đổi số ngành y tế tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2023.

Qua hội thảo, ngành Y tế các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng cường công tác phối hợp phát triển toàn diện về lĩnh vực y tế, tạo nền tảng cho việc hình thành chuỗi liên kết các hệ thống y tế chất lượng giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần thúc đẩy lộ trình xây dựng và phát triển năng lực hệ thống y tế chất lượng toàn vùng.

Dịp này, lãnh đạo Sở Y tế 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về lĩnh vực y tế, tạo nền tảng cho việc hình thành chuỗi liên kết các hệ thống y tế chất lượng giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực với Sở Y tế TP.HCM.

Bộ Y tế yêu cầu giám sát bệnh truyền nhiễm Marburg đặc biệt nguy hiểm
Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, 50-88%. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư