Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bộ Y tế yêu cầu giám sát bệnh truyền nhiễm Marburg đặc biệt nguy hiểm
D.Ngân - 20/03/2023 19:27
 
Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, 50-88%. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.

Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, 50-88%. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta. 

Văn bản của Bộ Y tế cho biết bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg từ 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu cần hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

Các đơn vị cũng cần rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). 

31 người bệnh đầu tiên là nhân viên phòng thí nghiệm, sau đó một số lây nhiễm cho các nhân viên y tế khác và thành viên trong gia đình. 

Họ tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau đó ghi nhận 7 trường hợp tử vong.

Ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, trong giai đoạn từ ngày 7/1 - 7/2/2023 ghi nhận tại Guinea Xích đạo (quốc gia ở Tây Phi) có 9 người tử vong và 16 người có triệu chứng sốt cao, nôn do sốt xuất huyết Marburg. 

Vì lo ngại nguy cơ lây lan rộng nên hiện Bộ Y tế Guinea Xích đạo đã thực hiện phong tỏa tỉnh Kie-Ntem và huyện Mongomo liền kề, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 4.325 người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong các ca bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên năm 1967 là 24%, song tăng lên 83% trong đợt dịch ở Congo năm 1998-2000, tiếp tục tăng lên 100% vào năm 2017 khi lây lan ở Uganda. 

Theo đó, tỷ lệ tử vong dao động từ 23% đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus và cách giám sát và điều trị ca bệnh.

Virus Marburg là loại virus rất nguy hiểm, xét về độ kịch độc thì Marburg gần như không có đối thủ. Nếu như Dengue, Zika thuộc họ Flaviviridae chỉ thuộc nhóm nguy cơ số 2 – tức không quá nghiêm trọng và có thể điều trị, phòng ngừa thì Marburg lại được xếp vào nhóm nguy cơ số 4.

Diễn biến triệu chứng khi nhiễm virus Marburg như sau: Sốt cao, đau đầu, đau họng, mệt mỏi dữ dội và đau cơ khởi phát đột ngột. Từ ngày thứ 3, tiêu chảy nước, đau bụng, nôn và buồn nôn có thể xuất hiện. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần. 

Triệu chứng nghiêm trọng hơn là vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. 

Trong vòng 7 ngày đầu, tình trạng xuất huyết có thể xảy ra-  đây là nguyên nhân gây tử vong với nguy cơ xuất huyết ở nhiều cơ quan khác nhau. 

Xuất huyết tiêu hóa bao gồm: Nôn ra máu tiêu ra ra máu tươi thường kèm chảy máu mũi, máu răng hay xuất huyết âm đạo. 

Xuất huyết tự nhiên hay chảy máu nơi tiêm chích nghiêm trọng. Ngoài ra bệnh có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh bao gồm: sốt cao, lú lẫn, kích thích, và kích động.

Trong khoảng 15 ngày sau khởi phát bệnh nhân có thể có sẩn hồng ban, thường ở thân: ngực, lưng, bụng trên. Tình trạng viêm tinh hoàn có thể xuất hiện ở giai đoạn này.

Đáng lo ngại, bệnh Marburg có thể gây tử vong thường sau 7-8 ngày khởi phát bệnh do mất máu hay sốc. 

Các triệu chứng diễn tiến nặng bao gồm vàng da, viêm tụy, suy gan, suy đa cơ quan và xuất huyết nặng.

Theo các chuyên gia y tế, cách phòng ngừa nhiễm virus Marburg tốt nhất ở thời điểm hiện tại là ngăn chặn sự lây truyền trực tiếp từ người sang người cũng như hạn chế sự lây lan virus từ vật chủ hoặc động vật bị nhiễm bệnh sang người. 

Các biện pháp phòng ngừa được chuyên gia khuyến cáo như sau: Tránh tiếp xúc hoặc đến nơi cư trú của loài dơi ăn quả châu Phi, động vật hoang dã bị nhiễm virus như: khỉ, linh dương rừng, loài gặm nhấm…

Không ăn/tiêu thụ thịt của động vật hoang dã.Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn, nhất là các loại thịt.

Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng hệ thống các ca bệnh. Truy vết kịp thời những người có tiếp xúc với người nhiễm Marburg và giám sát chặt chẽ những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus Marburg. Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm, đặc biệt mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên,… nếu tiếp xúc với người bệnh.

Thận trọng với các chất thải như máu, bãi nôn, nước bọt, nước tiểu, phân… hoặc bất cứ đồ vật nào của người bệnh.

Ở khía cạnh quan hệ tình dục, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.

Bệnh viện quá tải, nguy cơ lây chéo bệnh truyền nhiễm
Ngành y tế đang chịu áp lực về giảm tải, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện do bệnh nhân mắc Adenovirus, viêm phổi, viêm đường hô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư