Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/8: Sàng lọc miễn phí lao cho bà con vùng lũ; Đau mắt đỏ tăng đột biến ở trẻ em
D.Ngân - 27/08/2023 10:17
 
Chương trình Chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương vừa khám, tư vấn sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp khám sàng lọc bệnh lao cho người dân xã Hồ Bốn, nơi vừa trải qua cơn bão.

Hàng trăm người được khám, cấp phát thuốc miễn phí

Vừa qua, mưa lũ ầm ào quét qua trong đêm mùng 5/8 đã khiến 20 hộ dân ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mất hết nhà cửa, tài sản; 100 nhà bị sập từ 50 đến 80%.

Người dân đang được khám bệnh miễn phí.

Tại trạm y tế xã, dãy nhà cho bệnh nhân bị cuốn trôi, toàn bộ trang thiết bị, thuốc y tế bị vùi lấp... Nhiều ngày sau khi cơn lũ quét qua, quang cảnh nơi đây vẫn ngổn ngang đất đá, cây cối và lòng người thì bộn bề những nỗi lo.

TS. Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, xã Hồ Bốn là một trong những xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà cửa cho bà con.

Hoạt động này của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia nhằm góp phần san sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn khó sau thiên tai, bão lũ, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, trong đó có bệnh lao và các bệnh về phổi.

Tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình Chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương đang thực hiện, nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Phát huy tinh thần tương thân tương ái, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đồng hành chia sẻ với những khó khăn của địa phương để bù đắp một phần những thiệt hại do lũ lụt, thiên tai.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã dành tặng Trạm Y tế xã Hồ Bốn một số loại thuốc thiết yếu và trang thiết bị y tế nhằm ổn định công tác, tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn với tổng giá trị trên 50 triệu đồng; tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị 500 nghìn đồng.

Chương trình khám sức khỏe, sàng lọc bệnh lao cũng thu hút sự quan tâm hưởng ứng của rất nhiều người dân, từ những em bé đến những người già trong xã.

Qua buổi khám, ngoài việc tư vấn sức khoẻ và cấp thuốc miễn phí cho người dân, đoàn khám còn chụp X-quang, làm điện tim cho gần 200 người dân xã Hồ Bốn cùng trường hợp cần thiết khám sàng lọc bệnh lao và các bệnh về phổi cho người dân nhằm phát hiện bệnh kịp thời đưa vào quản lý và điều trị cho người dân một cách tốt nhất.

Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc

Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có 4 quyết định công bố gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Theo đó có 355 loại thuốc được gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành, trong số này có loại được cấp mới, gia hạn 3 năm, có loại được 5 năm tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.

Các thuốc được gia hạn cấp mới lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý bao gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác...

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại.

Đau mắt đỏ tăng đột biến ở trẻ em

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca trẻ viêm kết mạc cấp. Trong có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc)…

Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng 7 và tháng 8 ghi nhận hơn 2.400 ca bệnh. Tương tự, tại khoa Mắt (Bệnh viện Quân y 103) số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, thời gian gần đây mưa nắng thất thường, tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Tĩnh, Gia Lai...

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Theo chuyên gia, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, diễn biến phức tạp khiến khá nhiều địa phương xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Thời tiết, khí hậu giai đoạn này ẩm rất dễ để virus, vi khuẩn phát triển gây nên dịch bệnh lây lan.

Đây cũng là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung chậu rửa mặt, khăn mặt với người bị đau mắt đỏ.

Thường xuyên tra rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% hàng ngày. Vệ sinh tay thường xuyên.

Khi mắc bệnh, người bệnh cần cách ly với người lành, cẩn trọng đối với các loại chất thải, dịch tiết… Tuyệt đối không điều trị đau mắt đỏ theo những phương thức truyền miệng dân gian.

Nếu có biểu hiện mắt cộm, nhức, sợ ánh sáng, tiết dịch - mủ nhầy, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và vệ sinh dịch tễ. Không tự ý điều trị khi chưa được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư