Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 29/11: Đảm bảo cung ứng thuốc dịp Tết 2023; Kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế
D.Ngân - 29/11/2022 07:25
 
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn số 12557/QLD-KD về đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết

Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc.

Cùng với đó, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, phục vụ công tác cấp cứu; phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông - Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ

Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá... và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh. Không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn. Báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/12/2022 để tăng cường công tác phối hợp (Đề nghị cung cấp tên và số điện thoại cán bộ chuyên trách).

Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc hoặc giao hàng không kịp tiến độ.

Triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.

Ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế năm 2023

Bộ Y tế vừa có quyết định số 3155/QĐ-BYT về kế hoạch thanh tra năm 2023 nhằm đánh giá trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...

Dự kiến, năm 2023, Bộ Y tế thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó giao Thanh tra Bộ Y tế 23 cuộc; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành 18 cuộc.

23 cuộc do Thanh tra Bộ Y tế tiến hành gồm: Lĩnh vực y tế dự phòng sẽ có 4 cuộc thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Với lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế (có 6 cuộc): Thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; công tác quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đối với những đối tượng bị bắt buộc chữa bệnh; thanh tra toàn diện công tác bệnh viện.

Với lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế (có 7 cuộc): Thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về việc quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; kinh doanh dược liệu; công tác quản lý Nhà nước về việc tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược;...

Với thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư (có 6 cuộc): Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư một số đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Đối với các đơn vị được giao thanh tra chuyên ngành, kế hoạch thanh tra năm 2023, tại Cục Y tế dự phòng sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vắc xin.

Cục Quản lý Dược sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GPs).

Cục Quản lý Môi trường Y tế thực hiện 4 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế...

Cục Quản lý khám, chữa bệnh có 4 cuộc: Thanh tra quản lý Nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động; thanh tra việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chấp hành pháp luật về khám chữa bệnh.

Tại Cục An toàn thực phẩm có 2 cuộc: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Tại Tổng cục Dân số có 4 cuộc: Thanh tra việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, mô hình về dân số - kế hoạch hoá gia đình...

Bộ Y tế yêu cầu các cuộc thanh tra bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật trong việc tiến hành thanh tra, sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về y tế.

Đồng thời lưu ý các đơn vị tiến hành thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Hà Nội: Ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết mới

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần 47, thành phố ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết mới, 2 ca tử vong. Số ca mắc mới tăng 4,1% so với tuần trước (1.378/2).

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như Hà Đông (207), Đống Đa (133), Thanh Trì (115), Thanh Oai (92), Chương Mỹ (85)...

Tính đến hết ngày 25/11, thành phố ghi nhận 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, ca mắc tăng 4,5 lần, tử vong tăng 18 ca.

Các quận/huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc nhất gồm Thanh Oai (1.244), Đan Phượng (1.142), Hà Đông (1.042), Đống Đa (979), Thường Tín (891), Thanh Trì (853).

Bên cạnh đó, toàn thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện. Một số ổ dịch nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài có thể kể đến: Thôn Bủng - xã Phùng Xá, Thạch Thất; thôn Vinh Lộc 1, xã Phùng Xá, Thạch Thất; Thanh Thần, Thanh Cao, Thanh Oai...

Qua kết quả kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa hiệu quả, cụ thể: Ổ dịch Thao Nội - Sơn Hà, Phú Xuyên có chỉ số bọ gậy là 85; ổ dịch xã Phùng Xá - Thạch Thất là 100; ổ dịch xã Tân Lập, Đan Phượng là 75.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, không để ổ dịch diễn biến kéo dài. Kiên quyết xử lý các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị còn để tồn tại các yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết...

Chật vật tìm nguồn cung ứng thuốc
Nhiều giải pháp đã được bàn thảo, một số quyết định tạm thời đã được ban hành, song tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư