Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 31/5: Nguy cơ trẻ tai nạn do máy chạy bộ; cẩn trọng với bệnh chân tay miệng
D.Ngân - 31/05/2023 09:59
 
Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé trai N.M.K (3 tuổi, ở Nghệ An). Theo gia đình bệnh nhi, trước khi nhập viện, anh trai bé M.K (đang học lớp 3) bật máy chạy bộ để tập thể dục.

Thêm cơ sở nghiên cứu y khoa hiện đại 

Viện Nghiên cứu Tâm Anh được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trao giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh (như Quản trị bệnh viện, Khoa học quản lý…) và Khoa học Y, Dược và sức khỏe (Dược lý học, Dược học lâm sàng và điều trị, Dược liệu học, Hóa dược học, Thực phẩm chức năng, Giải phẫu học và hình thái học, Di truyền y học, Miễn dịch học, Thần kinh học, Tế bào gốc, Giải phẫu bệnh và pháp y, Hỗ trợ sinh sản, Lão khoa…).

Ảnh minh hoạ.

Sản xuất thử nghiệm, sản xuất kinh doanh các sản phẩm là kết quả của các nghiên cứu khoa học nêu trên. Dịch vụ khoa học và công nghệ: Tư vấn, phản biện, đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; 

Thông tin khoa học và công nghệ; Dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, Dịch vụ giám định số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; Đào tạo nâng cao trình độ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.

Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo các lĩnh vực đăng ký phù hợp với luật định. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm Anh, GS. Nguyễn Văn Tuấn, hiện đồng thời là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học UTS Australia, Viện sĩ Viện hàn lâm y học Australia (FAHMS), Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học bang New South Wales (FRSN); Viện sĩ Hiệp hội nghiên cứu loãng xương Hoa Kỳ (FASBMR).

GS. Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tầm nhìn của Viện Nghiên cứu Tâm Anh là trở thành một trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu ở châu Á qua những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và thông qua hợp tác, chuyển giao, khám phá đến ứng dụng trong lâm sàng nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.”

Để đạt được mục tiêu này, TAMRI sẽ hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở chứng cứ để chuyển giao thành quả nghiên cứu vào ứng dụng trong chăm sóc bệnh nhân. Khuyến khích hợp tác giữa các chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế để quyết tâm cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ở Việt Nam và thế giới. 

Kỳ vọng vào hoạt động của Viện, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM cho biết, Viện nghiên cứu Tâm Anh là Viện nghiên cứu đầu tiên của khối Bệnh viện ngoài công lập. Việc thành lập Viện Nghiên cứu Tâm Anh mang đến đóng góp lớn vào nhóm giải pháp "Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo" của Sở trong mục tiêu giúp thành phố sớm trở thành trung tâm Y tế chuyên sâu trong khu vực ASEAN.

Thay mặt Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng kỳ vọng Viện Nghiên cứu Tâm Anh sẽ tạo sân chơi tập hợp các thế hệ nhà khoa học trong nước và quốc tế của các lĩnh vực trong ngành y tế; là cơ hội cho các bác sĩ - nhà khoa học trẻ có thể định hướng phát triển trong thời gian tới.

Lãnh đạo Cục cũng cam kết sẽ đồng hành với Sở Y tế thành phố và Viện Nghiên cứu Tâm Anh để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Y tế.

3 trẻ bị bỏng nặng do máy chạy bộ

Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé trai N.M.K (3 tuổi, ở Nghệ An). Theo gia đình bệnh nhi, trước khi nhập viện, anh trai bé M.K (đang học lớp 3) bật máy chạy bộ để tập thể dục.

Lúc này bé M.K đứng chơi bên cạnh anh đã vô tình làm rơi ti giả đang ngậm xuống phía dưới máy nên đưa tay lấy, khiến tay phải bị chà xát mạnh vào dây curoa của máy tập. Ngay sau tai nạn, bé M.K được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương sơ cấp cứu, điều trị và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

ThS.sĩ CKII Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, bé M.K nhập viện với chẩn đoán bỏng ma sát độ III và có dấu hiệu nhiễm trùng, tổn thương chuyển nặng và sâu hơn. 

Sau khi nhập viện, bé M.K được điều trị và chăm sóc vết thương hàng ngày, hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định.

Tương tự, trường hợp thứ hai là bé gái B.A (30 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 13/5/2023. Tai nạn xảy ra vào buổi chiều cùng ngày, khi bố của bé đang tập thể dục bằng máy chạy bộ tại nhà. 

Do đang chạy bộ nên bố không biết cháu đi vào từ phía sau, thấy máy chạy cháu thích quá nên đã đưa hai tay nghịch. Nghe cháu khóc thét, bố cháu quay lại thì đã thấy hai tay của bé bị kẹt phía dưới dây curoa rồi.

Bé B.A nhập viện với chẩn đoán bỏng bàn tay 2 bên độ III, rất may trẻ nhập viện sớm, điều trị kịp thời nên đã được ra viện ngày 22/5.

Đặc biệt nhất trong 3 trường hợp kể trên là bé gái T.T (3 tuổi, Hà Nội). Chiều 10/5/2023, bé T sang nhà bác họ cạnh nhà chơi.

Thấy bác đang chạy bộ trên máy tập, bé lấy tay nghịch máy. Hậu quả, bé bị bỏng ma sát ngón II, III, IV tay trái, tổn thương sâu các ngón tay, lộ gần hết phần gân cơ. Bé T.T được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng cấp cứu.

Sau khi nhập viện, bé nhanh chóng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu nối gân cơ và phẫu thuật cắt lọc hoại tử. 

Bệnh nhi được chăm sóc vết thương bỏng hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết với dinh dưỡng hợp lý.

 Kết quả, sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng vết thương bỏng của trẻ cải thiện, lành dần.

Theo ThS.BS CKII Phùng Công Sáng, máy chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thương cho trẻ em như trầy xước, bỏng, tổn thương lột da, dập nát gân cơ, gãy xương… 

Khi dùng máy chạy bộ, các gia đình nên đặt máy ở nơi an toàn để hạn chế trẻ em đến gần, đặc biệt với trẻ nhỏ; Luôn đảm bảo không để trẻ em tự đến gần máy chạy bộ khi hoạt động, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Ngoài ra, để phòng tránh bỏng cho trẻ em trong một số trường hợp khác, cha mẹ cũng nên lưu ý: Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…

Tránh để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy, hơi nồi cơm điện…

Khi di chuyển nước nóng, thức ăn mới nấu,… cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng. Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.

Cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em. Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất…

Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi trẻ tắm rửa. Luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ

Bé trai 1 tuổi tử vong vì tay chân miệng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk mới ghi nhận một bệnh nhi tử vong trên địa bàn vì bệnh tay chân miệng.

Bệnh nhi là T.H.A (nam, sinh năm 2022, trú tại phường Thiện An, T.X Buôn Hồ). Ngày 19/5, bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho khan ít. Gia đình đưa trẻ đi khám tại phòng khám tư nhân với chẩn đoán viêm họng cấp, có uống thuốc hạ sốt 03 lần/ngày.

Ngày 21/5, trẻ sốt cao kèm nhiều cơn giật mình. Đến ngày 22/5, trẻ li bì, người nhà đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tại thị xã Buôn Hồ, cùng ngày trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán suy hô hấp độ 4 - sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết - theo dõi bệnh tay chân miệng, theo dõi viêm não màng não - theo dõi viêm cơ tim cấp.

Đến 15h30 cùng ngày, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan - bệnh tay chân miệng độ 4 - theo dõi viêm cơ tim cấp.

Theo CDC tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 76 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong vì tay chân miệng tính từ đầu năm tới nay.

Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. 

Các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không. 

Theo đó, nếu bệnh nhân ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà. 

Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, dịch bệnh này chắc chắn sẽ bùng phát. 

Tương tự như đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ bị di chứng bệnh rất nặng nề, có cháu bị di chứng thần kinh, bại não.

Vậy nên, bác sĩ Thoa khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đến viện càng sớm càng tốt, nếu trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt quá 48 tiếng.

Bên cạnh đó, trẻ có biểu hiện ngủ giật mình chới với, đi không vững như bình thường hoặc có biểu hiện nôn ói, ói liên tục, thở bất thường, thở mệt hoặc ngủ li bì không thức dậy, vã mồ hôi lạnh các bậc phụ huynh cũng cần đưa tới các cơ sở y tế kịp thời.

Với trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng, cha mẹ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị sốt, an toàn nhất là sử dụng paracetamol. 

Một số trẻ không sốt cao, nhưng nếu bé bị đau miệng do loét họng nhiều thì cũng có thể sử dụng thuốc paracetamol để giảm đau miệng. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là viêm nướu răng, làm cho thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ trẻ bị sụt cân. 

Đặc biệt, phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh không bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Thời gian tới dự báo dịch tay chân miệng còn phức tạp do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, thói quen chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bệnh nhân phải tự mua vật tư y tế, vai trò của bảo hiểm y tế ở đâu
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có câu trả lời một số vấn đề liên quan trực tiếp đến chăm sóc sức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư