Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 5/6: Mối lo rối loạn tâm thần của bệnh nhân Covid-19 dẫn đến trầm cảm
D.Ngân - 05/06/2022 07:27
 
Chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng rối loạn tâm thần của bệnh nhân Covid-19 dẫn tới trầm cảm.

Cả nước chỉ ghi nhận 685 ca Covid-19 mới, 35 F0 nặng

Tính từ 16h ngày 4/6 đến 16h ngày 5/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 685 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố, có 505 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-36), Hải Dương (-21), Hải Phòng (-21). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+7), Yên Bái (+7), Thừa Thiên Huế (+6).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 981 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.725.239 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.337 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.717.481 ca, trong đó có 9.502.138 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.601.623), TP. Hồ Chí Minh (609.506), Nghệ An (484.803), Bắc Giang (387.587), Bình Dương (383.781).

8.548 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.504.955 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 35 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 29 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 2 ca; ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 4/6 đến 17h30 ngày 5/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.510.100 mẫu tương đương 85.818.376 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 222.023.219 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.737.606 liều: Mũi 1 là 71.480.483 liều; Mũi 2 là 68.794.984 liều; Mũi 3 là 1.507.118 liều; Mũi bổ sung là 15.055.526 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.503.174 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 396.321 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.480.482 liều: Mũi 1 là 8.939.713 liều; Mũi 2 là 8.540.769 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.805.131 liều: Mũi 1 là 4.240.666 liều; Mũi 2 là 564.465 liều.

Hà Nội có 207 ca Covid-19 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố ghi nhận 207 ca bệnh Covid-19.

Bệnh nhân phân bố tại 106 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (19); Đông Anh (18); Đống Đa (17); Hoàng Mai (16); Nam Từ Liêm (15). 

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là hơn 1,6 triệu ca; trong đó có 1.336 ca tử vong. Đây là ngày thứ 48 Hà Nội không có ca tử vong vì Covid-19.

Hiện trên địa bàn thành phố còn gần 48.411  ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 99 ca điều trị tại bệnh viện. Số còn lại được theo dõi tại nhà. Trong 99 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 83 ca mức độ trung bình, 1 ca phải thở máy, 9 ca thở oxy gọng kính, mask...

Cảnh giác rối loạn trầm cảm

Một khảo sát trên gần 700 bệnh nhân tới khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong gần 2 tháng cho thấy, mệt mỏi là triệu chứng khó chịu phổ biến nhất khiến người dân đi khám.

Mệt mỏi là triệu chứng khó chịu phổ biến nhất khiến người dân đi khám.

Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân từng mắc Covid-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình chiếm 74,2%; mức độ nặng đến nguy kịch là 25,8%. 

Thời gian mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân này là 10 ngày. Thời gian trung bình tới khám sau khi kết thúc cách ly là hơn 22 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các triệu chứng khó chịu nhất khiến người bệnh phải đến khám là mệt mỏi (chiếm 89,4%); ho (43,6%); tức ngực, nặng ngực (21,1%); hụt hơi (20,9%); khó thở (17%) và mất ngủ (8,9%).

Còn theo Bộ Y tế, các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.

Triệu chứng phổ biến nhất, là mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...

Ảnh hưởng về thần kinh, tâm thần là hai trong số nhiều biểu hiện chủ yếu của hậu Covid-19.

Nhiều bệnh nhân gặp tình trạng sương mù não, mất mùi vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ. Còn vấn đề về tâm thần như trầm cảm, stress sau chấn thương, lo âu, cô lập xã hội.

Tại một cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần khác theo phản ánh thời gần đây bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp rối loạn trầm cảm. 

Đa phần các trường hợp bệnh nhân phải nhà quá lâu, môi trường sống đột ngột thay đổi, mất việc làm, áp lực cuộc sống... đã khiến cho không ít người dẫn đến trầm cảm. Có một số trường hợp đến khám bị rối loạn trầm cảm lo âu khá nghiêm trọng. 

Bệnh nhân tâm sự sau khi mắc Covid-19 đã khỏi luôn cảm thấy chán nản, bi quan tiêu cực, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, nói lời khó nghe với người khác dù bản thân không có ý đó. Có bệnh nhân thậm chí đã nghĩ đến chuyện tự tử.

Có bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, giấc ngủ không sâu, thậm chí có lúc thì mất ngủ đến sáng. Ngoài ra, có bệnh nhân còn chán ăn, không còn hứng thú với sở thích của mình và mất phương hướng trong tương lai. Những trường hợp này may khám sớm nên được can thiệp xử lý kịp thời.

Theo GS.TS.Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, khoảng 5-20% bệnh nhân Covid-19 gặp di chứng kéo dài. Nhiều trường hợp mắc Covid-19 kéo hơn 2 tuần, cả tháng, thậm chí 3 tháng hoặc lâu hơn.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ, vấn đề mọi người lo lắng nhất sau mắc Covid-19 liên quan bệnh lý tâm thần, thần kinh. Ban đầu chỉ là sự lo lắng và lâu dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức.

Ông dẫn ví dụ từ trường hợp một lao công ở bệnh viện tại Phú Thọ. Người phụ nữ này đã khỏi Covid-19 được 3 tháng nhưng lúc nào cũng u uất, lo sợ, luôn nghĩ rằng bệnh Covid-19 vẫn đang tiến triển trong cơ thể và khả năng mình sắp chết.

Từ trạng thái lo sợ, bệnh nhân trầm cảm và tìm cách tự tử bằng thuốc diệt chuột.

Hiện nay, rất nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không hề hay biết, đi khám nhiều nơi, chụp chiếu và xét nghiệm nhiều thứ, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đến khi phát hiện ra vấn đề mình gặp phải thì đã quá muộn, thậm chí là gây ra hậu quả.

Để điều trị trầm cảm, điều quan trọng nhất chính là từ phía người bệnh. Người bệnh phải chấp nhận mình đang có bệnh và phải tuân thủ điều trị cùng bác sĩ.

Dù vậy, trong bối cảnh có dịch bệnh hay không, người dân khi xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, bồn chồn, mất phương hướng, kèm theo đó là một số vấn đề như đau mỏi cơ, ợ hơi, trào ngược, nhói tim… cần nghĩ ngay đến bệnh lý tâm thần và đi khám sớm.

Theo hướng dẫn mới nhất về phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19 của Bộ Y tế ban hành nửa cuối tháng 5, nếu gặp tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân sau khi khỏi Covid-19, người bệnh cần sự trợ giúp khẩn cấp từ nhân viên y tế.

Bộ Y tế lưu ý, nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày kèm theo một số triệu chứng như sau, cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Các triệu trứng kèm theo như mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ; Ngủ không yên giấc; Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung; Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; đau họng hoặc loét miệng; đau đầu…

TP.HCM phát hiện hai trường hợp sốt rét ác tính nhập cảnh từ châu Phi

Trường hợp đầu tiên là nữ du học sinh 24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh về từ Cameroon (Trung Phi). Sau một ngày nhập cảnh, bệnh nhân này bắt đầu sốt, đi khám ở một số bệnh viện, uống thuốc không khỏi.

Tới ngày thứ 6, bệnh nhân được xét nghiệm máu và phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP TP.HCM trong tình trạng khá nặng, hôn mê, vàng da, mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, thiếu máu và nước tiểu có màu nâu đỏ như nước sá xị.

Còn trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh từ Bờ Biển Ngà (Tây Phi). Bệnh nhân sốt trên đường di chuyển về, khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất được công ty đưa vào một bệnh viện, xét nghiệm ghi nhận sốt rét. 

Tại Hà Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho hai bệnh nhân sốt rét sau khi trở về nước từ Angola.

PGS.TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những năm vừa qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam được kiểm soát khá thành công.

Sở dĩ như vậy là do chúng ta đã có chương trình phòng chống sốt rét hiệu quả ở các địa phương cũng như có đầy đủ thuốc sốt rét để điều trị nên tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh ở Tây Nguyên và phía Nam. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng tôi nhận được nhiều bệnh nhân sốt rét do đi từ Châu Phi về, nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu”. 

Nguyên nhân là do giao thương, đi lại nhiều, sau một thời gian dịch bệnh, việc khôi phục lại các đường bay cho người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi, đặc biệt là Angola trở về nước gia tăng. 

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. 

Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót. Cả 2 bệnh nhân hiện đang điều trị tại Trung tâm bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ Châu Phi về nên dễ bỏ sót. 

Do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu,…

Trong những năm qua đã có nhiều cảnh báo về những trường hợp sốt rét đi từ Châu Phi về, đặc biệt là các trường hợp công nhân, người lao động làm việc tại Angola về thì phải lưu ý yếu tố dịch tễ, cần khai báo với cơ quan y tế hoặc đi xét nghiệm bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh viện Bạch Mai đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,..) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết.

“Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các thuốc sốt rét hiện nay có sẵn (Artesunate, Arterakin) được Bộ y tế cung cấp theo chương trình”, PGS. Cường nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư