Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Rối loạn giấc ngủ tăng cao vì hội chứng hậu Covid-19
D.Ngân - 11/05/2022 12:20
 
Tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai do rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 tăng rất cao so với thời gian trước.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây, một phòng khám chuyên ngành tâm thần tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân.

Tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai so với thời gian trước Covid-19 tăng rất cao

Hiện tại, sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân tới khám tăng tới hàng trăm bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân chủ yếu phàn nàn rối loạn giấc ngủ sau Covid-19, chiếm tỷ lệ 70-80%.

Phân tích kỹ hơn về tình trạng rối loạn giấc ngủ sau Covid-19, BS. Đoàn Thị Huệ, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, các nghiên cứu chỉ ra cơ chế gây tình trạng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm Covid- 19 nói chung là do tình trạng viêm thần kinh và sự gián đoạn của hàng rào máu não.

Tình trạng viêm thần kinh được xác định bởi phản ứng tăng các chất trung gian gây viêm như các cytokine; chemokine (TNFα; interleukin 1β, IL-6, IL-17A) và protein phản ứng C. 

Đồng thời làm tăng chất trung gian viêm nguồn gốc miễn dịch như cyclooxigenase 2 (COX 2), NOS, ET-1, VEGF, IGF-1 và các tế bào miễn dịch.

Trong đó, các cytokine đóng vai trò chủ đạo trong việc phá vỡ hàng rào máu não gây tổn thương viêm hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh.

“Mối liên quan giữa giấc ngủ và nhiễm SARS-CoV-2 là hai chiều. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh miễn dịch tế bào cũng như dịch thể và thiếu ngủ có thể làm giảm phản ứng miễn dịch càng làm trầm trọng hơn triệu chứng Covid-19”, BS. Huệ nói.

Theo TS. Dũng, khi bị rối loạn giấc ngủ thì mọi người sẽ mệt mỏi, sức khỏe sa sút, lờ đờ. Mọi người lại cho rằng sức khỏe yếu nên mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe để uống để hy vọng khỏe lên. 

Tuy nhiên, các thuốc bổ dưỡng sẽ khiến bệnh nhân tỉnh táo, hưng phấn hơn. Điều này khiến bệnh nhân đã mất ngủ lại càng mất ngủ hơn.

Do đó, khi bị rối loạn giấc ngủ (không chỉ là rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19) việc đầu tiên là người dân tự chăm sóc bản thân, bù đủ nước, ăn uống cân bằng dưỡng chất, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, vệ sinh giấc ngủ.

"Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ không được khắc phục cần đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, điều trị đúng. Rối loạn giấc ngủ chỉ là một trong những biểu hiện đầu tiên của nhiều bệnh về sức khỏe tâm thần. Do đó, người dân không nên trì hoãn đi khám bệnh", TS.Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ, tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc Nam. "Người bị mệt cả cơ thể và trí não nhưng nếu cứ dùng thuốc tuần hoàn để nâng cao sức khỏe sẽ càng làm cho người bệnh luôn tỉnh táo, càng mất ngủ", chuyên gia khuyến cáo. 

Còn theo BS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng Tâm lý lâm sàng cho biết, những người gặp rối loạn giấc ngủ cần quan tâm đến môi trường ngủ sạch sẽ thông thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi thoải mái bảo đảm lưu thông khí huyết cho cơ thể. Căn phòng càng giản tiện các thiết bị, đồ dùng càng tốt. 

Bệnh nhân nên tạo nhịp sinh học đi học vào một giờ cố định, bảo đảm không gian yên tĩnh hoặc có thể nghe nhạc nhẹ khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ngâm chân bằng nước ấm, dược liệu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ. 

Trước khi đi ngủ nên tránh tiếng ồn mạnh, sử dụng chất kích thích hay tập thể dục quá nặng, ăn nhiều đồ dầu mỡ. Nên tránh việc suy nghĩ quá nhiều về công việc trong ngày, tập trung nhiều hơn vào thực tại để duy trì giấc ngủ tốt hơn. 

Trước đó, cũng chia sẻ về tình trạng rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19, theo BS. Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương, F0 gặp tình trạng mất ngủ trong và sau nhiễm cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục đều đặn. 

Cụ thể, buổi chiều không uống cafe, rượu, trà; tránh ăn quá no hoặc tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.

Trước khi đi ngủ: Tạo thói quen giảm ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ và tiếng ồn, thư giãn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc...

Thời gian ngủ: Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn, phòng ngủ chỉ dành cho việc ngủ, bỏ các thiết bị điện tử khỏi phòng (ti vi, điện thoại, máy tính bảng...).

Trong khi ngủ: Không nhìn đồng hồ; nếu thức quá 20 phút, bệnh nhân hãy ra khỏi giường và quay lại giường khi buồn ngủ, không nằm trên giường; không lo lắng về giấc ngủ vì càng lo càng mất ngủ.

Ngoài ra, bệnh nhân cần ngủ và dậy đúng giờ, kể cả ngày nghỉ. "Chúng ta nên để một cuốn sổ cạnh giường, ghi lại những điều bạn nghĩ đến. Điều này giúp chúng ta ngừng nghĩ đến nó và ngủ tiếp", BS. Hòa chia sẻ.

Phòng ngủ nên để nhiệt độ lạnh hơn, tránh việc không ngủ trưa và không để bụng đói, khát khi đi ngủ. Ngoài ra, kiên trì và lạc quan sẽ giúp các người bệnh dần cải thiện được giấc ngủ và đưa cơ thể trở lại trạng thái ban đầu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 40% người bệnh bị mất ngủ khi mắc Covid-19. Nguyên nhân là do thiếu ánh sáng tự nhiên dẫn đến não giảm tổng hợp Melatonin - chất giúp chúng ta cảm giác buồn ngủ; do dùng các loại thuốc; do môi trường bệnh viện; các trải nghiệm xấu trong quá trình nhiễm Covid-19. 

Mất ngủ cũng có thể do các dấu hiệu của bệnh gây nên sợ hãi, đặt cơ thể vào tình trạng cảnh giác cao độ nên căng thẳng, khó ngủ.

Hội chứng sương mù não hậu Covid và bí quyết phục hồi sức khoẻ
Buổi tọa đàm trực tuyến: Hội chứng sương mù não hậu Covid & Bí quyết phục hồi sức khoẻ do Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank - VBI và Hệ thống Y...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư