Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/1: Tiêm vắc-xin là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa những biến chủng mới của virus SAR-CoV-2
D.Ngân - 07/01/2023 11:27
 
Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế vừa có khuyến cáo phòng chống dịch và nhận định tình hình dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, virus SAR-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.

Theo WHO, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra.

WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; tuy nhiên vắc-xin phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.

Ảnh minh hoạ

Ở nước ta, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 giảm mạnh; bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Tính đến hết ngày 4/1/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc-xin giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng.

Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa Đông - Xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp; thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa Đông - Xuân, trong dịp Lễ Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch ...; chú trọng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Giải pháp giúp các bệnh viện có thể tự sản xuất oxy y tế

Tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ chuyên ngành trang thiết bị y tế lần thứ 4, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Thiết bị Y tế Việt Nam. Công ty CP Novamed Việt Nam vừa ra mắt Hệ thống tạo oxy cho bệnh viện C-System với thiết kế module, dễ dàng bảo trì bảo dưỡng với chi phí thấp.

Công ty Novamed giới thiệu 2 model C-System là hệ thống CS50 với công suất tạo oxy 3m3/giờ (tương đương 12 bình oxy nén/ngày) và hệ thống CS20 với công suất tạo oxy 1,2m3/giờ (tương đương 5 bình oxy nén/ngày). Đây là 2 cấu hình phù hợp với nhu cầu của hầu hết các bệnh viện tuyến cơ sở của Việt Nam.

C-System được thiết kế để các bệnh viện có thể tự sản xuất oxy y tế, giúp các bệnh viện thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn oxy lỏng và oxy bình nén, không lo tới việc hết oxy và chi phí vận chuyển.

Theo thống kê về nguồn cung oxy tại Việt nam, khoảng cách trung bình từ bệnh viện đến trung tâm cung cấp bình khí là 50,1 km và hơn 100 bệnh viện nằm cách nhà phân phối trên 100km. Điều này có nghĩa là các bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo rất khó để tiếp cận được nguồn oxy y tế.

Với cốt lõi là công nghệ Sàng hấp phụ phân tử PSA, hệ thống tạo oxy cho bệnh viện C-System được Novamed Việt Nam thiết kế và hiệu chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế trong nước.

Bên cạnh đó, hệ thống có dạng module tùy chỉnh, giúp các cơ sở y tế dễ dàng lựa chọn công suất phù hợp với nhu cầu riêng cũng như hỗ trợ việc bảo trì, sửa chữa dễ dàng và nhanh chóng.

Ông Ngô Thanh Sơn, Tổng giám đốc Novamed Việt Nam cho biết, trước đây, các hệ thống tạo oxy cho bệnh viện đều phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá thành cao, khó đảm bảo dịch vụ kỹ thuật. Đội ngũ kỹ sư của Novamed Việt nam đã làm chủ công nghệ, đưa ra sáng kiến thiết kế hệ thống với kết cấu module giải quyết được các thách thức về bảo trì, bảo dưỡng.

Hầu hết sản phẩm tạo oxy của các hãng sản xuất trên thế giới đều có kết cấu lớn, công suất tiêu hao lớn, các bệnh viện nhỏ sẽ khó tối ưu chi phí vận hành, vì nhu cầu oxy trong mỗi thời điểm của một ngày sẽ khác nhau, thường là cần nhiều oxy vào buổi sáng, cần ít oxy vào buổi tối.

Hệ thống C-System với thiết kế module có thể tự nhận biết nhu cầu oxy của viện để bật/tắt các module. Điều này giúp giảm được lãng phí về điện năng, cũng như kéo dài tuổi thọ của máy.

Ứng dụng công nghệ kết nối IoT, các hệ thống C-System luôn được các kỹ sư của nhà máy và bệnh viện theo dõi từ xa tình trạng hoạt động, chất lượng oxy để có thể tiên lượng và đáp ứng kịp thời khi có vấn đề.

Cứu sống bệnh nhân bị viêm cơ tim với nhiều biến chứng

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa nỗ lực cứu sống nữ bệnh nhân 22 tuổi bị viêm cơ tim cấp có nhiều biến chứng phức tạp bằng kỹ thuật ECMO thức tỉnh hiện đại nhất hiện nay.

Trước đó, chị NTT ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở nhiều, kèm đau tức ngực trái. Các triệu chứng khởi phát từ 3 ngày trước, với biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, đau họng, mỏi cơ, sau đó xuất hiện tình trạng khó thở, đau tức ngực ngày càng nặng dần.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp viêm cơ tim, nên bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức Tim mạch điều trị.

Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh, bệnh nhân có nhiều rối loạn nhịp rất phức tạp với những cơn bão điện học, suy tim tiến triển nhanh chóng thành sốc tim. Ê kíp bác sĩ đã lập tức tiến hành thực hiện phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) thức tỉnh dưới hướng dẫn của màng huỳnh quang tăng sáng. Đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm và sốc tim.

Quá trình kỹ thuật tương đối thuận lợi, do là ECMO thức tỉnh nên bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình trong và sau can thiệp, các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt.

Khó khăn ập tới, bắt đầu là những triệu chứng ho khan, tiền triệu phù phổi cấp do ảnh hưởng bất lợi của dòng ECMO với quả tim; các bác sĩ đã liên tục điều chỉnh các thông số để có hoạt động phù hợp nhất của máy ECMO. Tiếp theo là chân trái nơi đặt đường vào động mạch của máy ECMO của bệnh nhân bắt đầu tê bì, giảm phản xạ, giảm vận động. Ngay lập tức, kíp bác sĩ khoa hồi sức đã phối hợp với khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch tiến hành chụp mạch chân trái của bệnh nhân, phát hiện có tắc hoàn toàn động mạch khoeo do huyết khối và đã được tiến hành lấy huyết khối.

Việc can thiệp nội mạch lấy huyết khối mạch chi trong điều kiện bệnh nhân đang chạy ECMO là cực kỳ khó khăn, do đường vào ECMO đã bít tắc hoàn toàn động mạch đùi của bệnh nhân. Nhiều lúc, kíp can thiệp đã nghĩ tới phương án mở mạch tại phòng mổ, nhưng cuối cùng đã tiếp cận được động mạch đùi của bệnh nhân và lấy huyết khối thành công.

Chính vì biến chứng kể trên, quá trình nằm viện của NTT đã bị kéo dài, nhiều lúc những tưởng đôi chân của cô gái nhỏ đã vĩnh viễn mất đi chức năng. Nhưng nhờ thế mạnh của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với đa chuyên khoa nên đã có thể phối hợp điều trị giữa các phương pháp phục hồi chức năng và y học cổ truyền, chân trái của bệnh nhân dần dần lấy lại được cảm giác và vận động, bệnh nhân ra viện thành công với triệu chứng yếu liệt chi trái được cải thiện rất nhiều.

TS.BS Đặng Việt Đức, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Hệ thống ECMO Cardiohelp là phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại, là phương tiện cứu sống bệnh nhân khi mắc những căn bệnh còn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như viêm cơ tim, viêm phổi ARDS do Covid… Tuy nhiên, ECMO là một biện pháp hỗ trợ cơ học xâm lấn, tham gia vào hệ thống tuần hoàn lớn nên có rất nhiều những biến chứng trong suốt quá trình chạy máy. Các biến chứng thường gặp như tan máu, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng huyết, phù phổi, thiếu máu chi dưới bên đặt đường vào động mạch của máy ECMO… Biến chứng thiếu máu chi có thể dẫn tới nguy cơ cắt cụt hoặc liệt hoàn toàn ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và chất lượng cuộc sông của bệnh nhân. Việc triển khai ECMO thức tỉnh thường quy ở khoa Hồi sức tim mạch đã giúp người thầy thuốc phát hiện sớm biến chứng này và có biện pháp can thiệp kịp thời cho bệnh nhân, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này”.

Từ 8/1/2023, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc được gỡ bỏ xét nghiệm phòng chống Covid-19
Hải quan Trung Quốc đã thông báo gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư