Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 9/3: Bộ Y tế ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với AstraZeneca; TP.HCM số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng
D.Ngân - 09/03/2023 08:51
 
Bộ Y tế và Công ty AstraZeneca Việt Nam vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy liên kết trong việc nâng cao nhận thức về bệnh tật, phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.

Bộ Y tế ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với AstraZeneca

Theo Bản ghi nhớ này, AstraZeneca sẽ phối hợp Bộ Y tế và các đối tác nhằm thúc đẩy việc triển khai các cả chương trình đang tiếp diễn và các chương trình mới, với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tật, phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.

Trong số đó bao gồm Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe nhằm giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi; chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu Niên giúp giới trẻ xây dựng lối sống lành mạnh, dự phòng sớm các bệnh không lây nhiễm; chương trình CAREME – Yêu Lấy Mình nhằm củng cố hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Tim mạch – Thận – Chuyển hóa.

Bộ Y tế và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ. Ảnh: AstraZeneca

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, AstraZeneca đã đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam trong nhiều năm qua nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, và đẩy mạnh phát triển bền vững. Đặc biệt trong thời gian qua, Tập đoàn đã có vai trò và đóng góp quan trọng giúp Việt Nam triển khai thành công chiến lược vắc-xin, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nằm trong Mục tiêu phát triển bền vững SDG mà Chính phủ đã cam kết thực hiện, hệ thống y tế Việt Nam cần được tăng cường toàn diện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hướng đến một hệ thống công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn thể nhân dân.

Buổi lễ ký bản ghi nhớ là dấu mốc quan trọng trong việc thiết lập sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ hy vọng trên tinh thần hợp tác và cam kết mạnh mẽ, các bên sẽ cùng nhau làm việc để triển khai các hoạt động hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ em tấn công người lớn

Bệnh viện E vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân 29 tuổi mắc bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do vi khuẩn Haemophilus Influenza (HI) gây ra.

Viêm màng não mủ do vi khuẩn HI hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng căn nguyên này cũng có thể tấn công người lớn và gây ra những hậu quả nguy hiểm, điều trị phức tạp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau vùng gáy… Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân mắc bệnh của người bệnh, nghi ngờ đây là một trường hợp viêm màng não, các bác sĩ quyết định chọc dịch não tủy, phát hiện dịch não tủy bị đục.

Theo người nhà người bệnh, trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau họng, chảy nước mũi và đi khám, được chẩn đoán viêm đường hô hấp. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc uống tại nhà nhưng bệnh không có chiều hướng thuyên giảm. Đến ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, sốt cao liên tục đi kèm buồn nôn và được gia đình đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện E.

Sau khi định danh được tên vi khuẩn mà người bệnh mắc phải là viêm màng não nhiễm khuẩn do vi khuẩn HI gây ra, các bác sĩ tiến hành điều trị kháng sinh kịp thời, điều chỉnh kháng sinh theo kháng sinh đồ cho bệnh nhân. Chỉ sau 3 ngày, bệnh nhân đã hết sốt và sau 5 ngày, cơn đau đầu của bệnh nhân đã được đẩy lùi. Sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định sau 14 ngày điều trị.

BS CKII. Đào Văn Cao, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của màng, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn... Do vậy, việc chọc dịch não tủy là cần thiết để giúp các bác sĩ chẩn đoán và định danh chính xác nguyên nhân gây bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Viêm màng nhiễm khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở màng não do một số vi khuẩn gây nên, vì vậy việc điều trị kháng sinh kịp thời là rất cần thiết. Viêm màng nhiễm khuẩn ở người lớn tùy theo từng nguyên nhân và cơ địa người bệnh mà mức độ biểu hiện và nguy hiểm khác nhau. Người bệnh nặng có thể xuất hiện lú lẫn, mê sảng hoặc kích thích, co giật, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch. Chúng làm tổn thương hệ thần kinh, biến chứng viêm não, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong hay di chứng như điếc, động kinh...

Đối với bệnh nhân trên, việc điều trị không đơn giản, bởi bệnh nhân đã có tiền sử viêm màng não cách đây 3 năm và không xác định được căn nguyên gây bệnh. Thêm nữa, bệnh nhân mắc bệnh lý viêm xoang mãn tính (từ năm 13 tuổi) là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, xoang đi theo đường kế cận vào màng não hoặc đi theo đường máu… Do đó, những người có các bệnh lý nền như tổn thương ở tai, viêm xoang, chấn thương sọ não, suy giảm miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ cao với nhiều biến chứng phức tạp.

Viêm màng nào có thể xảy ra với bất kể đối tượng nào. Ở người lớn bị viêm màng não thường có triệu chứng điển hình hơn, song đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác. Ngoài ra, người bệnh có thể tái nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Mặc dù đây là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, cách phòng bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do HI quan trọng nhất là tiêm phòng vắc-xin. Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em đều cần được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh do Hib gây ra từ lúc 2 tháng tuổi.

Đối với người bệnh có tiền sử mắc viêm màng não nhiễm khuẩn hoặc có các bệnh lý nền dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao thì người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng bất thường. Nếu bị sốt cao, đi kèm với cơn đau đầu, ù tai, đau vùng gáy và lan đến khớp bả vai, sợ ánh sáng, nôn vọt, co giật... hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa bệnh nhiệt đới để kiểm tra, phát hiện bệnh. Với những nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của người bệnh, các bác sĩ sẽ có định hướng điều trị hiệu quả nhất.

TP.HCM: Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần 9 từ ngày 27/2 đến 5/3, thành phố ghi nhận 327 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm 28,3% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 41,3 % và ngoại trú giảm 14,3%.

Trong tuần 9, không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Có 19/22 quận huyện có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước, có 7/312 phường xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động. Ghi nhận 19 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 18 phường, xã thuộc 11/22 quận huyện, TP Thủ Đức.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 44 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 80 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 63 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, TP Thủ Đức.

Về bệnh tay chân miệng (TCM), trong tuần 9, TP.HCM ghi nhận 61 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 11,9% so với trung bình 4 tuần trước (55 ca). Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Số mắc tích lũy đến tuần 9 là 493 ca. Trong tuần 9, toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch TCM mới.

Đối với bệnh Covid-19, trong tuần 9, ghi nhận 4 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 1 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 3 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ). Số ca Covid-19 xác định tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay là 123 ca. Số ca tích lũy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/4/2021) đến ngày 5/3/2023 là 618.427 ca, trong đó, có 617.587 ca trong nước (tỉ lệ 99,9%), 839 ca nhập cảnh (tỷ lệ 0,1%).

Tin mới về y tế ngày 8/3: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và AstraZeneca Việt Nam hợp tác nghiên cứu lâm sàng thuốc và vắc xin mới
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác song phương nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư