Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 11/4: Chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm
D.Ngân - 11/04/2024 09:25
 
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, 118 ca ho gà (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023) và 130 ca mắc sởi (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023).

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.196 ca mắc tay chân miệng trong đó miền Nam trên 7.500 ca (chiếm 74,1%); miền Bắc trên 1.300 ca (chiếm 13,3%); miền Trung trên 1.000 ca (chiếm 9,8%); Tây Nguyên trên 200 ca (chiếm 2,8%). Số mắc chủ yếu ghi nhận trong cơ sở giáo dục mầm non, có trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh, nữ cao hơn nam.

Về bệnh sốt xuất huyết, tích lũy từ đầu năm đến nay, ghi nhận 14.542 ca mắc, trong đó miền Nam trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); miền Trung trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); miền Bắc trên 800 ca (chiếm 6%); Tây Nguyên trên 700 ca (chiếm 5%). Type virus D2 chiếm 70,7% số ca mắc.

Về bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.542 trường hợp mắc, giảm khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó miền Nam có trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); tiếp theo là khu vực miền Trung với trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); các tỉnh miền Bắc ghi nhận trên 800 ca (chiếm 6%); các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận trên 700 ca (chiếm 5%)

Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%.

Tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại CDC Đồng Nai.

Về bệnh ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca ho gà (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023). Riêng tại Hà Nội, trong số 48 ca mắc có 38 ca ở trẻ dưới 3 tháng tuổi (chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vắc xin có thành phần ho gà.

Từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023). Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

Thông tin thêm về chùm ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả phân tích 12 ca bệnh cho thấy, 7/12 ca bệnh (chiếm tỷ lệ 58,4%) đã được tiêm 2 mũi vắc xin sởi nhưng vẫn mắc bệnh. Các trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ và đã ra viện. Ngoài ra, có 3/12 ca bệnh không rõ tình trạng, chỉ có 1 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng và 1 trường hợp chưa tiêm chủng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ho gà, sởi và các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Để phòng chống các bệnh có vắc-xin dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt quan tâm các bệnh có vắc-xin nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.

Cùng với đó, các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Đối với bệnh thủy đậu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vắc-xin và khuyến khích các cháu tiêm chủng dịch vụ.

Trong trường hợp địa phương có số mắc lớn đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vắc-xin tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó việc chống dịch bệnh thủy đậu được tiến hành giống các biện pháp như các biện pháp chống dịch bệnh tay chân miệng đặc biệt ở các cơ sở giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như: Sởi, ho gà, cúm gia cầm...

Khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật vùng hàm mặt

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Tổ chức Operation Smile Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị các dị tật vùng hàm mặt.

Đối tượng tham gia chương trình bao gồm: trẻ em bị khe hở môi từ 4 tháng tuổi và nặng 6 kg trở lên; trẻ em bị khe hở hàm ếch từ 12 tháng tuổi và nặng 8 kg trở lên; bệnh nhân bị di chứng dị tật khe hở môi, hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, thông vòm miệng, dị tật mũi); 

Bệnh nhân dị tật vùng hàm mặt khác (u máu, u sắc tố); bệnh nhân bị dị tật sụp mí mí bẩm sinh (không phải bệnh lý nhãn khoa); bệnh nhân thừa ngón, dính ngón (tay, chân), thừa sụn ở tai (không phải dị tật vận động, dị tật bàn chân, khoèo…).

Thời gian khám sàng lọc: ngày 6/5/2024 (thứ Hai). Thời gian phẫu thuật: từ ngày 7/5/2024 đến ngày 10/5/2024 (tức thứ Ba đến thứ Sáu). Tại Bệnh viện E (89 phố Trần Cung, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).

Trẻ em khi đi khám mang theo Thẻ Bảo hiểm Y tế, không có các bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, hen suyễn…, không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám.

Gia đình bệnh nhi có thể đăng ký tham gia chương trình tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng. Địa chỉ: Số 60 Nguyễn Văn Hới, phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Tổng đài tư vẫn miễn phí trực trong giờ hành chính: 18006605, hoặc số điện thoại: 0225.3700799.

TP. Hồ Chí Minh: Trung tâm Ghép tạng trẻ em sắp được hình thành tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Trung tâm Ghép tạng trẻ em sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Với người bệnh là trẻ em, ghép thận được thực hiện rất có hiệu quả đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, những bất thường bẩm sinh của thận hoặc đường tiết niệu, hay xơ hóa cầu thận,…

Rất nhiều các bệnh lý tại gan ở trẻ em cần phải ghép gan mới hy vọng trả lại cuộc sống bình thường như bao trẻ lành mạnh khác, như nhóm các bệnh lý gây xơ gan ứ mật (teo đường mật bẩm sinh, Alagille, …), các u nguyên phát tại gan (u nguyên bào gan, ung thư thế bào gan,…),…

Tùy theo nguồn gốc tạng ghép, có thể chia làm hai nhóm chính đó là ghép tạng từ người hiến chết não và ghép tạng từ người hiến sống. Vì nhiều lý do, trong đó có các vấn đề về tín ngưỡng, phong tục tập quán mà nguồn tạng ghép từ người hiến chết não ở Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung còn rất hạn chế.

Chính vì thế, phương thức ghép tạng từ người hiến sống rất đang được ưu tiên áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, phương pháp này đặc biệt phù hợp với người bệnh cần được ghép tạng là trẻ em.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 33 ca ghép gan, 30 ca ghép thận, 10 ca ghép tế bào gốc tự thân.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đúng theo quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước trong và sau ghép, quy trình này đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy. 

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2024 mới đây, Bộ Y Tế ra quyết định số 785/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. 

Theo định hướng phát triển chuyên sâu của Sở Y tế TP. HCM đối với 03 bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố, theo đó, Trung tâm Tim mạch trẻ em tại BV Nhi Đồng 1, Trung tâm Ung thư trẻ em tại BV Nhi đồng Thành phố và Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại BV Nhi đồng 2.

Giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm lại có dịp hoành hành
Miền Bắc sắp bước vào giai đoạn nồm ẩm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đòi hỏi các biện pháp chăm sóc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư