
-
Sóng siêu âm viết lại giấc mơ sống khỏe
-
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để đảm bảo an toàn người bệnh
-
Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ ghép tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3
-
Tin mới y tế ngày 12/4: Cảnh báo nghịch lý “no năng lượng, đói vi chất” của trẻ em Việt
-
Chủ động phòng cúm bằng tiêm vắc-xin
Người lớn đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2025 tại Việt Nam
Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh mạn tính gồm: phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp. Ba ngày trước khi nhập viện, ông H. xuất hiện các triệu chứng ho khan, sốt, khó thở và nổi ban đỏ từ mặt lan dần xuống thân mình.
![]() |
Bệnh nhân sởi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Sau 4 ngày điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng khó thở của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng, buộc phải chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi. Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ hô hấp bằng liệu pháp thở oxy dòng cao (HFNC).
Tuy nhiên, tình trạng tiếp tục xấu đi, ông H. phải đặt nội khí quản và thở máy. Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân rơi vào sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn. Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu và phục hồi mạch cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, ông H. được xác định nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.
Dù được lọc máu và hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO), bệnh nhân không đáp ứng điều trị và đã không qua khỏi. Đây là ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn được ghi nhận tại Việt Nam trong năm 2025.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, hiện nay các ca mắc sởi nhập viện có xu hướng diễn biến nặng hơn so với những năm trước. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân mắc sởi nhập viện dao động từ 30 đến 65 tuổi, thậm chí có trường hợp 70 tuổi phải thở máy do biến chứng nặng.
Ông cảnh báo: “Sởi không thể xem nhẹ, kể cả ở người lớn. Khi mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng vẫn rất cao, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.”
PGS.TS Cường cho biết thêm, có đến 75% bệnh nhân không nhớ mình đã từng tiêm vắc-xin sởi hay chưa. Từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca mắc sởi, trong đó nhiều trường hợp diễn biến nặng, gặp biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan; một số ca phải thở máy xâm nhập, thậm chí sử dụng ECMO.
Các chuyên gia khuyến cáo, sởi không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ mà còn xuất hiện ở người lớn – đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Với nhóm đối tượng này, cần tiêm nhắc lại vắc-xin nếu chưa được tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng.
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi với phác đồ đầy đủ 2 mũi tiêm. Qua khảo sát và nghiên cứu, Bộ Y tế Việt Nam quyết định chọn mốc 9 tháng tuổi vì đây là thời điểm trẻ không còn kháng thể thụ động bảo vệ từ mẹ, tiêm vắc-xin sẽ đáp ứng miễn dịch cao.
Tại vùng dịch và vùng có nguy cơ cao, trẻ có thể tiêm từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là mũi sởi 0 phòng bệnh sớm, sau đó trẻ vẫn tiếp tục thực hiện phác đồ tiêm mũi 1 vào lúc 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi.
Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, các chuyên gia y tế khuyến cáo phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm ngừa cho những người thân trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với trẻ.
Người lớn có thể vô tình trở thành nguồn lây trung gian cho trẻ, việc phòng ngừa cho chính bản thân sẽ tạo “tấm khiên” vô hình bảo vệ trẻ cho đến khi đủ tuổi tiêm phòng. Đồng thời, điều này cũng tạo miễn dịch chéo với các đối tượng dễ bị tổn thương khác như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng, đồng thời bảo đảm rằng các hoạt động tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh sởi trong bối cảnh dịch bệnh có thể tái bùng phát.
Với sự nỗ lực không ngừng của Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và các địa phương, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi năm 2025 sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc để kiểm soát bệnh sởi và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.
Bác sỹ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, tuy hiệu quả vắc-xin phòng sởi cao, nhưng cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi theo quy định, vì nếu chỉ tiêm một mũi vắc-xin hiệu quả phòng bệnh chỉ đạt 85% nên phải thực hiện tiêm chủng đủ 2 mũi mới mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu. Hầu như đã tiêm đủ mũi vắc-xin sẽ không có nguy cơ mắc sởi hoặc nhiễm sởi biểu hiện rất nhẹ.
Chạy ECMO cứu sống bệnh nhân nguy kịch do cúm A
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cứu sống một bệnh nhân cao tuổi trong tình trạng nguy kịch do cúm A bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp ngoài cơ thể (ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo).
Bệnh nhân là nam giới, 71 tuổi, trú tại Bắc Giang, được chẩn đoán mắc cúm A nặng, có biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt, đau mỏi cơ nhưng tự điều trị tại nhà mà không cải thiện.
Sau thời gian điều trị không hiệu quả ở tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Kết quả xét nghiệm xác nhận bệnh nhân dương tính với virus cúm A. Các hình ảnh chẩn đoán cho thấy tổn thương phổi lan tỏa, phổi gần như mất hoàn toàn khả năng trao đổi khí.
Trước diễn tiến xấu của bệnh nhân và việc không đáp ứng với thở máy, các bác sỹ đã quyết định sử dụng hệ thống ECMO - một trong những biện pháp hồi sức hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống này hoạt động như một “phổi nhân tạo”, tạm thời thay thế chức năng trao đổi khí của phổi bằng cách bơm máu ra khỏi cơ thể, làm giàu oxy và loại bỏ CO₂ rồi trả lại vào tuần hoàn.
Sau 4 ngày sử dụng ECMO cùng các biện pháp điều trị tích cực, tình trạng hô hấp của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, hệ thống ECMO được rút, bệnh nhân dần hồi phục.
Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Đăng Hải, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc cảnh báo rằng cúm A là bệnh lý hô hấp phổ biến trong mùa đông-xuân và thời điểm giao mùa. Virus cúm A lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, đặc biệt thông qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.
Ông nhấn mạnh, đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn…), phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cảnh giác. Nếu nhiễm cúm không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, nên tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm. Việc tiêm chủng không chỉ giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại virus mà còn làm giảm nguy cơ diễn biến nặng nếu không may mắc bệnh.
Ngoài ra, cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi đông người, che miệng khi ho/hắt hơi và hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng cúm.
Thanh niên 26 tuổi đau lưng suốt 2 năm, phát hiện mắc bệnh có thể gây tàn phế
Sau hai năm sống chung với những cơn đau âm ỉ vùng thắt lưng, một nam thanh niên 26 tuổi (gọi tắt là anh A.) đã đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để thăm khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy anh mắc viêm cột sống dính khớp - căn bệnh viêm khớp mạn tính nguy hiểm có thể dẫn đến dính khớp, biến dạng cột sống và tàn phế nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Theo khai thác tiền sử bệnh, anh A. cho biết mình thường xuyên bị đau thắt lưng kéo dài trong suốt hai năm, cơn đau tăng về đêm, cải thiện khi vận động, không kèm cứng khớp buổi sáng, không có tiền sử chấn thương và chưa từng điều trị bằng thuốc.
Với các triệu chứng đặc trưng của “đau kiểu viêm” kéo dài hơn 3 tháng và bệnh nhân dưới 45 tuổi, các bác sỹ tại MEDLATEC đã hướng đến chẩn đoán viêm cột sống dính khớp - một dạng viêm khớp mạn tính liên quan đến cơ chế tự miễn.
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống và khớp cùng chậu, xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số viêm, vitamin D và kháng nguyên HLA-B27.
Kết quả MRI cho thấy có thoái hóa các đĩa đệm cột sống thắt lưng, phồng nhẹ đĩa đệm các đốt sống L3/4, L4/5, L5/S1; phù nề dây chằng liên mỏm gai L2/3, L3/4, L4/5; viêm khớp cùng chậu hai bên, nghiêm trọng hơn ở bên trái.
Các xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số viêm (CRP và máu lắng) tăng cao, HLA-B27 dương tính và mức vitamin D trong máu thấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn ASAS (Hội Quốc tế Đánh giá Viêm Cột Sống), bác sỹ chẩn đoán anh A. mắc viêm cột sống dính khớp thể hoạt động kèm thiếu hụt vitamin D. Bệnh nhân được kê đơn thuốc giảm đau, giãn cơ và bổ sung vitamin D theo phác đồ điều trị của chuyên khoa cơ xương khớp.
Theo ThS.BSCKII Trịnh Thị Nga, Trưởng Chuyên khoa Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Medlatec, viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis - AS) là một bệnh viêm khớp mạn tính chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và khớp cùng chậu, nhưng cũng có thể tác động đến các khớp ngoại vi như vai, háng, gối, cổ chân - cổ tay, hoặc các điểm bám gân như gân Achilles, điểm bám gân vùng hông, khuỷu tay.
Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 40, với tỷ lệ mắc cao gấp 3-4 lần nữ giới. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng có liên quan chặt chẽ đến yếu tố di truyền, trong đó trên 90% người mắc bệnh có mang kháng nguyên HLA-B27. HLA-B27 được xem là yếu tố nhạy cảm về di truyền, có thể kết hợp với yếu tố nhiễm khuẩn (vi khuẩn đường tiêu hóa, tiết niệu), điều kiện sống kém, chấn thương... làm rối loạn hệ miễn dịch và khởi phát bệnh.
Biểu hiện điển hình của viêm cột sống dính khớp là đau thắt lưng kéo dài, tăng về đêm, giảm khi vận động, kèm theo cứng khớp buổi sáng hoặc sau khi bất động lâu.
Bệnh nhân có thể đau các khớp ngoại vi (vai, háng, gối, cổ tay, cổ chân), đau vùng mông do viêm khớp cùng chậu, viêm điểm bám gân hoặc gân Achilles, thậm chí xuất hiện các triệu chứng như viêm màng bồ đào (đau, mờ mắt), rối loạn tiêu hóa (viêm ruột, đi ngoài phân máu), tổn thương phổi và tim mạch, thiếu máu và thiếu vitamin D.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như dính khớp, biến dạng cột sống, tổn thương động mạch chủ, xơ phổi, đau mạn tính, rối loạn vận động và rối loạn tâm lý. Một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng là hội chứng đuôi ngựa - gây liệt chi dưới vĩnh viễn và mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng hiệu quả, duy trì khả năng vận động và hạn chế biến chứng. Phác đồ điều trị thường bao gồm thuốc chống viêm, thuốc sinh học (ức chế TNF-alpha, IL-17), tập vật lý trị liệu, bổ sung vitamin D, và luyện tập thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, người trẻ tuổi không nên chủ quan với những cơn đau thắt lưng kéo dài, đặc biệt là đau về đêm hoặc cải thiện khi vận động. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám và điều trị kịp thời.
-
Chủ động phòng cúm bằng tiêm vắc-xin -
Hà Nội triển khai Tháng hành động vì An toàn Thực phẩm năm 2025 -
Tin mới y tế ngày 11/4: Người lớn đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2025 -
Uốn ván có thể phòng ngừa bằng vắc-xin -
Hệ lụy nguy hiểm của bóng cười: Khi niềm vui trở thành cơn ác mộng -
Phát hiện hai cơ sở hút mỡ trái phép giữa trung tâm TP.HCM -
Tin mới y tế ngày 10/4: Béo phì - kẻ thù thầm lặng của trái tim
-
Vinmec được vinh danh là Hệ thống y tế của năm
-
Cà Mau dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá thực hiện hiệu quả các FTA
-
FTA Index là động lực thúc đẩy địa phương tối ưu hóa cơ hội từ các FTA
-
Năm thứ 2 liên tiếp VPBank NEOBiz được vinh danh là Ứng dụng Ngân hàng tốt nhất
-
Uuviet Solutions và dự án 18.000 tỷ đồng: Bước tiến mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội.
-
Panasonic bàn giao Phòng thí nghiệm Giải pháp HVAC cho Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội