
-
Sóng siêu âm viết lại giấc mơ sống khỏe
-
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để đảm bảo an toàn người bệnh
-
Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ ghép tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3
-
Chủ động phòng cúm bằng tiêm vắc-xin -
Tin mới y tế ngày 11/4: Người lớn đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2025
Trẻ thừa cân nhưng vẫn suy dinh dưỡng
Tình trạng “no năng lượng, đói vi chất” đang ngày càng phổ biến. Trẻ em tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng nhưng lại nghèo vi chất, dẫn đến thừa cân, béo phì mà vẫn thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu như sắt, canxi, vitamin D...
![]() |
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì, phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn đa dạng, giàu dưỡng chất. |
Theo Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp 2,2 lần trong vòng 10 năm - từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đồng thời, khoảng 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ thì có một trẻ thiếu sắt.
Suy dinh dưỡng thể béo phì là một dạng suy dinh dưỡng đặc biệt. Trẻ có thể trông mũm mĩm nhưng lại thiếu hụt các vi chất cần thiết như sắt, canxi, vitamin A, D... do chế độ ăn không cân đối và ít đa dạng.
Nguyên nhân phổ biến là do trẻ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ chiên, thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt, nhưng lại rất ít thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất.
Một số trẻ ăn nhiều chất bột đường (như cơm, bánh ngọt, sữa đặc) nhưng lại thiếu thịt cá - nguồn cung cấp protein cần thiết, gây ra thiếu máu, chậm phát triển cơ thể.
Ngoài ra, việc không được bú mẹ đủ trong 6 tháng đầu đời - nguồn dinh dưỡng tự nhiên giàu sắt, canxi và kháng thể cũng làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng vi chất.
Trẻ ít vận động, dành nhiều thời gian xem thiết bị điện tử khiến năng lượng dư thừa tích tụ thành mỡ, trong khi cơ thể lại không phát triển tương xứng về xương, cơ, chiều cao hay hệ miễn dịch.
Trường hợp bé gái 7 tuổi, con chị Ngọc Linh (34 tuổi, TP.HCM) là minh chứng rõ ràng. Dù bụ bẫm hơn so với bạn bè cùng tuổi, khi đến khám tại Bệnh viện bé được chẩn đoán thiếu sắt, canxi, vitamin D và A. Tương tự, bé trai 4 tuổi của chị Hà (Đồng Nai), nặng 22kg, cũng được phát hiện thiếu máu và còi xương dù ăn uống tốt.
Sau ba tháng áp dụng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung vi chất thiếu hụt và tập luyện theo hướng dẫn bác sỹ, sức khỏe của hai bé cải thiện rõ rệt. Kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số vi chất dần trở lại mức bình thường.
Bác sỹ Yến Thủy BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cảnh báo, nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm “trẻ bụ bẫm mới khỏe mạnh”, dẫn đến việc lạm dụng sữa công thức, thực phẩm bổ dưỡng như yến sào, tổ yến, các loại đạm cao cấp mà quên mất yếu tố cân đối dinh dưỡng.
“Tăng cân không đồng nghĩa với khỏe mạnh. Trẻ có thể phát triển cân nặng vượt trội nhưng vẫn thiếu máu, còi xương, chậm phát triển chiều cao hoặc có nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp”, bác sỹ Thủy cảnh báo.
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì, phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn đa dạng, giàu dưỡng chất. Thực đơn nên bao gồm rau củ (giàu chất xơ, vitamin), thịt, cá, hải sản, đậu (cung cấp protein, sắt, canxi), chất béo lành mạnh từ dầu thực vật. Ưu tiên phương pháp nấu hấp, luộc thay vì chiên rán để bảo toàn vi chất.
Tránh cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, nước ngọt có gas. Không nên ép trẻ ăn nhiều một món, mà cần khuyến khích ăn đa dạng các loại thực phẩm theo từng bữa.
Ngoài ra, cần đảm bảo trẻ vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày: đi bộ, chạy nhảy, đạp xe, chơi thể thao... để tăng cường sức khỏe, tiêu hao năng lượng dư thừa và phát triển cơ xương.
Phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu như: da xanh xao, hay mệt mỏi, tóc rụng nhiều, móng tay sần sùi, dễ ốm vặt… Đây có thể là biểu hiện của thiếu vi chất.
Xơ gan, suy tim do mắc bệnh tim bẩm sinh mà không biết
Bị bệnh tim bẩm sinh từ khi mới chào đời nhưng không hề hay biết, đến khi phát hiện thì đã quá muộn để can thiệp, đó là trường hợp của chị Thu, 54 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, xơ gan do biến chứng từ ống động mạch còn tồn tại.
Chị Thu được chẩn đoán suy tim và tăng áp động mạch phổi từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do không tìm ra nguyên nhân chính xác, chị chỉ được điều trị triệu chứng bằng thuốc. Thời gian gần đây, tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn: chị thường xuyên mệt mỏi, khó thở dù không làm việc nặng, thậm chí phải ngủ ngồi vì không thể thở khi nằm.
Tại Bệnh viện, chị được nhập viện ngày 11/4/2025 trong tình trạng mệt mỏi, phù toàn thân, gan to và khó thở nhiều. Kết quả siêu âm tim cho thấy chức năng co bóp tim suy giảm nghiêm trọng (EF chỉ còn 23%), tăng áp động mạch phổi nặng và dấu hiệu xơ gan tim – gan bị tổn thương do ứ máu kéo dài.
Điều bất ngờ là các bác sỹ phát hiện chị có ống động mạch lớn - một bất thường tim bẩm sinh không được phát hiện trong suốt hơn 50 năm.
Theo ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, chuyên gia tim mạch, ống động mạch là một phần bình thường trong hệ tuần hoàn thai nhi, thường sẽ tự đóng trong vài ngày đầu sau sinh. Nếu không đóng lại, dị tật được gọi là còn ống động mạch (Patent Ductus Arteriosus – PDA).
Khi còn ống động mạch, máu từ động mạch chủ chảy ngược vào động mạch phổi, làm tăng gánh cho tim và phổi. Nếu dị tật lớn, lâu ngày không điều trị sẽ gây ra các biến chứng nặng như tăng áp phổi, suy tim, viêm nội tâm mạc, xơ gan tim như trường hợp của chị Thu.
“Trường hợp này rất tiếc vì bệnh nhân sống chung với dị tật tim bẩm sinh mà không hề biết. Đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, không thể can thiệp ngoại khoa do nguy cơ tử vong cao,” bác sỹ Kiều cho biết.
Hiện nay có hai phương pháp điều trị còn ống động mạch là đóng ống động mạch qua da và phẫu thuật thắt ống động mạch. Tuy nhiên, cả hai chỉ áp dụng được cho những trường hợp chưa có biến chứng nặng.
Chị Thu đã suy tim nặng, tăng áp phổi và xơ gan - các yếu tố chống chỉ định tuyệt đối cho phẫu thuật. Trong trường hợp này, nếu cố gắng can thiệp có thể gây tăng áp phổi cấp tính và tử vong trong phẫu thuật.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa với thuốc lợi tiểu, digoxin, chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và kháng vitamin K. Sau 4 ngày, tình trạng phù và khó thở cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định và được cho xuất viện điều trị ngoại trú.
Bác sỹ Kiều nhấn mạnh, hiện nay, hơn 90% bất thường tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm từ giai đoạn bào thai, thông qua siêu âm tim thai từ tuần 12–18. Việc chẩn đoán sớm giúp can thiệp kịp thời, tránh biến chứng và tăng cơ hội sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành cho trẻ.
Với những trẻ không được chẩn đoán trong thai kỳ, cần sàng lọc tim bẩm sinh ngay sau sinh – đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ như sinh non, mẹ nhiễm rubella khi mang thai, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim.
Thống kê hiện nay cho thấy, nhờ vào tiến bộ của y học, khoảng 98% trẻ mắc tim bẩm sinh nếu được điều trị sớm có thể sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành, tuổi thọ không khác biệt so với người bình thường.
Người trưởng thành xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh hoặc hụt hơi kéo dài nên đi khám chuyên khoa tim mạch. Đặc biệt, nếu các triệu chứng không rõ nguyên nhân hoặc điều trị mãi không dứt, cần nghĩ đến khả năng dị tật tim bẩm sinh tiềm ẩn.
Khám định kỳ, tầm soát tim mạch và xét nghiệm chuyên sâu là biện pháp quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm và có hướng điều trị phù hợp, tránh biến chứng nặng, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Suy giáp - kẻ thù thầm lặng của phụ nữ
Chị Trinh, 46 tuổi, từng nhiều lần sảy thai sớm, lưu thai không rõ nguyên nhân. Mãi đến khi đi khám chuyên sâu, chị mới phát hiện mình bị vô sinh thứ phát do suy tuyến giáp - một căn bệnh thầm lặng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
Chị Trinh, quê ở Thái Bình, từng có hai con vào các năm 2003 và 2008. Sau đó, do mang thai ngoài ý muốn hai lần, chị buộc phải đình chỉ thai kỳ. Năm 2021, khi kinh tế gia đình đã ổn định, vợ chồng chị mong muốn sinh thêm con nhưng hành trình ấy không dễ dàng.
Ở tuổi 42, chị sảy thai sớm khi thai chỉ mới 5 tuần tuổi. Sau một năm cố gắng nhưng không có tin vui, vợ chồng quyết định thăm khám và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ, tuy nhiên các lần mang thai sau đó vẫn không trọn vẹn: thai bị lưu ở tuần thứ 7.
Tháng 11/2023, chị Trinh đến IVF Tâm Anh, qua các xét nghiệm, bác sỹ phát hiện chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị chỉ còn 1,10 ng/ml, hai vòi tử cung bị tắc và đặc biệt là chức năng tuyến giáp bị suy giảm. Kết luận: vô sinh thứ phát do suy giáp kết hợp tắc vòi tử cung – chị Trinh chỉ có thể mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo bác sỹ Đỗ Thị Thu Trang (Trung tâm IVF Tâm Anh), trường hợp của chị Trinh rất khó vì bệnh nhân đã lớn tuổi, chất lượng trứng kém và tình trạng suy giáp khiến khả năng thành công của IVF giảm đáng kể.
Hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nang trứng, khả năng thụ thai và sự làm tổ của phôi thai. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon, phụ nữ không chỉ khó có thai mà còn dễ sảy thai, lưu thai và gặp biến chứng thai kỳ như thiếu máu, tiền sản giật, suy tim, thậm chí tử vong.
Khi làm IVF, suy giáp còn làm buồng trứng kém đáp ứng thuốc kích trứng, số lượng trứng ít và chất lượng thấp hơn. Ngay cả khi phôi được chuyển thành công, nguy cơ sảy thai vẫn rất cao. Ngoài ra, nồng độ estrogen tăng do thuốc hỗ trợ sinh sản có thể làm trầm trọng thêm các biểu hiện suy giáp.
Trước khi bước vào IVF, bác sỹ chuyên khoa Nội tiết và Hỗ trợ sinh sản tại Tâm Anh đã xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt cho chị Trinh. Chị được điều chỉnh hormone tuyến giáp bằng thuốc, theo dõi chức năng tuyến giáp 4 tuần/lần cho đến khi chỉ số ổn định.
Sau đó, chị trải qua hai chu kỳ kích thích buồng trứng nhẹ để lấy noãn – tối ưu số lượng trứng và tăng cơ hội tạo phôi tốt. Trứng sau đó được thụ tinh với tinh trùng bằng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Các phôi tạo thành được nuôi cấy trong hệ thống Time-lapse tích hợp trí tuệ nhân tạo, giúp chuyên viên phôi học theo dõi 24/24 và chọn lọc phôi tốt nhất.
Sau hai lần chuyển phôi, chị Trinh may mắn đậu thai. Suốt thai kỳ, chị tiếp tục được điều chỉnh thuốc và theo dõi sát để đảm bảo nồng độ hormone ổn định, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đầu tháng 1/2025, chị hạ sinh bé Bắp khỏe mạnh ở tuần thai thứ 39 bằng phương pháp sinh mổ.
Suy giáp là bệnh lý nội tiết phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhưng nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Ở nam, bệnh có thể gây giảm ham muốn, rối loạn cương dương, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
Nguyên nhân chủ yếu của suy giáp là viêm giáp Hashimoto – bệnh tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp. Ngoài ra, bệnh có thể đến từ viêm tuyến giáp sau sinh, suy giáp bẩm sinh, điều trị cường giáp, phẫu thuật tuyến giáp hoặc thiếu iod trong khẩu phần ăn.
Suy giáp có thể âm thầm không triệu chứng hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Một số biểu hiện thường gặp gồm: mệt mỏi, tăng cân, táo bón, lạnh run, khô da, rối loạn kinh nguyệt, giảm trí nhớ và nhịp tim chậm.
Để phòng ngừa suy giáp và các ảnh hưởng đến sinh sản, bác sỹ khuyến cáo phụ nữ cần bổ sung iod hợp lý qua các thực phẩm như muối iod, trứng, sữa, thịt, hải sản, rong biển.
Chủ động tầm soát sức khỏe sinh sản sau một năm không thể thụ thai, kể cả ở người từng có con. Theo dõi tuyến giáp định kỳ nếu có dấu hiệu bất thường hoặc có kế hoạch sinh con, đặc biệt là phụ nữ sau 35 tuổi.
Khi mang thai và điều trị suy giáp, nên uống thuốc điều trị cách xa 2-3 giờ với vitamin tổng hợp để tránh tương tác. Các nghiên cứu cho thấy, nếu được điều trị đúng cách, phụ nữ bị suy giáp có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với tỷ lệ thành công tương đương người bình thường.
Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến ung thư gan?
Gan nhiễm mỡ đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt ở những người có lối sống thiếu vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn chủ quan, coi đây là bệnh "lành tính", trong khi thực tế, gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư gan ngay từ những giai đoạn sớm.
Thạc sỹ - Bác sỹ Lưu Thị Minh Diệp, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gan nhiễm mỡ là một bệnh lý có nguy cơ tiềm ẩn rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, bệnh có thể dẫn tới ung thư gan ngay từ giai đoạn F1, F2 mà không nhất thiết phải trải qua giai đoạn xơ gan như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Ngoài nguy cơ gây ung thư gan, bệnh còn làm tăng khả năng mắc ung thư đại tràng gấp 20 lần so với người bình thường. Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ còn có liên quan đến nhiều bệnh lý ngoài gan như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, hội chứng ngưng thở khi ngủ… gây ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan, khiến gan hoạt động kém hiệu quả. Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, sử dụng rượu bia, người thừa cân - béo phì và có lối sống ít vận động. Tuy nhiên, ngay cả những người có vóc dáng gầy cũng có thể mắc gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa hoặc yếu tố di truyền.
Điều đáng lo ngại là ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ bị bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tức nặng vùng bụng phải, ngứa da, nổi mày đay, dị ứng không rõ nguyên nhân, chán ăn, buồn nôn, sụt cân, đặc biệt là khi ăn đồ nhiều dầu mỡ.
Trong những trường hợp nặng hơn, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng với các biểu hiện như vàng da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… và có thể dẫn tới ung thư gan.
Theo bác sỹ Diệp, để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu kiểm tra men gan, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) nếu nghi ngờ tổn thương sâu.
Trong những trường hợp đặc biệt, sinh thiết gan có thể được thực hiện để xác định mức độ tổn thương gan và đánh giá nguy cơ biến chứng. Một phương pháp hiện đại đang được áp dụng phổ biến là siêu âm đàn hồi gan (FibroScan) – phương pháp không xâm lấn giúp đánh giá độ cứng của gan và mức độ nhiễm mỡ.
Dựa trên kết quả siêu âm đàn hồi, gan nhiễm mỡ được phân độ như sau: S0 (bình thường, 0-10% tế bào gan nhiễm mỡ), S1 (nhẹ, 11-33%), S2 (vừa, 34-66%), và S3 (nặng, 67-100%). Phát hiện gan nhiễm mỡ ở giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị nếu người bệnh thay đổi lối sống kịp thời. Bác sỹ Diệp khuyến cáo: nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế đường, dầu mỡ, thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn. Việc tăng cường vận động cũng đóng vai trò then chốt. Chỉ cần tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày với các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc yoga là đã có thể cải thiện đáng kể sức khỏe gan.
Đối với người thừa cân, giảm cân khoa học có thể cải thiện đáng kể tình trạng gan. Cụ thể, giảm 3-5% trọng lượng cơ thể giúp giảm nhiễm mỡ gan; giảm 5-7% giúp cải thiện tình trạng viêm gan; giảm hơn 10% có thể đảo ngược quá trình xơ hóa.
Ngoài ra, cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và duy trì khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao. Việc tầm soát gan định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu nguy cơ ung thư gan và các biến chứng nguy hiểm khác.
Gan nhiễm mỡ tưởng như là một bệnh “nhẹ”, nhưng nếu không được quan tâm và kiểm soát đúng cách, hậu quả để lại có thể rất nghiêm trọng. Phát hiện sớm và thay đổi lối sống là giải pháp hiệu quả để bảo vệ lá gan – cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể khỏi những diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm.
Ho kéo dài, cụ bà không ngờ nguyên nhân từ mảnh kim loại mắc sâu trong họng
Một cụ bà 79 tuổi bị ho kéo dài suốt nhiều tuần, không rõ nguyên nhân. Sau khi thăm khám tại bệnh viện, các bác sỹ phát hiện nguyên nhân bất ngờ đến từ một mảnh kim loại nhỏ mắc sâu trong khe amidan.
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 11/4 cho biết, bệnh nhân là bà N.T.T. (79 tuổi, trú tại Nam Định). Bà nhập viện trong tình trạng ho kéo dài nhiều tuần không dứt, dù không có các biểu hiện điển hình của bệnh lý hô hấp như sốt, đau họng hay nhiễm trùng đường hô hấp. Bà chỉ cảm thấy đau mơ hồ vùng mang tai trái mỗi khi nuốt, nhưng không rõ nguyên nhân.
Trước đó, cụ bà đã tự mua và sử dụng nhiều loại thuốc ho nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Các cơn ho kéo dài không chỉ khiến bà mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống và giấc ngủ.
Tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chỉ định nội soi để tìm nguyên nhân sâu hơn. Kết quả nội soi bất ngờ cho thấy có một dị vật là đoạn kim loại nhỏ, sắc, cong nhẹ như sợi dây, nằm sâu trong khe amidan trái - một vị trí rất khó quan sát bằng mắt thường.
Ngay sau đó, các bác sỹ đã tiến hành nội soi và gắp dị vật ra ngoài thành công. Sau khi dị vật được lấy ra, cơn ho biến mất hoàn toàn. Sức khỏe của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, ăn uống và giấc ngủ cũng ổn định trở lại.
Bác sỹ Trịnh Thùy Liên, chuyên khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết, dị vật đường tiêu hóa trên, đặc biệt là các dị vật nhỏ, sắc nhọn, hoàn toàn có thể ẩn mình trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng. Đối với người cao tuổi, phản xạ ho và nuốt suy giảm theo thời gian, nên việc phát hiện dị vật trở nên khó khăn hơn nhiều.
Cũng theo bác sỹ Liên, những triệu chứng như ho kéo dài, cảm giác vướng họng, hoặc nghẹn nhẹ khi nuốt dù không rõ ràng vẫn có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương hoặc dị vật ở vùng hầu họng, nhất là khi triệu chứng kéo dài bất thường.
Các bác sỹ cảnh báo thêm rằng người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đang đeo răng giả, hoặc bệnh nhân có bệnh lý thần kinh là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nuốt phải dị vật mà không nhận ra. Ngoài ra, những thói quen như ăn quá nhanh, không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa cũng làm tăng nguy cơ tai nạn đường ăn uống.
Trong nhiều trường hợp, biểu hiện nuốt dị vật rất mơ hồ, chẳng hạn như ho dai dẳng sau bữa ăn, hoặc cảm giác vướng nhẹ trong cổ họng mà không kèm theo đau rát hay khó nuốt - những triệu chứng dễ bị bỏ qua.
Để phòng tránh tai nạn do dị vật đường tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện, cười đùa trong lúc ăn uống. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho kéo dài, cảm giác vướng trong cổ họng, đau một bên tai khi nuốt, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
-
Tin mới y tế ngày 12/4: Cảnh báo nghịch lý “no năng lượng, đói vi chất” của trẻ em Việt -
Hà Nội triển khai Tháng hành động vì An toàn Thực phẩm năm 2025 -
Tin mới y tế ngày 11/4: Người lớn đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2025 -
Uốn ván có thể phòng ngừa bằng vắc-xin -
Hệ lụy nguy hiểm của bóng cười: Khi niềm vui trở thành cơn ác mộng -
Phát hiện hai cơ sở hút mỡ trái phép giữa trung tâm TP.HCM -
Tin mới y tế ngày 10/4: Béo phì - kẻ thù thầm lặng của trái tim
-
Vinmec được vinh danh là Hệ thống y tế của năm
-
Cà Mau dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá thực hiện hiệu quả các FTA
-
FTA Index là động lực thúc đẩy địa phương tối ưu hóa cơ hội từ các FTA
-
Năm thứ 2 liên tiếp VPBank NEOBiz được vinh danh là Ứng dụng Ngân hàng tốt nhất
-
Uuviet Solutions và dự án 18.000 tỷ đồng: Bước tiến mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội.
-
Panasonic bàn giao Phòng thí nghiệm Giải pháp HVAC cho Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội