Thứ Tư, Ngày 16 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 15/4: Tiếp tục ghi nhận ca bệnh liên cầu khuẩn nguy kịch
D.Ngân - 15/04/2025 09:46
 
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nguyên nhân được xác định có thể liên quan đến việc người này ăn lòng lợn chưa nấu chín khoảng một tuần trước khi nhập viện.

Tiếp tục ghi nhận ca bệnh liên cầu lợn nguy kịch

Bệnh nhân là nam giới, 49 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình. Trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao 40 độ C, rét run, đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và rơi vào trạng thái mệt lả, nhức mỏi toàn thân, tụt huyết áp. Các triệu chứng diễn tiến nhanh chóng, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch.

Ảnh minh họa

Sau khi được sơ cứu tại tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển cấp cứu lên Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp.

Tại đây, các bác sỹ xác định bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn ở người (Streptococcus suis) - một loại vi khuẩn có thể lây truyền từ lợn sang người thông qua thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc qua các vết thương hở khi tiếp xúc với thịt lợn.

Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, hoại tử lan rộng ở mặt và các chi. Bệnh nhân lập tức được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, hồi sức dịch, thở máy, lọc máu và truyền các chế phẩm máu như tiểu cầu, huyết tương tươi.

Tuy nhiên, do diễn biến bệnh quá nhanh và nặng, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất xấu, nguy cơ tử vong cao. Theo bác sỹ Khiêm, bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, điếc vĩnh viễn, rối loạn ý thức, tổn thương thần kinh, hoặc suy đa tạng.

“Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người”, ThS.Đồng Phú Khiêm nhấn mạnh.

Dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan y tế, nhưng trên thực tế, các bệnh viện tuyến cuối vẫn ghi nhận không ít ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, phần lớn liên quan đến việc ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là lòng lợn và tiết canh.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên cầu khuẩn được chuyển đến.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử….

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Nhiễm liên cầu lợn ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Trên người, biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.

Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sỹ khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Khởi động nghiên cứu mới ung thư phổi

Một nghiên cứu quy mô toàn quốc nhằm cải thiện công tác ghi nhận, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi vừa chính thức được khởi động tại Việt Nam. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm gánh nặng từ căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao thứ hai tại nước ta.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi. Với tỷ lệ sống thêm sau 5 năm chỉ đạt 14,8%, ung thư phổi đang trở thành một trong những thách thức lớn của ngành y tế trong công tác điều trị và quản lý bệnh.

Phát biểu tại hội thảo khởi động nghiên cứu, GS-TS.Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia nhấn mạnh, ung thư phổi hiện là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình sàng lọc hiệu quả và hệ thống quản lý bệnh bài bản là hết sức cấp thiết.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi cấp quốc gia là một định hướng chiến lược để giảm thiểu số ca mắc và tử vong.

Theo ông, để chương trình này đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và đặc biệt là khai thác hiệu quả các dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả tầm soát và phát hiện sớm.

Tại hội thảo, nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030” đã chính thức được công bố khởi động.

Đây là nghiên cứu có quy mô lớn với sự tham gia của 8 bệnh viện lớn trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật từ AstraZeneca Việt Nam.

Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về ung thư phổi tại Việt Nam, làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách y tế, đồng thời nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân trong tương lai.

Các chuyên gia y tế nhận định, nghiên cứu nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi cung cấp được dữ liệu thực tiễn, có hệ thống, từ đó làm cơ sở để cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi – một căn bệnh có đặc điểm tiến triển thầm lặng và dễ bị chẩn đoán muộn.

Thực tế cho thấy, ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ rệt hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, đau ngực, khó thở, hoặc các biểu hiện của di căn như đau xương, sụt cân, thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, điều trị gặp nhiều khó khăn và chi phí tốn kém.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao nên chủ động tầm soát định kỳ hàng năm. Nhóm nguy cơ bao gồm: người trên 50 tuổi; người hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc dưới 15 năm; người hút thuốc từ 20 bao/năm trở lên; và những người có tiền sử ung thư phổi trong gia đình.

Việc phát hiện sớm không chỉ tăng cơ hội sống sót mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho hệ thống y tế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn khi sử dụng thuốc tránh thai

Các bác sỹ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vừa đưa ra cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng khi sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là nguy cơ hình thành huyết khối và đột quỵ.

Trong thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, thậm chí co giật, liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống.

Một trong những trường hợp điển hình là bệnh nhân nữ 33 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu dữ dội kèm theo co giật. Khai thác bệnh sử cho thấy người bệnh đã sử dụng thuốc tránh thai được khoảng ba tháng.

Các kết quả chẩn đoán hình ảnh xác định bệnh nhân bị huyết khối xoang tĩnh mạch não kèm theo xuất huyết. Dù được điều trị tích cực bằng thuốc chống đông và thuốc chống co giật, bệnh nhân vẫn để lại di chứng tê nhẹ nửa người và cần thời gian dài để phục hồi chức năng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 34 tuổi cũng đang sử dụng thuốc tránh thai và nhập viện vì tình trạng đau đầu kéo dài. Qua kiểm tra, các bác sỹ phát hiện người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch não.

May mắn thay, tổn thương chưa lan đến nhu mô não và bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn sau một tuần điều trị. Trước đó vài ngày, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng đã ghi nhận hai ca đột quỵ ở phụ nữ có liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai.

Theo các số liệu nghiên cứu, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch não ở người sử dụng thuốc tránh thai là rất đáng lưu ý. Một nghiên cứu tại Iran năm 2024 cho thấy hơn 50% phụ nữ bị huyết khối tĩnh mạch não có tiền sử dùng thuốc tránh thai, trong đó tới 70% là người dùng thuốc tránh thai thế hệ thứ hai.

Một phân tích tổng hợp được công bố năm 2015 cũng chỉ ra rằng, nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch não ở người sử dụng thuốc tránh thai cao gấp 7,59 lần so với người không sử dụng. Nguy cơ này càng tăng cao đối với người có yếu tố di truyền hoặc thói quen sống không lành mạnh.

Thành phần estrogen trong thuốc tránh thai được xác định là yếu tố thúc đẩy hình thành huyết khối do làm tăng nồng độ các yếu tố đông máu như fibrinogen và prothrombin, đồng thời làm giảm protein S - một chất có vai trò ức chế đông máu tự nhiên trong cơ thể.

Đặc biệt, ở những người mang đột biến gen di truyền như Factor V Leiden, nguy cơ hình thành huyết khối khi sử dụng thuốc tránh thai có thể tăng gấp 20 đến 30 lần. Những phụ nữ dưới 35 tuổi, hút thuốc lá, thừa cân, có tiền sử huyết khối hoặc đột quỵ cần hết sức thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.

ThS.Đinh Trung Hiếu, bác sỹ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo rằng, thuốc tránh thai là công cụ hiệu quả và thiết yếu trong việc kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên cần được sử dụng đúng cách, đúng đối tượng.

Ông nhấn mạnh, trong quá trình sử dụng thuốc nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau đầu tăng dần, đau tăng về đêm, không đáp ứng với thuốc giảm đau, có biểu hiện co giật bất thường, ý thức không tỉnh táo thì cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, khi thăm khám cần thông báo đầy đủ cho bác sỹ về loại thuốc đang sử dụng, thời gian dùng thuốc và các yếu tố nguy cơ đi kèm để được tư vấn chính xác.

Để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm, bác sỹ khuyên người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc rối loạn đông máu.

Phụ nữ có kế hoạch sử dụng thuốc tránh thai nên được tư vấn kỹ lưỡng bởi bác sỹ chuyên khoa, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh như uống đủ nước, không nhịn ăn, hạn chế thuốc lá và rượu bia. Với những người có người thân trong gia đình từng bị huyết khối, đột quỵ hoặc bệnh lý di truyền liên quan đông máu, cần cân nhắc xét nghiệm tầm soát gen trước khi dùng thuốc.

Thuốc tránh thai sẽ thực sự an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách và dưới sự theo dõi y tế. Tuyệt đối không nên chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc theo lời khuyên không chính thống. Lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp và kiểm tra sức khỏe định kỳ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn là cách chủ động phòng tránh các tai biến y khoa đáng tiếc có thể xảy ra.

Đi khám viêm dạ dày, phát hiện ung thư nguy hiểm

Một thiếu nữ 15 tuổi đến khám vì nghi viêm dạ dày, không ngờ được phát hiện có khối u quái buồng trứng hai bên kích thước lớn, chứa cả xương, tóc và răng.

Trước đó, bé Tr. nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài ba ngày, sốt nhẹ, tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi. Gia đình cho biết bé thường xuyên đau bụng, tự mua thuốc điều trị tại nhà. Khi thăm khám, bên cạnh các dấu hiệu nghi ngờ viêm dạ dày, bác sỹ phát hiện một khối lớn ở vùng bụng dưới. Siêu âm ngay sau đó phát hiện hai khối u buồng trứng hai bên, bên trong có cấu trúc bất thường như xương, tóc, răng.

Bác sỹ CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chỉ định chụp CT bụng để xác định chính xác. Kết quả cho thấy có hai khối u vùng hạ vị, mỗi bên kích thước lên đến 12x12 cm. Bác sỹ chẩn đoán đây là u quái buồng trứng (hay còn gọi là u bì buồng trứng), một loại u phát triển từ tế bào mầm nguyên thủy của buồng trứng.

“Trường hợp của bệnh nhi ghi nhận có mô xương, tóc, răng phát triển hoàn chỉnh nên nhiều khả năng là u quái trưởng thành, tiên lượng lành tính,” bác sỹ Vũ cho biết. Tuy nhiên, do u xuất hiện ở cả hai bên và có kích thước lớn, bệnh nhi vẫn được làm xét nghiệm máu kiểm tra dấu ấn ung thư may mắn kết quả bình thường.

Điều đáng mừng là buồng trứng được bảo tồn, giúp bệnh nhi giữ được chức năng nội tiết và khả năng sinh sản trong tương lai.

Theo kế hoạch ban đầu, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi - phương pháp phổ biến để bóc tách u quái. Tuy nhiên, khi đưa ống kính soi vào ổ bụng, các bác sỹ phát hiện hai khối u quá lớn, chiếm trọn ổ bụng, không đủ không gian thao tác nội soi. Ê-kíp quyết định chuyển sang mổ hở với đường rạch tương tự phẫu thuật lấy thai.

Ca mổ kéo dài 120 phút, các bác sỹ đã bóc tách hoàn toàn hai khối u, bảo tồn tối đa mô lành của buồng trứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, ăn uống bình thường và được xuất viện sau ba ngày chăm sóc hậu phẫu. Mẫu u được gửi đi giải phẫu bệnh, kết luận lành tính.

Bác sỹ Vũ cho biết, buồng trứng của trẻ em có kích thước rất nhỏ (dài 3 cm, rộng 1,5 cm, dày 2,5 cm), nên khi u phát triển quá lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận hoặc gây xoắn buồng trứng - tình trạng cấp cứu nguy hiểm. Nếu không can thiệp kịp thời, buồng trứng bị hoại tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản và nội tiết sau này.

Theo bác sỹ, u buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa do biểu hiện không rõ ràng. Một số trường hợp chỉ phát hiện khi u gây biến chứng như xoắn hoặc đau bụng cấp.

Bác sỹ Vũ khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là siêu âm ổ bụng, để sớm phát hiện bất thường. Khi trẻ có biểu hiện như đau bụng kéo dài, bụng to lên bất thường, cảm giác nặng vùng bụng dưới, cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư