Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 17/8: Không chủ quan với các dấu hiệu bệnh thông thường
D.Ngân - 17/08/2024 09:13
 
Người phụ nữ 46 tuổi phát hiện mắc ung thư cổ tử cung từ dấu hiệu bệnh tưởng chừng là thông thường.

Cảnh giác dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Bệnh nhân nữ N. T. T. (46 tuổi, Bắc Ninh) được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung từ dấu hiệu viêm nhiễm thông thường. Trường hợp này được đánh giá phát hiện ở giai đoạn khá muộn, các tế bào ung thư đã lan từ cổ tử cung đến 2/3 phía trên của âm đạo. Bệnh nhân được đội ngũ y bác sỹ tại Medlatec tư vấn hướng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Để ngăn ngừa bệnh lý này hiệu quả, cần thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, tiêm phòng vắc-xin HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung.

Bác sỹ Nguyễn Thị Phượng, chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ, cùng với chị T., có không ít trường hợp đến Hệ thống Y tế Medlatec thăm khám vô tình, hoặc đi khám chỉ xuất hiện triệu chứng mơ hồ nhưng lại phát hiện mắc các bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.

Thực tế, giai đoạn đầu ung thư cổ tử cung thường tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện nếu không thăm khám phụ khoa định kỳ.

Chị em phụ nữ khi thấy một trong những triệu chứng bất thường cần tới khám bác sỹ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác có mắc ung thư cổ tử cung hay không. Tuyệt đối không được thờ ơ và bỏ qua các triệu chứng khiến ung thư phát triển sang giai đoạn nặng hơn, giảm cơ hội điều trị thành công.

Bác sỹ Phượng khuyến cáo, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa rất phổ biến. Để ngăn ngừa bệnh lý này hiệu quả, cần thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, tiêm phòng vắc-xin HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm HPV là một trong những công cụ đầu tay được chỉ định để tầm soát ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, muốn phòng ngừa ung thư cổ tử cung, chị em cần giữ thói quen giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn, xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học.

Nhưng điều quan trọng nhất để tránh được ung thư vẫn là thái độ cẩn trọng, quan tâm đúng mực đến sức khỏe phụ khoa và thay đổi tâm lý e ngại khám, tầm soát định kỳ của chị em phụ nữ.

Cảnh giác với dị vật thuốc nguyên vỏ trong đường tiêu hóa trên

Ngày 13/8/2024, Khoa Nội soi tiêu hoá (A3D), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân mắc dị vật là viên thuốc còn vỏ ở 1/3 giữa thực quản. Các y bác đã nhanh chóng nội soi và xử lý kịp thời.

Bệnh nhân V.T 54 tuổi, đến từ Hà Nội do sơ ý đã uống 4 viên thuốc trong đó có 1 viên thuốc còn nguyên vỏ. Sau khi uống, bệnh nhân có cảm giác mắc nghẹn và đau ở vùng cổ.

Mặc dù cố gắng ăn thức ăn để viên thuốc trôi xuống nhưng không nuốt được và nôn. Bệnh nhân đã đến khám tại bệnh viện tuyến huyện, nội soi phát hiện có 1 viên thuốc nguyên vỏ sắc cạnh, mắc ở 1/3 giữa thực quản nhưng không can thiệp lấy ra được.

Vì vậy, người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng đau dữ dội vùng dọc xương ức, kèm theo nuốt vướng và đau, khó thở. Khoa Nội soi tiêu hóa thực hiện nội soi và thấy 1 viên thuốc còn vỏ kích thước 3cmx 2,5cm, hai đầu sắc nhọn cắm sâu vào hai thành thực quản gây phù nề xung huyết và chảy máu.

Ê kíp đã nhanh chóng tiến hành lấy thành công viên thuốc ra khỏi thực quản một cách an toàn. Sau khi can thiệp, bệnh nhân giảm nhiều các triệu chứng nuốt đau, vướng, đau ngực, khó thở.

Bác sỹ Nguyễn Văn Cảnh, Khoa Nội soi tiêu hóa (A3D), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, hàng năm, khoa Nội soi tiêu hóa gặp khoảng 100-120 trường hợp mắc dị vật trong đường tiêu hóa trên, như bàn chải đánh răng, vỏ thuốc, tai nghe Bluetooth, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương,… hoặc có thể là dị vật bã thức ăn.

Nguyên nhân do sự sơ ý của bệnh nhân nuốt phải, hoặc do thói quen ăn không nhai kỹ thức ăn có chất xơ, tanin nhiều (măng, hồng xiêm xanh, hỗn hợp tam thất mật ong bột nghệ thô...).

Với nhóm dị vật là vật dụng, thường các bệnh nhân đến khám ngay sau khi nuốt phải. Nhưng với những trường hợp không rõ nuốt dị vật, hoặc bị dị vật bã thức ăn nhiều ngày tạo thành, bệnh nhân thường có triệu chứng đau thượng vị, đầy bụng, nôn, hoặc gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột.

Người dân nên cẩn trọng trước khi uống thuốc, liều dùng, đặc biệt chú ý đến những loại thuốc cắt lẻ đã được bóc vỏ hay chưa, tránh tình trạng bị hóc dị vật. Nếu sơ ý nuốt phải thuốc hay các dị vật khác thì nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng kịp thời.

Cứu sống người bệnh 2 lần ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp

Người bệnh 50 tuổi đến từ Thanh Thủy - Phú Thọ được Trung tâm y tế tuyến huyện chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, glasgow 7 điểm, huyết động phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao.

Được biết, người bệnh có dấu hiệu choáng, ngất được đưa vào Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy. Tại đây, khi các bác sỹ đang thực hiện các biện pháp thăm khám cấp cứu người bệnh xuất hiện ngừng tim và đã được cấp cứu kịp thời, sau 20 phút có tim đập trở lại (thông tin từ Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy).

Sau khi áp dụng các biện pháp hồi sức và ổn định được người bệnh, Trung tâm đã liên hệ và chuyển người bệnh lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ bằng xe cứu thương và có kip hồi sức hỗ trợ khi vận chuyển.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được tiếp nhận vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốc nặng, glasgow 7 điểm, thở theo máy, huyết động phụ thuộc vào 2 thuốc vận mạch liều cao.

Ngay trong 20 phút đầu tiên khi đang được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, và các bác sỹ đang hội chẩn với chuyên khoa tim mạch thì người bệnh tiếp tục xảy ra ngừng tim lần 2. Ngay lập tức, các bác sỹ của khoa đã thực hiện các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn: Ép tim, sốc điện,…, sau 10 phút, tim đập trở lại.

Lúc này, tình trạng người bệnh vẫn rất nặng, các bác sỹ hồi sức và Can thiệp tim mạch, cấp cứu tim mạch nghi ngờ người bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh đã được chụp mạch vành xác định có nhồi máu cơ tim tại vị trí LAD II và được đặt 1 stent.

Sau đặt stent mạch vành, người bệnh tiếp tục được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch liều cao hỗ trợ huyết động và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu, theo dõi huyết động bằng Pico…

Sau thời gian hồi sức và điều trị tích cực 9 ngày, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, nhịp tim và huyết áp ổn định. Người bệnh tiếp tục được điều trị và theo dõi duy trì bởi 2 chuyên khoa Hồi sức và Tim mạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư