Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 20/2: Hà Nội chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng tăng cao ca mắc cúm và sởi
D.Ngân - 20/02/2025 10:14
 
Trước nguy cơ gia tăng ca mắc cúm mùa và sởi, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo công tác tiếp nhận bệnh nhân, giảm thiểu tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Hà Nội chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng tăng cao ca mắc cúm và sởi

Ngày 19/2, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 539/UBND-KGVX, về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây qua đường hô hấp.

Ảnh minh họa.

Công văn được gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở ngành liên quan, các bệnh viện công và tư trên địa bàn, cùng các UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo dự báo, hiện tại đang vào mùa Đông-Xuân, với khí hậu gió mùa và độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc cúm mùa, sởi.

Đồng thời, vào thời điểm này, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra sôi động, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, khiến nhiều khu vực công cộng, vui chơi, giải trí, khu du lịch đông đúc, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Để chủ động phòng ngừa dịch cúm mùa, sởi và các bệnh đường hô hấp, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài và nâng cao giám sát dịch bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Sở Y tế cũng được yêu cầu rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, thiết bị y tế và cơ sở vật chất để kịp thời tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, giảm thiểu các ca chuyển nặng, tử vong, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân tại các khu vực chăm sóc đặc biệt, phẫu thuật, thận nhân tạo, tim mạch… Cơ quan này cần chuẩn bị sẵn sàng phương án khi số bệnh nhân nhập viện tăng cao.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly và phòng chống nhiễm khuẩn, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo, không để xảy ra ổ dịch trong các cơ sở y tế.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh tại các trường học, UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch qua nhiều hình thức như nhóm Zalo phụ huynh/giáo viên, tiết học ngoại khóa. Học sinh mắc bệnh cần nghỉ học và cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Các trường mầm non, tiểu học cần thực hiện thông khí lớp học hàng ngày, vệ sinh khử khuẩn phòng học, nhà ăn, khu vực vui chơi, và phối hợp với các cơ sở y tế để kiểm tra tiêm chủng đầy đủ cho học sinh.

Các Sở Văn hoá và Thể thao, Du lịch, Công Thương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với ngành y tế để tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực đông người như khu công nghiệp, địa điểm du lịch, chợ, siêu thị và các khu công cộng.

UBND các quận, huyện, thị xã cần giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng phương án ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác tiêm chủng và kiểm tra công tác phòng chống dịch.

Phát triển chuyên sâu các kỹ thuật về răng hàm mặt, vươn tầm quốc tế

PGS-TS.Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương và Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cho biết, Bệnh viện đã xây dựng 10 kỹ thuật mũi nhọn, nhiều trong số đó ngang tầm thế giới, như: kỹ thuật vi phẫu, phẫu thuật chỉnh hình xương, ứng dụng công nghệ 3D…

Các kỹ thuật này đã trở thành thường quy, góp phần giữ chân bệnh nhân, thu hút cả người nước ngoài và Việt kiều về Việt Nam khám chữa bệnh.

Trong năm 2024, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã được Bộ Y tế cấp phép chuyên môn là bệnh viện chuyên sâu. Sáng kiến đặt nội khí quản dưới cằm đã được áp dụng một cách hiệu quả trong gây mê và phẫu thuật hàm mặt.

Bệnh viện đã nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng, đạt được nhiều thành tích trong công tác dự phòng và mở rộng đối tượng chăm sóc, đặc biệt là trẻ em mầm non, người cao tuổi và học sinh nha học đường.

Bệnh viện hiện đang được cộng đồng răng hàm mặt trong và ngoài nước đánh giá cao. Các hoạt động khám chữa bệnh từ xa cũng đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.

Đồng thời, bệnh viện cũng thực hiện các chương trình khám, tư vấn và phẫu thuật nhân đạo cho hàng nghìn trẻ em bị dị tật khe hở môi và vòm miệng.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử đạt mức 6/7, không dùng tiền mặt, và hướng tới trở thành bệnh viện thông minh vào năm 2026. Bệnh viện cũng đặt mục tiêu trở thành cơ sở chuyên khoa chuyên sâu kỹ thuật cao vào năm 2027.

Đánh giá cao những thành tựu của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm qua, bệnh viện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp to lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng cho nhân dân và nâng cao chất lượng điều trị. Bệnh viện không chỉ là cơ sở y tế điều trị, chăm sóc sức khỏe mà còn là nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học và phòng ngừa bệnh răng miệng cho cộng đồng.

“Bệnh viện đã tiên phong trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới, thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công tác y tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các phương pháp điều trị tiên tiến như phẫu thuật thẩm mỹ, cấy ghép implant và điều trị các bệnh lý phức tạp đã giúp nâng cao chất lượng điều trị, giảm đau đớn và thời gian phục hồi cho bệnh nhân,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị bệnh viện tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế. Bệnh viện cần cải tiến quy trình khám bệnh để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả yêu cầu của người dân, từ đó nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân.

Thứ trưởng cũng khuyến khích bệnh viện tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào điều trị và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe răng miệng. Về chỉ đạo tuyến, bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò đầu ngành trong lĩnh vực răng hàm mặt, tích cực chuyển giao kiến thức cho tuyến dưới, nâng cao năng lực y tế cho các địa phương, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu bệnh viện đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cơ sở 2 để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ nhân dân.

Khám ung thư tuyến giáp phát hiện lỗ thông lớn trong tim

Chị M. 52 tuổi, đang điều trị ung thư tuyến giáp, tình cờ phát hiện lỗ thông liên nhĩ lớn. Chị được phẫu thuật cắt tuyến giáp và can thiệp đóng lỗ thông liên nhĩ.

chị Mai chưa từng khám sức khỏe tim mạch, không có triệu chứng liên quan đến bệnh tim. Chị đến khám tuyến giáp và được đánh giá nhân giáp TIRAD 5-6 (nguy cơ ác tính cao), sinh thiết chọc kim nhỏ FNA chẩn đoán ung thư tuyến giáp, và chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.

Khi thực hiện siêu âm tim tiền phẫu, bác sỹ phát hiện chị Mai có lỗ thông liên nhĩ lớn, gây ảnh hưởng đến chức năng tim, với tâm nhĩ và tâm thất bên phải phì đại và tăng áp lực động mạch phổi mức độ trung bình đến nặng. Kích thước lỗ thông là 25×17 mm.

Theo bác sỹ, thông liên nhĩ xảy ra khi vách ngăn giữa nhĩ trái và nhĩ phải có lỗ thủng, khiến máu giàu oxy từ bên trái của tim chảy sang trộn lẫn với máu nghèo oxy ở bên phải. Điều này làm tim phải phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu lên phổi, lâu dài dẫn đến giãn buồng tim phải, suy tim và loạn nhịp.

TS.Nguyễn Anh Dũng, người điều trị cho bệnh nhân cho biết, phẫu thuật cắt tuyến giáp cho bệnh nhân có thông liên nhĩ lớn kèm tăng áp phổi là một thử thách lớn, đặc biệt trong quá trình gây mê.

Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim, hạ huyết áp và tăng áp phổi. Về hô hấp, có nguy cơ suy hô hấp, co thắt phế quản và tràn khí màng phổi. Các biến chứng khác như phản ứng dị ứng, tổn thương thần kinh và tác dụng phụ của thuốc cũng có thể xảy ra.

Các bác sỹ đã phối hợp chặt chẽ, tính toán lượng thuốc mê vừa phải để tránh tụt huyết áp và giảm tưới máu cơ tim, đồng thời rút ngắn thời gian phẫu thuật để hạn chế mất máu. Sau hơn một giờ, ca phẫu thuật cắt tuyến giáp thành công mà không gặp rủi ro nào.

Hai tuần sau, sức khỏe của chị Mai ổn định và bác sỹ Phúc cùng ê kíp thực hiện can thiệp đóng lỗ thông liên nhĩ. Sau khi phân tích siêu âm tim qua thực quản, bác sỹ chọn dụng cụ kích thước lớn 36 mm để đóng lỗ thông. Thủ thuật thành công sau 45 phút.

Chị Mai hồi phục nhanh và xuất viện sau một ngày. Bác sỹ Phúc đánh giá tiên lượng của chị khá tốt nhờ phát hiện kịp thời tình trạng thông liên nhĩ, ngăn ngừa biến chứng suy tim. Toàn bộ tế bào ung thư tuyến giáp đã được loại bỏ và chị sẽ tiếp tục điều trị i-ốt phóng xạ để giảm nguy cơ tái phát.

Bác sỹ Phúc cũng nhấn mạnh, thông liên nhĩ thường tiến triển âm thầm và khó chẩn đoán khi chưa có triệu chứng rõ ràng, do đó thường chỉ phát hiện ở người trưởng thành. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từng điều trị cho nhiều trường hợp phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở độ tuổi ngoài 60, thậm chí 70.

Sau can thiệp đóng lỗ thông liên nhĩ, bệnh nhân cần uống thuốc theo chỉ định, giữ vệ sinh sạch sẽ vết mổ để phòng ngừa nhiễm trùng, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tránh hoạt động gắng sức và nâng vật nặng trong vài tuần đầu.

Các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ và tập thở sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ chức năng tim mạch. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng hồi phục và phát hiện sớm các biến chứng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư