Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 20/8: Đã có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
D.Ngân - 20/08/2024 08:39
 
Theo thống kê từ Bộ Y tế, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước tích lũy từ đầu năm đến nay là 52.957, trong đó có 6 ca tử vong.

Đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết

Trong tuần qua từ ngày 6/8 - 13/8, cả nước ghi nhận ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước tích lũy từ đầu năm đến nay là 52.957, trong đó có 6 ca tử vong.

Nếu tính theo tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng…

Đẩy mạnh tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình;

Thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

Hà Nội tiếp tục gia tăng dịch ho gà, sốt xuất huyết

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 9-16/8, trên địa bàn TP.Hà Nội ghi nhận 274 ca sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước đó; thêm 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 quận, huyện. Các ca mắc tập trung nhiều tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP đã ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo kết quả giám sát tại một số ổ dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận chỉ số muỗi, bọ gây cao vượt ngưỡng nguy cơ. Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ca mắc ho gà, tăng 2 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố đã ghi nhận 222 ca mắc ho gà, tại 29 quận, huyện, thị xã.

Năm nay bệnh ho gà gia tăng đột biến, trong khi cùng kỳ năm 2023 Hà Nội không có ca bệnh ho gà nào. Bệnh nhân ho gà chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Trước tình hình các dịch bệnh vẫn gia tăng, CDC Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.

Với các bệnh có vắc-xin, ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn để có miễn dịch phòng bệnh.

Hải Phòng: Số ca mắc sốt xuất huyết vượt mốc 10.000

Thông tin từ UBND quận Hải An, TP.Hải Phòng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo địa phương vừa tổ chức kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các phường trên địa bàn.

Quận Hải An là địa phương có ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 và đứng thứ 2 trên địa bàn Tp.Hải Phòng sau quận Lê Chân.

Tính đến ngày 18/8/2024 số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn quận là 1.632 trường hợp, tập trung cao ở các phường: Đằng Lâm, Thành Tô, Cát Bi... Trong đó, phường Đằng Lâm có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với hơn 600 ca mắc.

Tuy nhiên, qua kiểm tra tại một số hộ dân, vẫn còn một số người dân chủ quan, xem nhẹ tình hình dịch, môi trường xung quanh nhà ở chưa được vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ. Bên cạnh đó, tại một số công trình xây dựng, nhà trọ chưa được quan tâm xử lý đúng mức tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trước tình hình này, lãnh đạo quận Hải An yêu cầu các phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn triển khai chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi trên địa bàn bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn, cố gắng xử lý sớm, triệt để ổ dịch, ca bệnh ghi nhận trên địa bàn, tránh bỏ sót, nhằm ngăn chặn nguồn lây, không để dịch bệnh lan rộng.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, đến hết ngày 18/8, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vượt mốc 10.000 ca (10.277 ca).

Trong số các quận, huyện, có 3 địa phương số ca mắc bệnh vượt quá 1.500, gồm: Quận Lê Chân (4.812 ca), quận Hải An (1.632 ca) và quận Ngô Quyền (1.580 ca).

Các quận, huyện còn lại, số ca nhiễm ở mức cao, gồm: Huyện An Dương (441 ca), quận Kiến An (413 ca), quận Hồng Bàng (357 ca), huyện Vĩnh Bảo (302 ca)…

Đến nay, trên địa bàn TP.Hải Phòng mới ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Lê Chân.

TP.HCM hạn chế ca nặng và tử vong do bệnh sởi

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM về tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tình hình bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM đang có diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu thấp nhất lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế TP.HCM cần khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng;

Chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin các trường hợp mắc sởi và các ổ dịch sởi theo quy định.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của đơn vị, chuẩn bị kế hoạch dự phòng và ứng phó theo các mức độ quy mô của dịch;

Ban hành các hướng dẫn quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm; sẵn sàng nguồn lực, đảm bảo đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế, tiến hành phối hợp điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi đầu tiên.

Tính đến ngày 12/8, địa bàn TP.HCM có 346 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó 3 trường hợp tử vong tại các bệnh viện.

Thống kê cho thấy, 78,4% ca bệnh sởi là trẻ dưới 5 tuổi, 66% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng sởi, 30% trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Hà Nội: Thêm 10 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
Trong tuần vừa qua, trên địa bàn TP.Hà Nội ghi nhận thêm 10 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 5 quận, huyện; số ca mắc vẫn có xu hướng tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư