Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 23/9: Quy trách nhiệm người đứng đầu khi để thiếu thuốc, vật tư y tế
D.Ngân - 23/09/2024 09:23
 
Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan.

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa ký ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Các Ban Quản lý dự án thuộc bộ y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu mua thuốc, thiết bị y tế;

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy định chỉ tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

Cùng đó, chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền rà soát quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT để sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế;

Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình đấu thầu nội bộ mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo đảm xác định rõ trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm thực hiện để áp dụng chung cho các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế và để các bệnh viện khác tham khảo, áp dụng.

Chủ trì tham mưu Bộ Y tế các giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác đấu thầu của ngành và của các đơn vị do Bộ quản lý.

Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập; thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát công tác đầu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Bộ Y tế giao Vụ Pháp chế tăng cường phổ biến pháp luật, hướng dẫn tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết (hướng dẫn điểm a, khoản 2, Điều 53 Luật Đấu thầu);

Trình Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm d khoản 2 Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; hoàn thành trong Quý III/2025.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai, kê khai lại giá vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhằm ngăn ngừa nâng giá bất hợp lý.

Cục Quản lý dược và Cục Quản lý y dược cổ truyền quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai, kê khai lại giá thuốc, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhằm ngăn ngừa nâng giá bất hợp lý;

Rà soát, đề xuất chỉnh sửa các Mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với đấu thầu thuốc, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền cho phù hợp hơn với thực tế; hoàn thành trong Quý IV/2024.

Chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc sử dụng, thay thế thuốc (ví dụ: sử dụng thuốc Nhóm 2 thay cho Nhóm 1; thuốc có nồng độ, hàm lượng thấp thay cho thuốc có nồng độ, hàm lượng cao) để phục vụ công tác tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thành trong Quý I/2025.

Cùng tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng Bộ rà soát, tham mưu Bộ Y tế cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

Thanh tra Bộ tăng cường tổ chức thanh tra về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia chủ động, kịp thời mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và các trường hợp cần mua sắm tập trung khác theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu (thuốc kháng HIV/AIDS, thuốc điều trị lao...), bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

Chủ động, kịp thời tổ chức đàm phán giả đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo danh mục đàm phán giá theo nhiệm vụ được Bộ Y tế giao tại Quyết định số 2331/QĐ-BYT ngày 07/8/2024.

Thông báo thường xuyên kế hoạch, tiến độ mua sắm tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí. Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch.

Đối với người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh...

Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.

Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

Đồng thời, có biện pháp, cơ chế xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong đấu thầu tại các cơ sở y tế; không để chậm trễ kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đấu thầu cho các cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu, mua sắm.

Thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.

Phát hiện mắc viêm cơ tim với triệu trứng sốt

Nam bệnh nhân ở TP.HCM bị đau họng, nhói ngực trái khi hít sâu hoặc thay đổi tư thế. Nghĩ mình mắc Covid-19, anh tự mua thuốc uống 5 ngày, triệu chứng giảm. Anh tưởng bệnh đã khỏi nên sinh hoạt bình thường, thậm chí còn đi nhậu với bạn bè.

Về nhà, anh đau ngực từng cơn, nhiệt độ cơ thể vẫn xấp xỉ 38-39 độ. Đi khám tại cơ sở y tế, anh được làm xét nghiệm sốt xuất huyết cho kết quả âm tính. Bác sỹ chẩn đoán anh sốt siêu vi, cho uống thuốc kháng sinh. Sau một ngày, tình trạng không cải thiện, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám.

Bác sỹ nội trú Phạm Công Danh, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho hay bệnh nhân nhập viện trong trạng thái đau nhói ngực khi hít thở sâu, nhịp tim rất nhanh (110 lần/phút). Siêu âm tim thấy tràn dịch màng ngoài tim mức độ trung bình.

Sau khi làm các cận lâm sàng loại trừ nguyên nhân do nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi và bóc tách động mạch chủ, bác sỹ chẩn đoán anh Phong mắc bệnh lý viêm màng ngoài tim cấp.

Đây là tình trạng màng ngoài tim bị viêm, tăng tiết dịch trong khoang màng ngoài tim, đòi hỏi phải điều trị kịp thời để tránh các biến chứng chèn ép tim cấp và biến chứng lâu dài như viêm màng ngoài tim co thắt.

Nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng tim là viêm màng ngoài tim do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, bệnh lao, nấm, nhiễm HIV…), bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, ung thư di căn, sau chấn thương (sau mổ tim, chấn thương ngực kín), sau nhồi máu cơ tim và đôi khi là vô căn.

Bệnh nhân đã tầm soát ung thư không phát hiện bất thường, xét nghiệm lao kết quả âm tính. Người bệnh có kèm triệu chứng sốt, đau cơ, mệt mỏi, nhói ngực trước đó một tuần nên bác sỹ Danh kết luận nhiều khả năng anh thuộc nhóm 90% trường hợp viêm màng ngoài tim do nhiễm siêu vi trước đó.

Màng tim gồm hai lớp, ở giữa có một ít dịch bôi trơn giúp cho hai lớp này giảm cọ sát và có thể trượt lên nhau mỗi khi tim co bóp. Tràn dịch màng tim xảy ra khi có nhiều dịch tích tụ giữa hai lớp bao màng ngoài tim, nếu nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng chức năng tim khiến người bệnh khó thở, sốc, tụt huyết áp.

Lúc này cần thực hiện chọc hút dịch màng ngoài tim để làm giảm áp lực trong khoang màng ngoài tim nhanh chóng. Từ đó, giảm áp lực ép lên tim (hiện tượng chèn ép tim cấp), giúp tim quay trở lại hoạt động bình thường.

ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không bị tụt huyết áp, không sốc tim.

Vì thế, bác sỹ quyết định chưa chọc hút dịch mà điều trị bằng thuốc kháng viêm. Sau một ngày, anh Phong hết đau ngực 50%. Sau ba ngày, bệnh nhân cải thiện triệu chứng đến 80-90%, không còn đau ngực, ăn uống tốt, nhịp tim về mức 80-90 lần/phút. Siêu âm kiểm tra lại, dịch màng tim giảm nhiều cho thấy tình trạng viêm cải thiện đáng kể.

Năm ngày sau, bệnh nhân xuất viện, được kê toa thuốc kháng viêm trong ít nhất một tháng. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi dịch màng tim và tình trạng viêm khi tái khám một tuần sau.

Có hai dạng viêm màng ngoài tim: Cấp tính (triệu chứng khởi phát đột ngột nhưng không kéo dài) và mạn tính (triệu chứng kéo dài trên 3 tháng). Viêm màng ngoài tim cấp tính có biểu hiện tương tự với nhiều bệnh tim và phổi khác như viêm phổi, nhồi máu cơ tim… nên dễ gây chẩn đoán nhầm, làm chậm trễ quá trình điều trị.

Kết quả là bệnh tiến triển thành mạn tính, gây biến chứng dày màng ngoài tim, hạn chế khả năng co giãn của trái tim. Điều này làm cho tim mất tính đàn hồi, hoạt động không hiệu quả, biểu hiện bằng triệu chứng khó thở nghiêm trọng, sưng chân, cổ trướng (ứ đọng nhiều dịch trong ổ bụng).

Bác sỹ Kiều nhấn mạnh, việc đi khám sớm khi xuất hiện dấu hiệu nghi viêm màng ngoài tim giúp chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Hầu hết các trường hợp đáp ứng tốt với điều trị nội khoa có thể khỏi bệnh trong vài tuần đến ba tháng. Trong thời gian chữa trị, bệnh nhân lưu ý nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động mạnh, không nên tự ý uống thuốc không được kê toa hoặc bỏ thuốc, tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi.

Nhiều người nhập viện ở Bắc Kạn là do nhiễm khuẩn tụ cầu

Sở Y tế Bắc Kạn vừa thông tin, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy, nguyên nhân dẫn đến gần 70 người phải nhập viện điều trị với các triệu chứng giống nhau là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn tụ cầu.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho thấy, trong các mẫu bệnh phẩm phát hiện vi khuẩn tụ cầu (S.aureus). Tuy nhiên, hiện chưa xác định được đâu là nguồn lây vi khuẩn tụ cầu tới các người bệnh. Hiện ngành Y tế Bắc Kạn đang tiếp tục điều tra, xác định nguồn lây để xử lý triệt để.

Trước đó, vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 20/9, tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đã có một số học sinh xuất hiện các biểu hiện: sốt, đau đầu, buồn nôn.

Đến 17 giờ cùng ngày, đã có 49 học sinh cùng mắc các biểu hiện nói trên. Ngay sau khi nhận thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm.

Đến sáng ngày 21/9, số người xuất hiện các triệu chứng như trên đã tăng lên 69 trường hợp. Trong đó, có 29 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; 25 trường hợp điều trị tại Trung tâm y tế thành phố; các trường hợp còn lại theo dõi, điều trị tại nhà.

Trong ngày 21/9, UBND thành phố đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu Trung tâm y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; chuẩn bị tốt điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân; phối hợp cơ quan chức năng tìm nguyên nhân.

Hiện tại, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định. Sở Y tế Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân.

Lại thiếu thuốc, người bệnh phải mua ngoài
Thuốc GH đang được Bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh đồng chi trả song hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương thuốc vẫn đang thiếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư