Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 24/1: Bệnh nhân nhập viện vì giá rét tăng
D.Ngân - 24/01/2024 09:26
 
Thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy những ngày vừa qua lượng bệnh nhân nhập viện do giá rét tăng cao, trong đó đa phần là do người dân chủ quan không đảm bảo cơ thể đủ ấm.

Gia tăng bệnh nhân nhập viện

Trong những ngày giá rét, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Điều đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể.

Chuyên gia khuyến cáo thời tiết lạnh người dân cần giữ ấm cơ thể để bảo vệ sức khỏe.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trưởng khoa Thần kinh, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Có đến 70-80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.

Nhiều người trẻ vừa tắm xong đã ra ngay khu vực không kín gió. Hay có trường hợp tập thể dục buổi sáng nhưng ăn mặc phong phanh rồi bị nhiễm lạnh… cũng dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.

Thời tiết như hiện nay, khi ra đường, người dân nên mặc ấm và không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Khi tắm xong phải lau khô người và mặc ngay quần áo ấm.

Số bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tăng hơn bình thường.

Theo chuyên gia, vào những ngày trời lạnh, dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C), khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá…

Thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác.

Bên cạnh đột quỵ, thời tiết lạnh còn dễ khiến các bệnh lý tim mạch trở nặng nếu người bệnh không có chế độ chăm sóc hợp lý.

Các nghiên cứu cho thấy, trời lạnh có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người lớn tuổi. Trung bình, tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện do suy tim tăng 0,7% khi nhiệt độ giảm 1 độ C.

Để giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, giảm áp lực, căng thẳng kéo dài, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tránh thừa cân - béo phì… Đối với những người có bệnh lý nền, cần tuân theo phác đồ điều trị kết hợp tái khám định kỳ.

Hệ lụy của lạm dụng rượu bia

TS.Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, buồn nôn, huyết áp cao.

Người đàn ông này có tiền sử tăng huyết áp 5 năm, phải dùng thuốc thường xuyên. Cận Tết, với cương vị là trưởng phòng kinh doanh, anh phải thay mặt công ty dự nhiều bữa tiệc cuối năm.

Ngoài tất niên công ty, gặp gỡ đối tác, anh cũng tranh thủ hẹn bạn bè khi bước sang năm mới. Mỗi buổi tiệc anh đều uống rượu bia rất nhiều, lần nào cũng về nhà trong tình trạng say xỉn. Lần này khi uống gần 30 cốc bia, anh xây xẩm mặt mày, ngất luôn.

Sau khi được điều trị tích cực, người bệnh qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Ngọc, mạch máu não thường bị giãn do tác dụng rượu bia. Huyết áp tăng đột biến sau uống bia rượu rất dễ gây biến chứng tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh có triệu chứng như yếu liệt, méo miệng, hôn mê cần nhập viện để theo dõi và xử trí cấp cứu.

Trường hợp nam bệnh nhân trên có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ tai biến mạch máu não càng cao và phải theo dõi sát, bỏ rượu bia.

Trong dịp Tết, mọi người nên hạn chế rượu bia, nếu phải uống cần dùng lượng vừa phải. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị.

Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bằng 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330ml (5%), một cốc rượu vang 100ml (13,5%), một cốc bia hơi 330ml hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).

Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội, nếu tính một đơn vị cồn (tương đương một chén rượu mạnh 30ml) thì người uống nhiều hơn hai đơn vị cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ.

Người mắc bệnh nền điều trị bằng thuốc chưa đủ, cần phải kết hợp chế độ dinh dưỡng. Không chỉ người có bệnh nền mà cả người khỏe mạnh cũng phải tuân thủ nguyên tắc ăn uống đủ (không thừa, không thiếu), hạn chế rượu bia tránh bị rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Người bị tăng huyết áp hay mắc các bệnh nền cần điều chỉnh chế độ ăn uống như ăn nhạt, ít mỡ và đường, hạn chế thịt đỏ, bia rượu, cần tăng cường các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi.

Xử nghiêm tình trạng đầu cơ tăng giá thuốc

Bộ Y tế yêu cầu các cơ Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn ứng bảo đảm cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hoá chất, thiết bị y tế, oxy cho cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc đột biến.

Tại Chỉ thị của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24h.

Đặc biệt, bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý Dược chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, TP, bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông-Xuân như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa...

Đồng thời, chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, TP phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc đột biến trong dịp Tết.

Tăng bệnh nhân nhập viện do giá rét kéo dài
Theo thông tin từ một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, số người nhập viện do ảnh hưởng của giá rét tăng khá cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư