Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 2/5: Nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử do đắp lá vào vết thương
D.Ngân - 02/05/2024 08:46
 
Vừa qua, đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam người bệnh (17 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng trên cánh tay, bàn tay xuất hiện nhiều vết thương.

Gánh họa vì tự điều trị bệnh

Đặc biệt, sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây và tự ý đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian khiến cho vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho người bệnh.

Ths.Nguyễn Phú Tiến, Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng xuất hiện vết thương vùng cẳng tay, ngón I và III bàn tay phải do tai nạn sinh hoạt. Vết thương xuất hiện dịch đục, tấy đỏ quanh mép vết thương, có nhiều dị vật lá cây được đắp trên vết thương.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành khám lâm sàng đánh giá mức độ nguy hiểm của vết cắt trên cánh tay của người bệnh. May mắn người bệnh vận động được cổ bàn tay, ngón tay.

Các bác sĩ nhanh chóng loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và khẩn trương lên phác đồ điều trị cho người bệnh; hẹn thay băng hàng ngày tại bệnh viện để theo dõi và đánh giá vết thương nhằm tầm soát các biến chứng nguy hiểm…

Ảnh minh hoạ.

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh bị thương do mảnh kính vỡ rơi vào tay nhưng thay vì đến bệnh viện, người nhà lại áp dụng các phương thức dân gian: nhai, đắp lá cây không rõ nguồn gốc hoặc bôi mật gấu, rượu ngâm… với hi vọng người bệnh sẽ khỏi.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng các phương pháp dân gian trên, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn. Vết thương chảy mủ, sưng nề, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động… Lúc này, gia đình mới vội vàng đưa người bệnh đến Bệnh viện E để kiểm tra, điều trị.

Ths.Nguyễn Phú Tiến khuyến cáo, người bệnh khi gặp những tai nạn gây vết thương chảy máu nên tìm khăn, vải hoặc quần áo sạch băng bó vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc; tránh dùng những vật liệu bẩn (lá cây, thuốc lào, cát…) đắp vào vết thương dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do có dị vật bẩn trong vết thương,thậm chí dẫn đến việc phải cắt cụt chi và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh.

Theo Ths.Nguyễn Phú Tiến, chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc xử lý các vết thương tại nhà bằng phương pháp dân gian không kiểm chứng khoa học như đắp các loại thuốc lá vào vị trí vết thương, có thể làm các tổn thương diễn biến nặng và trở nên phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt có trường hợp tổn thương gân, mạch máu, thần kinh bị bỏ sót gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.

Nguy hiểm bệnh nấm tai ở người lớn

Người lớn tuổi suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị các vi nấm tấn công và phát triển nhanh trong tai, tiến triển bệnh nặng hơn so với người bình thường.

Bà H.T.P. (86 tuổi, Kiên Giang) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám trong tình trạng chảy dịch tai phải, ngứa tai. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 5 ngày trước khi khám.

Cách đây 3 năm, bà P. từng được chẩn đoán viêm tai giữa thủng nhỉ ở bệnh viện địa phương. Bà điều trị nội khoa, bệnh cải thiện. Bà không phẫu thuật vá nhĩ. Gần đây, tai bà chảy dịch nhiều hơn, ráy tai ướt, ngứa tai gây khó chịu nên bà đi khám.

Qua khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và nội soi tai, thạc sĩ bác sĩ CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán bà P. bị viêm tai giữa thủng nhĩ phải bội nhiễm nấm. Bà P. được điều trị nội khoa để kháng nấm.

Tái khám sau 2 tuần, bà không còn những triệu chứng chảy dịch tai, ngứa tai, hết nấm tai.

Bác sĩ Phúc Anh cho biết, các trường hợp bị nấm tai đều có thể điều trị dứt điểm nếu người bệnh tuân thủ điều trị của bác sĩ. Phát hiện sớm giúp điều trị dễ dàng vì nấm phát triển ở giai đoạn đầu dễ loại bỏ.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, nấm ăn sâu, rộng, chảy dịch và gây thủng màng nhĩ thì việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn, cần được theo dõi và điều trị thường xuyên. Có trường hợp người bệnh phải đến bệnh viện mỗi ngày hoặc 2 ngày một lần để bác sĩ làm sạch các vi nấm, tăng hiệu quả điều trị.

Như trường hợp bà N.T.D (65 tuổi, nhà ở Phú Nhuận, TP.HCM) bị nấm tai gây thủng nhĩ. Bà phải tái khám mỗi tuần để bác sĩ theo dõi, điều trị. Bác sĩ vệ sinh tai, làm sạch nấm khỏi ống tai và sử dụng thuốc trị nấm trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Sau 5 lần tái khám, vi nấm trong tai bà đã giảm 80%. Bà được tiếp tục điều trị tại Trung tâm Tai Mũi Họng khoảng 2 tuần nữa để bệnh dứt điểm nấm tai. Bà D. không vá nhĩ.

Giải thích điều này, bác sĩ Phúc Anh cho biết: “Đối với những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, thủng nhĩ kèm nấm tai thì việc ưu tiên điều trị tình trạng nhiễm nấm và theo dõi để tránh tái phát. Bên cạnh chỉ định vá nhĩ, bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên các yếu tố như tình trạng thính lực, tuổi tác, bệnh lý nền cũng như mong muốn được phẫu thuật ở người bệnh”.

Nấm tai là tình trạng nhiễm trùng của ống tai ngoài gây ra bởi tác nhân vi nấm, thường gặp nhất là vi nấm Aspergillus và Candida, gây khó chịu dai dẳng cho người bệnh. Triệu chứng gồm ngứa tai, chảy dịch đục, có mùi hôi, đau tai, ù tai, suy giảm thính lực.

Bác sĩ Phúc Anh cho biết, trong quá trình khám bệnh, nhận thấy nhiều người lớn tuổi thường bị nấm tai. Có trường hợp người bệnh bị nấm tai kéo dài, không theo dõi điều trị dẫn đến biến chứng thủng nhĩ khiến người bệnh suy giảm thích lực.

Ở người lớn tuổi, tế bào miễn dịch giảm và sự phối hợp hoạt động của các tế bào này cũng không thật sự tốt nên bảo vệ kém trước các vi nấm gây bệnh. Vì vậy, vi nấm tấn công dễ dàng và phát triển nhanh hơn, cộng sinh với vi khuẩn, dẫn đến bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn; có thể gây nên các biến chứng như: thủng màng nhĩ, xâm lấn hoại tử xương chũm gây viêm tai xương chũm và nặng hơn có thể lan lên nội sọ gây viêm màng não.

Bác sĩ khuyến cáo đối với những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu cần phát hiện và điều trị sớm nấm tai. Do bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác nếu tiếp xúc với nấm.

Vì vậy, những người dùng chung các dụng cụ lấy ráy tai mà không được xử lý sát trùng; người tham gia các môn thể thao dưới nước (bơi, lặn…) mà không bảo vệ tai đúng cách có nguy cơ bị lây nấm tai từ người khác nhiễm bệnh.

Bác sĩ Phúc Anh khuyến cáo, nếu đang trong quá trình điều trị nấm tai, người bệnh cần giữ cho tai luôn được khô ráo, không để nước lọt vào tai vì sẽ làm tăng độ ẩm, tạo môi trường tốt cho vi nấm tái hoạt động.

Để phòng bệnh nấm tai, mọi người nên vệ sinh tai sạch sẽ và đúng cách; sử dụng nút bịt tai khi đi bơi và làm khô tai sau đó, không để nước ứ trong tai quá lâu; không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai với người khác; cẩn trọng với thói quen ngoáy tai.

Tin mới về y tế ngày 14/9: Cảnh báo nhiễm trùng huyết ở trẻ em
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm trùng huyết/sốc nhiễm trùng ở trẻ em là bệnh không hiếm nhưng tỷ lệ tử vong cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư