Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 27/1: Cách phòng ngừa các bệnh tiêu hóa ngày Tết
D.Ngân - 27/01/2025 11:15
 
Trong những ngày Tết, các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày - thực quản, ngộ độc thực phẩm hay nhiễm trùng đường tiêu hóa thường xuyên xảy ra.

Cách phòng ngừa các bệnh tiêu hóa ngày Tết

Nguyên nhân chính gây ra các vấn đề này là do dinh dưỡng mất cân bằng, ăn uống không đúng bữa, thiếu hụt dưỡng chất, lạm dụng rượu bia và thiếu ngủ.

Ăn chín uống sôi là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột trong dịp Tết.

Thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, uống rượu bia không kiểm soát cũng làm dạ dày dễ kích ứng, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải và sinh bệnh. Để giúp mọi người đón Tết vui khỏe và phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, dưới đây là những lời khuyên từ các chuyên gia.

Rau xanh và quả tươi là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, rất có lợi cho hệ tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch.

Thiếu hụt các dưỡng chất này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa, tăng nguy cơ đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Để duy trì lượng chất xơ cần thiết trong ngày Tết, gia đình có thể mua rau, củ về, rửa sạch, để khô ráo và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Hãy ăn rau củ quả xen kẽ với các món ăn giàu tinh bột và thịt để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Các món ăn giàu dầu mỡ như bánh chưng, thịt nguội, đồ chiên rán… dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Mọi người nên kiểm soát lượng thực phẩm này bằng cách chỉ ăn một lượng nhỏ và kết hợp với rau xanh, quả để giảm bớt tác động lên dạ dày.

Bác sỹ CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo rằng ăn chín uống sôi là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột trong dịp Tết.

Các món ăn như gỏi, thịt tái, cá sống, hàu sống... chứa nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, có thể gây rối loạn tiêu hóa và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, hãy đảm bảo tất cả thực phẩm được chế biến chín kỹ và uống nước đun sôi để nguội để bảo vệ sức khỏe.

Một trong những thói quen phổ biến trong dịp Tết là trữ thức ăn trong tủ lạnh và ăn đi ăn lại. Tuy nhiên, các món ăn đã chế biến sẵn có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ từ 1-3 ngày tùy loại thực phẩm.

Nếu ăn thực phẩm quá hạn hoặc bảo quản không đúng cách, rất dễ gây rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng thức ăn được tiêu thụ trong thời gian ngắn và bảo quản đúng cách.

Rượu bia không chỉ kích thích niêm mạc ruột mà còn làm tăng nguy cơ đầy bụng, khó tiêu và viêm loét đường ruột nếu uống quá mức. Bên cạnh đó, rượu bia còn ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, gây viêm gan và có thể dẫn đến suy gan nếu sử dụng lâu dài.

Trong dịp Tết, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần và không quá ba đơn vị mỗi ngày, trong khi nữ giới không nên vượt quá hai đơn vị cồn mỗi ngày. Một đơn vị cồn tương đương với 270 ml bia, 125 ml rượu vang, hoặc 25 ml rượu mạnh.

Thói quen sinh hoạt trong những ngày Tết thường bị đảo lộn như thức khuya, dậy sớm, ăn khuya… Điều này khiến hệ tiêu hóa dễ gặp rối loạn, dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Bác sỹ Thành cho biết để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, mọi người cần kiểm soát tần suất ăn uống và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Không cần phải đặt ra những quy định quá nghiêm ngặt về dinh dưỡng, nhưng cần lưu ý ăn uống vừa phải và hợp lý.

Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá để duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh trong suốt kỳ nghỉ Tết.

Cân bằng nhịp sinh học của giấc ngủ trong ngày Tết

Trong những ngày Tết, thói quen sinh hoạt thường bị thay đổi, dẫn đến sự xáo trộn trong nhịp sinh học của cơ thể, đặc biệt là giấc ngủ. Do vậy, duy trì một giấc ngủ chất lượng trong kỳ nghỉ Tết là rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe và năng lượng. 

Theo đó, ngay cả khi không phải đi làm hoặc đi học trong dịp Tết, mỗi người nên cố gắng giữ một lịch trình ngủ giống như ngày thường. Thức dậy và đi ngủ vào những giờ cố định sẽ giúp cơ thể duy trì nhịp sinh học tự nhiên, giúp giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn và giảm thiểu các vấn đề sức khỏe do thiếu ngủ.

Một trong những thói quen thường thấy trong dịp Tết là ngủ trưa dài, đặc biệt là sau khi ăn nhiều. Ngủ trưa quá lâu (hơn 1-2 tiếng) có thể làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Nếu cảm thấy cần nghỉ ngơi, bạn chỉ nên ngủ trưa ngắn để không ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu vào tối.

Caffein và rượu là những thức uống có thể làm rối loạn giấc ngủ. Caffein là chất kích thích có thể làm bạn khó ngủ, trong khi rượu dù có thể giúp bạn cảm thấy buồn ngủ nhanh chóng nhưng lại làm giấc ngủ không sâu và dễ thức giấc giữa đêm. Mỗi người không nên uống caffein hoặc rượu trong vòng 4-6 giờ trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ của bạn không bị gián đoạn.

Để có một giấc ngủ ngon, bạn cần đảm bảo rằng phòng ngủ của mình yên tĩnh, tối và mát mẻ. Cần hạn chế tiếng ồn và ánh sáng từ điện thoại hay các thiết bị điện tử khác, vì những yếu tố này có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Một không gian ngủ thoải mái sẽ giúp bạn thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hay các bài tập thư giãn có thể giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi, từ đó giúp bạn ngủ dễ dàng hơn vào ban đêm. Việc duy trì thói quen vận động đều đặn trong dịp Tết cũng rất quan trọng, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giữ sức khỏe tốt.

Các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, hoặc TV phát ra ánh sáng xanh có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin, hormone giúp bạn cảm thấy buồn ngủ. Do đó, không nên sử dụng các thiết bị này ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp quá trình ngủ được thuận lợi hơn, cho bạn một giấc ngủ sâu và chất lượng hơn.

Trong các bữa tiệc Tết, mọi người thường có thói quen ăn uống thả ga, nhưng người dân không nên ăn quá no trước khi đi ngủ. Việc ăn no quá mức có thể gây khó ngủ hoặc dẫn đến trào ngược dạ dày, làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu cảm thấy đói vào buổi tối, bạn có thể ăn các bữa ăn nhẹ và dễ tiêu hóa để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tết là dịp để quây quần bên gia đình, nhưng cũng có thể gây ra căng thẳng, đặc biệt nếu bạn phải chuẩn bị cho nhiều hoạt động. Bác sỹ Hằng khuyến cáo bạn nên thực hành các phương pháp thư giãn như thiền hoặc hít thở sâu để giảm lo âu. Điều này sẽ giúp cơ thể thư giãn, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn và giúp bạn có một kỳ nghỉ Tết thật sự thư thái.

Phòng ngừa đột quỵ do rượu dịp Tết

Tết là dịp mà nhiều người dễ dàng vượt qua các giới hạn về chế độ ăn uống, đặc biệt là việc tiêu thụ rượu bia. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của rượu đối với hệ tim mạch và thần kinh trung ương có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, trong đó có đột quỵ.

Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ đột quỵ cao nhất trong vòng một đến hai giờ sau khi uống rượu, chủ yếu do tăng huyết áp đột ngột và rối loạn nhịp tim.

Uống rượu, đặc biệt là trong thời gian ngắn, có thể gây tăng huyết áp đột ngột và kéo dài. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với cả đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não.

Ngoài ra, rượu còn làm giảm độ đàn hồi của thành mạch, gây tổn thương nội mạc và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa phát triển hoặc vỡ ra, chúng có thể cản trở dòng máu, gây tắc nghẽn và làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Những huyết khối này có thể di chuyển đến não, gây ra đột quỵ.

Uống rượu trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến một hiện tượng gọi là "hội chứng trái tim ngày lễ" (Heart Holiday Syndrome - HHS), một tình trạng phổ biến ở những người uống quá độ trong các kỳ nghỉ lễ. Hội chứng này có thể gây ra rung nhĩ, một dạng rối loạn nhịp tim, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong tâm nhĩ, từ đó dẫn đến đột quỵ.

Việc uống rượu lâu dài cũng ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu và hệ thống đông máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết. Do đó, tác hại của rượu không chỉ tồn tại trong những giờ đầu sau khi uống, mà còn có thể tích lũy lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch và thần kinh.

Ngoài tác động của rượu lên cơ thể, các yếu tố cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ đột quỵ. Người lớn tuổi có khả năng chuyển hóa rượu kém hơn, điều này làm tăng tác động phụ lên huyết áp và chức năng gan.

Phụ nữ cũng có nguy cơ cao hơn so với nam giới vì lượng nước trong cơ thể thấp hơn, khiến nồng độ rượu trong máu cao hơn khi uống cùng một lượng rượu. Những người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc tăng huyết áp cũng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi rượu, khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao.

Trước đây, một số nghiên cứu cho rằng uống rượu với liều lượng nhỏ (như một ly rượu vang mỗi ngày) có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch, chủ yếu nhờ vào khả năng làm tăng mức cholesterol HDL (cholesterol tốt).

Tuy nhiên, những lợi ích này không đồng đều cho tất cả mọi người và không đủ để bảo vệ khỏi nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngay cả khi tiêu thụ rượu ở mức thấp, nguy cơ đột quỵ vẫn có thể tăng, đặc biệt đối với những người có yếu tố nguy cơ sẵn có như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc tiểu đường. Vì vậy, việc uống rượu cần được kiểm soát cẩn thận, ngay cả khi chỉ uống một lượng nhỏ.

Để giảm nguy cơ đột quỵ trong dịp Tết, một trong những biện pháp hiệu quả nhất là hạn chế hoặc không sử dụng bia rượu. Nếu bạn không thể từ chối rượu bia, hãy chú ý những lưu ý sau để bảo vệ sức khỏe của mình:

Giới hạn lượng rượu tiêu thụ: Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày, còn phụ nữ không vượt quá 1 đơn vị cồn. Một đơn vị cồn tương đương với 1 lon bia 330 ml hoặc 1 ly rượu vang 100 ml.

Không uống rượu khi đói: Uống rượu khi bụng đói có thể làm tăng nhanh nồng độ cồn trong máu, gây rối loạn nhịp tim và làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Uống đủ nước: Rượu gây mất nước cho cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong não và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hãy xen kẽ uống nước lọc với rượu và uống nhiều nước trước và sau khi uống rượu để giảm thiểu tác hại.

Không kết hợp rượu với chất kích thích khác: Tránh uống rượu cùng cà phê, nước tăng lực hoặc đồ uống có gas vì các chất này có thể làm tăng tác động của rượu lên cơ thể và gây hại cho sức khỏe.

Tránh tiếp xúc với lạnh và gió lùa: Sau khi uống rượu, tránh ra ngoài nơi có gió lạnh vì điều này có thể làm các mạch máu co lại đột ngột và gây tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Tết là dịp vui vẻ và sum vầy bên gia đình, nhưng cũng là thời gian dễ khiến chúng ta lơ là với sức khỏe, đặc biệt là khi liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và kiểm soát lượng rượu tiêu thụ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe của bạn trong kỳ nghỉ Tết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư