Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 29/7: Gia hạn hơn 600 loại thuốc chữa bệnh phục vụ đấu thầu
D.Ngân - 29/07/2024 09:56
 
Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 626 loại thuốc, trong đó có nhiều thuốc biệt dược, thuốc tương đương sinh học... để phục vụ công tác đấu thầu, mua sắm thuốc phòng chống dịch bệnh và điều trị.

Nhiều loại thuốc chữa bệnh được gia hạn

Cụ thể, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa gia hạn 626 loại thuốc, trong đó có 425 loại gia hạn trong 5 năm, 156 loại gia hạn trong 3 năm và 45 loại gia hạn đến 31/12/2025.

Ảnh minh họa.

Các loại thuốc, biệt dược gốc được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vắc-xin, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Tính đến tháng 5/2024, Bộ Y tế đã giải quyết 666 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, 3.641 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, bao bì, vỏ nang; công bố 14 đợt gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành 13.202 thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Qua đó, duy trì trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại.

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định.

Đồng thời, cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 6 tháng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở điều trị, để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.

Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Hơn 25.000 ca mắc mới và tử vong vì ung thư gan mỗi năm

GS-TS.Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cho biết, ở nước ta, ung thư biểu mô tế bào gan là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất do ung thư với số mắc mới và tử vong hằng năm đều trên 25.000 trường hợp.

Nguyên nhân chính gây ung thư biểu mô tế bào gan là do tỷ lệ cao HBV và viêm gan C cũng như tiêu thụ nhiều rượu bia và các nguyên nhân khác.

Xơ gan cũng là bệnh lý nan y hay gặp do viêm gan virus và sử dụng nhiều rượu bia. Các bệnh lý này đang là gánh nặng và thách thức trong phòng ngừa, điều trị viêm gan, xơ gan, ung thư gan ở Việt Nam.

Bằng việc dự phòng, điều trị tốt với viêm gan B, viêm gan C và hạn chế rượu bia, sàng lọc phát hiện, chẩn đoán sớm, kết nối đa chuyên khoa để điều trị đa mô thức cho ung thư gan, kết hợp với y học cổ truyền trong điều trị xơ gan, cùng với ứng dụng tiến bộ mới sẽ mang lại kết quả khả quan, hướng tới loại bỏ viêm gan (không còn đe dọa sức khỏe cộng đồng). Từ đó hạn chế xơ gan, đẩy lùi ung thư gan, giúp làm giảm nhẹ gánh nặng ung thư gan, viêm gan và xơ gan ở Việt Nam.

Đối với bệnh viêm gan B mạn, theo các chuyên gia, viêm gan virus B mạn vẫn còn là gánh nặng cho y tế toàn cầu với tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn lên đến 296 triệu người, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Số người nhiễm viêm gan B được chẩn đoán và điều trị còn thấp, do vậy tỷ lệ biến chứng xơ gan và ung thư gan cũng như tử vong liên quan đến viêm gan B còn rất cao.

Đưa ra các giải pháp tối ưu hóa việc quản lý viêm gan virus B mạn là cần nỗ lực phòng ngừa, giáo dục người dân phòng ngừa phơi nhiễm, ngăn chặn đường lây truyền ngang, nhận diện người bệnh dựa vào chương trình tầm soát quốc gia, mở rộng các tiêu chí khởi đầu điều trị cho các đối tượng cần thiết.

Đồng thời thực hiện hỗ trợ chi phí nhờ chính sách bảo hiểm y tế và các thuốc giá cả hợp lý để người bệnh được tiếp cận điều trị. Bên cạnh đó, cần có những thuốc mới hoặc phối hợp để điều trị khỏi viêm gan virus B".

Gần 50 du khách nghi bị ngộ độc thực phẩm

Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị vừa gửi báo cáo lên UBND tỉnh Bình Thuận, thông tin vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 48 du khách phải nhập viện cấp cứu.

Hôm 26/7, đoàn khách 182 người có chuyến du lịch và lưu trú tại resort T. (phường Mũi Né, TP Phan Thiết). Sáng 27/7, đoàn khách ăn sáng tại resort. Đến trưa cùng ngày, đoàn cũng ăn trưa tại resort nói trên.

Đến khoảng đầu giờ chiều cùng ngày, một số du khách trong đoàn có biểu hiện đau bụng, nôn ói nên được bạn bè đưa vào Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết) cấp cứu. Ghi nhận đến hơn 9h ngày 28/7, có tổng cộng 48 du khách phải nhập viện điều trị.

Đến chiều 28/7, 43 du khách có sức khỏe ổn định và được xuất viện, còn lại 5 người đang được điều trị.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế Bình Thuận đã tổ chức 3 đoàn công tác để điều tra, xử lý vụ việc. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thực phẩm tại nơi các du khách đã ăn uống để kiểm nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Hiện nguyên nhân vụ nghi ngộ độc được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa hè, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chỉ ra nguyên nhân chính là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…

Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 3/2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (TP. Nha Trang) khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Sau khi vụ việc xảy ra, dù nỗ lực nhưng cơ quan chức năng cũng không tìm ra được món ăn gây ngộ độc.

Theo các chuyên gia, trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra.

Cụ thể, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả…

Trong đó, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần ô xy), tồn tại ở thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng tiêu chuẩn. Clostridium botulinum có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư