Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 30/3: Hệ lụy vì bỏ điều trị tiểu đường
D.Ngân - 30/03/2024 09:13
 
Một bệnh nhân được đưa đi cấp cứu do nói ngắt quãng, thở nhanh, sâu và nôn. Bác sĩ cho biết do đường huyết tăng cao, có nguy cơ suy đa tạng, phù não.

Phù não tự ý bỏ điều trị tiểu đường

Nữ bệnh nhân 50 tuổi, Bình Dương bị biến chứng nặng phù não, suy đa tạng do bỏ điều trị tiểu đường theo định kỳ. Theo lời kể của bệnh nhân, bà bị đái tháo đường và đang điều trị thuốc uống 27 năm.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bệnh nhân không theo dõi đường huyết thường xuyên, có lúc bỏ bữa, không sử dụng thuốc uống điều trị đái tháo đường đều đặn, kèm tình trạng căng thẳng/stress trong cuộc sống dẫn đến nhiễm toan ceton (acid trong máu tăng cao).

Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê, phù não, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải như hạ kali máu nặng cũng gây tử vong. Bên cạnh đó, chị còn đối diện một số biến chứng hiếm gặp khác như phù phổi, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp. 

Trước đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân N.T.Q.V (36 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 được 5 năm. Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng. Hậu quả là sau 3 ngày bỏ thuốc ,bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l.

Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận....

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường và tăng đường huyết ở người đái tháo đường, phổ biến nhất là chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, ít người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe tâm lý tác động lên tình trạng bệnh thông qua sự thay đổi hormone, hành vi ăn uống, sinh hoạt do tâm trạng thay đổi.

TS.Trần Hữu Thanh Tùng, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tình trạng nhiễm toan ceton của bệnh nhân nói trên là do tác động của nhiều yếu tố cộng lại, trong đó yếu tố chính có thể đến từ việc tuân thủ điều trị không tốt và stress là một trong những yếu tố có góp phần.

Tỷ lệ người mắc stress ở người bệnh đái tháo đường cao hơn rõ so với người khỏe mạnh, tình trạng stress ở người bệnh đái tháo đường ảnh hưởng không nhỏ lên sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đồng thời, một số nghiên cứu chứng minh căng thẳng/stress có tác động đáng kể đến chức năng trao đổi chất, khi căng thẳng/stress, cơ thể sẽ giải phóng catecholamine và tăng nồng độ glucocorticoid trong máu làm kháng insulin góp phần khiến việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường khó khăn hơn.

Điều này khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu đi. Kèm theo các yếu tố khác như: ăn uống không điều độ hoặc mất kiểm soát, không tập thể dục, thức khuya… khiến việc điều trị không có hiệu quả tốt, có khả năng gây ra các biến chứng bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng/stress cho người bệnh. Điều trị trong thời gian dài và cố giữ đường huyết đạt mục tiêu sẽ khiến cho người bệnh có tâm lý thất vọng, chán nản, lo lắng.

Người bệnh có thể tham khảo một số phương giáp giúp giảm căng thẳng như sau: dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và có bữa ăn lành mạnh. Luyện các bài tập hít thở sâu, ngồi thiền.

Nên tham gia ít nhất một hoạt động thể dục mỗi ngày như: đi bộ, đạp xe, chạy bộ, khiêu vũ… Hãy chia sẻ nhiều hơn với bạn bè và gia đình để giảm bớt căng thẳng từ công việc, cuộc sống.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: chế độ sử dụng thuốc; chế độ ăn uống; thay đổi thói quen sống; kiểm soát đường huyết; khám sức khỏe định kỳ.

Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như biến chứng thần kinh, loét chân và đoạn chi, biến chứng tim mạch, biến chứng suy thận, biến chứng mắt, suy giảm nhận thức.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

Nữ sinh được ghép phổi ngày 30 Tết được ra viện

Sau một tháng 20 ngày được chăm sóc hậu phẫu tại Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, nữ bệnh nhân được ghép phổi chiều 30 Tết đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện.

Hôm nay, Phạm Anh Thư, cô gái 21 tuổi, sống tại Bắc Kạn được ghép phổi vào ngày 30 Tết đã được xuất viện.

Sau một tháng 20 ngày được chăm sóc hậu phẫu tại Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, Thư đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện.

Xúc động trong khoảnh khắc đặc biệt, Anh Thư chia sẻ, cháu rất vui mừng khi hôm nay được ra viện, sau khi trải qua cuộc đại phẫu thuật vào đêm 30 Tết vừa qua.

Hiện tại, cháu rất khỏe mạnh, hạnh phúc khi được sống với lá phổi mới và tràn đầy năng lượng trong từng nhịp thở. Rồi cháu sẽ tiếp tục được đi học như bao bạn bè khác.

Trong tâm sự của mình, Anh Thư bày tỏ lòng biết ơn với toàn thể các y bác sĩ đã luôn tận tâm, chăm sóc cho cô từ công tác điều trị phục hồi sức khỏe đến công tác vệ sinh ăn uống và yêu thương cô như chính con em ruột của mình.

TS.Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ rằng, hành trình ghép phổi để cứu sống cô gái này đã mang đến cho những người thầy thuốc vô vàn cảm xúc.

Ngay khi nhận được thông tin có người hiến tạng, Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động gần một trăm nhân lực trực tiếp tham gia đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...

Sau khi hội chẩn với GS.Jasleen, Giám đốc Trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Mỹ), bệnh viện đã quyết định khởi động ca ghép phổi này.

Theo ông, đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

Ca phẫu thuật mở ra cơ hội cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Từ đây, các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi ở nước ta sẽ đúng theo tiêu chuẩn của các nước phát triển.

Trước khi được ghép phổi, Anh Thư là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối.

Đây là bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ.

Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Do đó, bệnh nhân phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.

Bệnh nhân đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

13h ngày 8/2 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư