Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 3/3: Suy tim tiến triển vì không tuân thủ điều trị
D.Ngân - 03/03/2024 09:21
 
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến suy tim tiến triển nặng hơn thường là bệnh nhân không tuân thủ điều trị, dùng thuốc không đủ liều.

Bệnh nặng hơn vì không tuân thủ điều trị

Nguyên nhân khiến suy tim tiến triển nặng hơn thường là bệnh nhân không tuân thủ điều trị, dùng thuốc không đủ liều. ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng đơn vị Suy tim, Trung tâm tim mạch cho biết, suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ảnh minh họa.

Sau khi được chẩn đoán suy tim, ước tính 50% bệnh nhân tử vong trong 5 năm. Khoảng 15% bệnh nhân suy tim ở châu Á - Thái Bình Dương phải nhập viện trở lại trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện.

Bệnh nhân suy tim kèm theo bệnh nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, thiếu máu hoặc rối loạn điện giải, rung tâm nhĩ… cần được kiểm soát ổn định các bệnh đi kèm này, vì là yếu tố thúc đẩy suy tim nặng lên.

Muốn phòng ngừa hiệu quả bệnh suy tim, theo các bác sĩ cách tốt nhất là kiểm soát các điều kiện và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh như: cao huyết áp, động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao,...

Ngoài ra, các biện pháp sau cũng sẽ giúp phòng ngừa bệnh lý này: Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh hoặc bệnh lý có thể gây ra suy tim.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhất là hoa quả tươi và rau xanh, các loại chất chống oxy hoá, vitamin và thực phẩm giàu kali, tránh dùng muối quá 2g/ngày.

Nói không với đồ uống có cồn, không hút thuốc lá. Tập luyện đều đặn hàng ngày với cường độ vừa sức rồi tăng dần ít một nhưng không quá sức chịu đựng của cơ thể; tránh các bài tập đối kháng hay hoạt động thể lực mạnh.

Những người bị suy tim cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ đồng thời chú ý tái khám đúng hẹn hay khi đã dùng thuốc mà triệu chứng bệnh không cải thiện.

Đề xuất bổ sung hiến mô, tạng từ người chết tim vào luật

Vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức Hội thảo “Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam” với hy vọng có thêm nguồn hiến tạng cứu hàng nghìn người bệnh đang lay lắng sống chờ ghép tạng.

PGS-TS.Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não, chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.

Trong 20 năm vừa qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Nguồn hiến từ người chết tim tiềm năng tại Việt Nam rất nhiều.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trên thực tế, có nhiều người đồng ý hiến tạng nhưng trong quá trình đánh giá chết não, bệnh nhân bất ngờ ngừng tuần hoàn.

Theo đó, bệnh nhận không thể hiến tạng (do không được quy định trong luật) nên gia đình bệnh nhân xin về, đồng nghĩa mất đi một nguồn hiến tạng cứu người quý giá, rất lãng phí.

Do vậy, việc xây dựng quy định về hiến tạng từ người chết tim là cần thiết để mở rộng thêm cơ hội nhận tạng hiến cho người bệnh nặng.

Tại Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… 

Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam thuộc dạng thấp trên thế giới.

TS.Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, muốn ghép tạng trước tiên phải có người hiến. Nguồn tạng hiến hiện chỉ có thể từ người hiến sống, người chết não, hay tim ngừng đập hoặc hiến tạng sau khi chết tuần hoàn.

Ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới, nguồn hiến từ người chết não hay chết tim đã tăng cao.

Mấu chốt quan trọng trong ghép tạng từ người hiến chết tim là thời điểm chẩn đoán tử vong. Với chẩn đoán chết để hiến tạng ngoài chẩn đoán thông thường trên bệnh nhân hồi sức, nếu người này có chỉ định hiến tạng ngoài dấu hiệu lâm sàng cần các bằng chứng khác để xác định bệnh nhân không hồi phục.

Theo bác sĩ Thu, biện pháp chặn nạn mua bán tạng phải tận dụng nguồn mô, tạng hiến từ người chết não, chết tim trong nước.

Vì vậy, cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật với việc xây dựng hoàn chỉnh chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô-tạng bảo đảm tính minh bạch, công bằng.

Để có đầy đủ hành lang pháp lý đưa người hiến mô, tạng từ chết tim vào luật, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề xuất, quy trình xác định chết tim cần làm nghiêm túc. Làm thế nào để xây dựng bộ tiêu chí chẩn đoán chết tim của Việt Nam trong khi thế giới đã làm rồi? Nên chăng chúng ta tham khảo và áp dụng bộ tiêu chí chuẩn đã áp dụng trên thế giới.

Tổn thương não, suy tim, suy gan, suy thận vì hút thuốc lá điện tử
Một nữ bệnh nhân ở Hà Nội đang trong tình trạng nguy kịch do hút thuốc lá điện tử.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư