Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 5/5: U tuyến yên nguy hiểm thế nào?
D.Ngân - 05/05/2024 09:36
 
Khi đột ngột nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực có thể là triệu chứng của tổn thương não và dây thần kinh bên trong người bệnh nên sớm đến khám chuyên khoa mắt và thần kinh để điều trị kịp thời.

Lưu ý triệu trứng của u tuyến yên

Anh Hoàng, 29 tuổi, mù mắt nhiều năm do khối u tuyến yên 6 cm chèn ép dây thần kinh thị giác, mổ xong, cả 2 mắt đều sáng trở lại.

Anh Hoàng cho biết, từ nhỏ đã thường xuyên bị đau đầu không rõ nguyên nhân. Sau đó, mắt trái ngày càng mờ, anh chạy chữa khắp nơi bằng nhiều phương pháp đều không khỏi.

Ảnh minh họa

Đến năm anh 22 tuổi, khi mắt trái không còn nhìn thấy gì nữa, bác sĩ mới tìm được nguyên nhân là do anh mắc khối u tuyến yên, nằm ở đáy não. Anh Hoàng điều trị, kết hợp phẫu thuật với xạ phẫu Gamma Knife nhưng thị lực mắt trái không hồi phục.

Chấp nhận cuộc sống mù một bên mắt, suốt 7 năm qua, anh Hoàng cố gắng sinh hoạt và làm việc.

Thế nhưng, cách đây nửa tháng, mắt phải của anh bắt đầu mờ dần rồi nhanh chóng mù hẳn. Điều này khiến anh suy sụp tinh thần, hạn chế giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả chụp MRI 3 Tesla phát hiện anh Hoàng tái phát khối u tuyến yên, có dấu hiệu xuất huyết. Kích thước u khá lớn, khoảng 6 cm, chèn ép gây tổn thương dây thần kinh thị giác và giao thoa thị. Đây là nguyên nhân khiến anh Hoàng bị mù cả hai mắt.

“Khối u đã có dấu hiệu xuất huyết, để càng lâu sẽ càng nguy hiểm, giảm cơ hội phục hồi thị lực, thậm chí đe dọa tính mạng. Do vậy, sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được đưa vào phòng mổ ngay sáng hôm sau”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Anh Hoàng đã từng phẫu thuật tuyến yên nên cấu trúc tổn thương có nhiều khác biệt và phức tạp hơn trường hợp mổ lần đầu.

Ca mổ được tiến hành trong thời gian 2,5 giờ. Từ đường mổ nhỏ bên trong mũi người bệnh, bác sĩ hút sạch huyết khối, loại bỏ hết u, bóc tách hoàn toàn phần bao u. Qua đó, giải áp cấu trúc não và thần kinh xung quanh, tạo điều kiện để dây thần kinh thị giác và giao thoa thị có cơ hội phục hồi. Đồng thời, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh.

Tỉnh lại sau mổ vào trưa cùng ngày, anh Hoàng đã nhìn thấy gần như hoàn toàn ở mắt bên phải. Mắt bên trái nhìn mờ, thấy được khoảng 1/4 phía góc thái dương. Năm ngày sau, anh Hoàng hồi phục ngoạn mục, lấy lại được thị lực ở cả hai mắt, có thể đọc tạp chí, xem điện thoại, đi đứng, sinh hoạt bình thường. Anh được xuất viện trong ngày và trở lại tái khám sau hai tháng.

Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết, đột ngột nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực có thể là triệu chứng của tổn thương não và dây thần kinh bên trong. Do vậy, người bệnh nên sớm đến khám chuyên khoa mắt và thần kinh nhằm chẩn đoán chính xác và có chiến lược điều trị hiệu quả, phù hợp. Tránh để lâu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Huy động thầy thuốc giỏi điều trị cho hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm

Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có Công văn số gửi Sở Y tế Đồng Nai về việc tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh nghi ngộ độc sau ăn bánh mì tại tỉnh Đồng Nai

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế hoan nghênh Sở Y tế và các bệnh viện: Đa khoa Long Khánh, Nhi Đồng Nai, Đa khoa Cao su Đồng Nai đã chủ động tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho nhiều người bệnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.

Theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca đang điều trị hồi sức tích cực, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.

Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, Thống Nhất và các bệnh viện nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth nếu cần thiết.

Theo thông tin từ UBND TP.Long Khánh, tính đến 6h ngày 5/5, tổng số nạn nhân liên quan món bánh mì ở TP.Long Khánh là 560 người. Trong đó, 30 ca nhập viện mới có các triệu chứng nhẹ, họ lo lắng khi đọc báo mới đến bệnh viện.

Hiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh điều trị cho 291 người, với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt. Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai đang điều trị 25 ca. Có 11 ca xuất viện, 114 ca chuyển viện.

Một bệnh nhi nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đã mở mắt tự nhiên, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bệnh nhi 6 tuổi nặng nhất trong vụ ngộ độc được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện tình hình sức khỏe chưa ổn định.

Bước đầu tìm kiếm nguyên nhân, bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết kết quả xét nghiệm máu của 3 trẻ cho thấy nhiễm khuẩm E.coli. Tuy nhiên, việc này chưa nói lên điều gì chắc chắn, phải đợi kết quả xét nghiệm máu có khuẩn E.coli có trùng khớp với mẫu thức ăn hay không.

Sự việc bắt đầu ngày 1/5 khi có khoảng 70 người có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau khi ăn bánh mì ngày 30/4. Thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Theo đại diện cơ sở này, tiệm đã bán khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt trong ngày 30/4.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư