Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 9/12: Hàng nghìn người Hà Nội được tầm soát ung thư miễn phí
D.Ngân - 09/12/2024 09:30
 
Hơn 3.000 người dân được khám sàng lọc H.Pylori dạ dày và các bệnh không lây nhiễm; hơn 200 y bác sỹ và điều dưỡng tham gia chương trình cùng hàng trăm tình nguyện viên Thủ đô.

Hàng nghìn người Hà Nội được tầm soát ung thư miễn phí

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa triển khai chương trình “Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh” chặng thứ 5 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội.

Hơn 3.000 người dân Hà Nội được tầm soát ung thư dạ dày miễn phí.

Phát biểu tại chương trình, TS. Hà Anh Đức, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, đây là sự kiện thứ 5 trong chuỗi chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty TNHH Manulife Việt Nam phối hợp tổ chức.

“Với phương châm "Phát hiện sớm - Can thiệp sớm - Nâng cao sức khỏe", chương trình đặt mục tiêu khám sàng lọc các bệnh mạn tính và vi khuẩn H.Pylori dạ dày cho 3.000 người dân Thủ đô. Đây là những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và xã hội.

Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn gửi đến người dân thông điệp: "sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng”, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ.

Tại chương trình, gần 200 y bác sỹ và điều dưỡng cùng hơn 200 tình nguyện viên đã khám bệnh, kê đơn và phát thuốc miễn phí theo đơn cho hơn 3.000 người dân. Đặc biệt, chương trình khám chuyên khoa, tầm soát ung thư vú, ung thư phổi, xét nghiệm H.Pylori qua máu và tầm soát ung thư dạ dày...

Đối với những đối tượng có nghi ngờ ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày, người bệnh sẽ được cấp phiếu của Ban tổ chức để tiếp tục kiểm tra bằng chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang mamo hoặc nội soi dạ dày phát hiện ung thư tại các cơ sở y tế phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam như: Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K và Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Ngoài ra, người dân còn được tư vấn về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng; tuyên truyền phổ biến về việc cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 10 phần quà cho gia đình các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và 10 phần quà cho các sinh viên Thủ đô có tinh thần vượt khó, giúp các em có thêm niềm vui và động lực trong học tập.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội cũng tuyên dương những cá nhân, tập thể y tế xuất sắc của Thủ đô có thành tích trong triển khai hoạt động tình nguyện, vì an sinh xã hội năm 2024.

Nguy cơ mắc uốn ván từ những vết thương nhỏ 

Khi đi làm ruộng, ông P.K.T, 62 tuổi, ở Thanh Hóa bị trượt chân, ngã vào gốc cây mục làm rách một vết ở cẳng chân phải. Ông T. tự xử lý vết thương qua loa và về nhà đắp lá cầm máu.

Sau 2 ngày, vết thương bắt đầu nhiễm trùng, người nhà đưa ông T. vào cơ sở y tế gần nhà và ông được chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết, phải nhập viện điều trị.

Do không có bảo hiểm y tế, ông T. về nhà tự chữa trị. Ngày hôm sau, ông T. cảm thấy người khó chịu, không thở được nên gia đình đưa ông đi cấp cứu. Khi nhập viện tại cơ sở y tế tuyến dưới, ông T. có biểu hiện khó há miệng, khó ăn, khó nuốt, miệng bắt đầu sùi bọt mép và lên cơn co giật.

Ông được chẩn đoán mắc uốn ván, nhiễm trùng huyết nặng. Bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng. Ông T. được chuyển tuyến vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sỹ Trịnh Thị Lan Hương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng an thần, thở máy, co cứng cơ toàn thân, co giật trên nền co cứng, vết thương cẳng chân phải chảy mủ, chảy dịch, chẩn đoán mắc uốn ván toàn thể, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp, tiên lượng bệnh nặng.

Còn bệnh nhân N.D.B, 66 tuổi, được Bệnh viện Đa khoa Sơn La chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán uốn ván.

Trước khi vào viện, bệnh nhân bị dao đâm vào mu bàn chân phải. Sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.

Do bệnh nặng lên, ông B. được đặt ống nội khí quản và chuyển khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ông được chẩn đoán uốn ván do vết thương ở bàn chân phải, tăng huyết áp và suy tim. Hiện tại bệnh nhân vẫn an thần, thở máy qua nội khí quản.

Nha bào xâm nhập qua các vết thương ở da và niêm mạc. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gẫy xương hở, bỏng sâu…

Nhiều trường hợp không thấy đường vào do vết thương miệng bịt kín, khâu kín mặc dù còn tổ chức hoại tử, dập nát, còn dị vật, tạo điều kiện thuận lợi cho trực khuẩn uốn ván phát triển và gây bệnh.

Để phòng bệnh uốn ván, bác sỹ Hương khuyến cáo ngay sau khi bị vết thương, người dân cần đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương đúng cách.

Trường hợp cần thiết sẽ được tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván. Nếu người bệnh đã tiêm vắc-xin trong vòng 3 năm thì nên tiêm vắc-xin nhắc lại. Nếu người bệnh chưa từng tiêm vắc-xin hoặc tiêm đã trên 3 năm, cần tiêm đủ 3 mũi để có miễn dịch cơ bản.

Miễn dịch sẽ tồn tại khoảng 3 - 5 năm. Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 5 năm, tiêm 4 mũi có giá trị bảo vệ trên 10 năm và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Ngoài 2 bệnh nhân mắc uốn ván trên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị 6 bệnh nhân uốn ván khác và tất cả đều rất nặng.

Xu hướng mới trong điều trị ung thư

Trong điều trị ung thư nói chung và đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt, u thần kinh nội tiết, theranostics ngày càng được áp dụng rộng rãi, mang lại nhiều hy vọng mới cho bệnh nhân.

Đây được coi là một phương pháp điều trị ung thư đa mô thức thế hệ mới, kết hợp giữa chẩn đoán hình ảnh và điều trị đích, giúp xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương, từ đó có biện pháp điều trị tối ưu.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ y học, theranostics đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đang được đề cập nhiều tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết, theranostics giúp phát hiện toàn diện tổn thương ung thư, làm cơ sở điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống và cải thiện rõ rệt chất lượng sống cho bệnh nhân.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, theranostics đã được biết đến hơn 8 thập kỷ và trong 2 năm trở lại đây, việc ứng dụng phương pháp này trong y học hạt nhân ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới.

Trong tương lai, theranostics còn nhiều triển vọng phát triển. Vì vậy, để không "bị bỏ lại" so với thế giới, y học hạt nhân Việt Nam cần thường xuyên cập nhật kiến thức, không ngừng nghiên cứu, trao đổi thông tin từ các trung tâm trong nước đến các quốc gia tiên tiến. Đây cũng là ý nghĩa của hội thảo khoa học lần này.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của gần 150 chuyên gia hàng đầu, bác sỹ trong lĩnh vực ung thư và công nghệ y học đến từ các trung tâm y học hạt nhân lớn trong cả nước. Hội thảo có 11 báo cáo khoa học của các chuyên gia từ Italia, Singapore và Việt Nam.

Các tiến bộ trong y học và công nghệ cho thấy lợi ích mà y học cá thể mang lại, và theranostics đóng góp một phần vào kỷ nguyên mới đó. Tuy nhiên, tương lai phát triển của theranostics phụ thuộc vào sự phát triển của các cặp dược chất phóng xạ mới, giải quyết những hạn chế và trả lời một số vấn đề trong thực hành lâm sàng.

Hiện nay, Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để tiến hành kỹ thuật chẩn đoán và điều trị kết hợp theranostics. Đặc biệt, vấn đề khó khăn nhất là sản xuất một số dược chất phóng xạ đặc hiệu cũng đang được Bệnh viện chủ động thực hiện.

Tin mới y tế ngày 6/10: Tầm soát, điều trị bệnh mạn tính hiệu quả nhờ công nghệ
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của con người tăng lên nhưng nguy cơ mắc phải các bệnh lý cũng có xu hướng tăng theo khi nhiều bệnh phức tạp, khó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư