Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
TKV phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho
Thế Hải - 20/06/2017 16:43
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, TKV phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho, riêng với các dự án phải tạm dừng, TKV phải có phương án rà soát lại toàn bộ để không làm thất thoát vốn đầu tư.
TKV phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho.
TKV phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho, đồng thời tập trung giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.


Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tham gia buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng.

Dù đã giảm lượng than tồn kho từ 12 triệu tấn vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 9,3 triệu tấn hiện nay nhưng lượng than tồn kho cao đang là trở ngại cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV nên Thủ tướng đã yêu cầu doanh nghiệp này sớm có giải pháp để giảm lượng than tồn kho.

6 tháng đầu năm nay TKV đã sản xuất 18,3 triệu tấn than, tăng 5% so cùng kỳ và đạt 54% kế hoạch năm, lượng than tiêu thụ cũng đạt đến 18,03 triệu tấn với mức tăng 2% so cùng kỳ nhưng lượng than thương phẩm tồn kho lên đến 9,3 triệu tấn.

Doanh thu toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm ước đạt 53.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.000 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2017, lợi nhuận của TKV đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV, theo Bộ Tài chính, là đã có bước tiến bộ rất lớn so với các năm trước đây. Đặc biệt đáng chú ý là thông tin dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 sau 3 năm liền bị lỗ.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu TKV quan tâm xử lý giải quyết sản phẩm tồn đọng bởi vấn đề than tồn kho vẫn là trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV.

Do vậy, Thủ tướng đã yêu cầu TKV nghiên cứu các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách để góp phần giảm giá thành sản phẩm than để có thể cạnh tranh với than nhập khẩu, giảm tồn kho.

Thủ tướng chỉ đạo đối với các dự án phải tạm dừng, TKV phải có phương án rà soát lại toàn bộ để không làm thất thoát vốn đầu tư.

TKV phải tập trung các giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đây là vấn đề khó khăn của TKV khi có lực lượng cán bộ công nhân viên với hơn 110.000 người. TKV phải phấn đấu đưa công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm...

Về tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận, thời gian qua TKV đã quyết liệt cùng Quảng Ninh trong việc đấu tranh, giải quyết cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép than tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, TKV cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tại Quảng Ninh xử lý triệt để việc đào bới than trái phép, phối hợp... kiểm soát than lậu.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, giá thành sản xuất than những năm qua vẫn tăng là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng, trong khi áp lực mỏ ngày một lớn. Cùng với đó là suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành…

Giải thích về nguyên nhân tồn kho, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cho hay, đây là tồn kho chiến lược cho nền kinh tế, ngành than tự bỏ tiền để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị.

Việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5 – 2 triệu tấn, nếu tăng tồn kho lên nữa, tài chính ngành than rất khó khăn. Năm 2017, ngành đã cân đối theo kế hoạch chỉ đạo của Nhà nước, của Bộ giao cho là 19,42 triệu tấn than nội địa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, ông Chuẩn cho rằng, đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13 - 14 tiệu tấn sẽ khiến cho 4.000 công nhân mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.

Điều này cũng kéo theo an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng và nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm sút.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, than khai thác ra không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít nhất phải lưu trữ 5 triệu tấn trong quá trình đưa đi tiêu thụ, vì vậy cần đánh giá chính xác về con số tồn kho.

Thông tin rất nhiều khoáng sản nếu chế biến sâu sẽ lỗ, thay vào đó, xuất khẩu ngay từ công đoạn nào chi phí thấp nhất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong 3 năm qua với hai dự án bauxit Tân Rai và Nhân Cơ là không chính xác.

Đây là lỗ theo kế hoạch (theo tính toán 5 năm được lỗ) thì hiện nay, sau lỗ 3 năm với hơn 3.000 tỷ đồng, năm nay (năm thứ tư), dự án Tân Rai đã bắt đầu có lãi. Nếu trung bình 1 năm lỗ 1.000 tỷ đồng, nếu năm nay cắt lỗ 1.000 tỷ đồng, cùng với lãi 1.000 tỷ đồng nữa là năm nay TKV lãi 2.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát hoạt động của TKV
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh năm 2015, 2016 của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư