Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
TNG hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế trở lại
Khắc Lâm - 26/12/2021 08:21
 
Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, nhưng bức tranh tài chính của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cho thấy nhiều áp lực khi dòng tiền kinh doanh thặng dư thấp so với nhu cầu đầu tư.

Doanh thu, lợi nhuận giữ đà phục hồi tăng trưởng

Kết thúc 11 tháng năm 2021, báo cáo tài chính của TNG tiếp tục cho thấy những tín hiệu kinh doanh khả quan với doanh thu thuần đạt 433,9 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện giúp lợi nhuận gộp tăng 68,4%, đạt 41,4 tỷ đồng qua đó, bù đắp sự gia tăng của các khoản mục chi phí tài chính, chi phí quản lý và giúp lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng - gấp gần 2,6 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, TNG đạt doanh thu 4.976,6 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; còn lợi nhuận sau thuế tăng 38,5%, với 213,9 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua cho năm 2021, Công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 22% kế hoạch lợi nhuận sau 11 tháng.

Kết quả tích cực của TNG nằm trong xu hướng phục hồi kết quả kinh doanh của các công ty may mặc Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 gia tăng, các hạn chế đối với hoạt động bán lẻ tại nhiều thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU… đã được nới lỏng, giúp sản lượng xuất khẩu phục hồi tốt.

Theo chia sẻ mới đây của lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2021 ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này tăng khoảng 0,3% so với năm 2019 - khi chưa có dịch Covid-19.

Thực tế, doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong quý III/2021, khi bùng phát đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, khiến nhiều địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, làm cho năng suất sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất gia tăng.

Tuy vậy, các nhà máy của TNG tập trung tại tỉnh Thái Nguyên - địa phương ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội -nên hoạt động của Công ty ổn định hơn, đồng thời hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng dệt may về các nhà máy sản xuất tại miền Bắc khi các doanh nghiệp phía Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong quý III/2021, trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí báo lỗ, thì TNG vẫn duy trì được mức tăng trưởng 1% về doanh thu và 17% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới tiếp tục được dự báo duy trì xu hướng phục hồi hậu đại dịch, triển vọng kinh doanh của TNG thời gian tới vẫn tiếp tục được đánh giá khả quan. Báo cáo tháng 11/2021, Bộ phận Phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cập nhật số lượng đơn hàng của TNG đã lấp đầy đến hết tháng 6/2022. Đơn hàng đến từ các đối tác lâu năm như Decathlon, ANF, TCP, Nike, Adidas... vẫn tăng trưởng đều đặn.

Bên cạnh đó, Công ty cũng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng từ các lĩnh vực kinh doanh bất động sản thương mại và bất động sản khu công nghiệp, với các dự án như Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, TNG Landmark, TNG Village 2, Khu đô thị Đại Thắng, Khu đô thị Hồng Tiến…

Áp lực nợ vay lớn

Sở hữu 15 nhà máy với 278 chuyền may đang hoạt động và các nhà máy phụ trợ như thêu, giặt, sản xuất thùng túi, bao bì…, TNG hiện là một trong các doanh nghiệp dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. TNG cũng đã phát triển dòng sản phẩm hàng thời trang do Công ty tự thiết kế mang thương hiệu TNG.

Năng lực sản xuất của Công ty đã liên tục mở rộng trong những năm qua nhờ sự tập trung vào những khách hàng lớn và đẩy mạnh phát triển mảng hàng tự thiết kế, tương ứng quy mô doanh thu, lợi nhuận cũng liên tục gia tăng. Tuy vậy, nhu cầu đầu tư lớn, nhu cầu vốn lưu động liên tục gia tăng đã gây áp lực lớn với dòng tiền của Công ty.

Tính đến ngày 30/11/2021, TNG có tổng nợ phải trả là 2.765,4 tỷ đồng, trong đó có 1.465,8 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 669,5 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tổng nợ vay chiếm 50,7% tổng nguồn vốn và gấp gần 1,48 lần vốn chủ sở hữu. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, nợ vay của Công ty đã tăng thêm 282,6 tỷ đồng, chủ yếu là tăng nợ vay ngắn hạn trong bối cảnh phải thu tăng mạnh. Nợ vay dài hạn cũng tăng thêm gần 100 tỷ đồng, khi Công ty đẩy mạnh đầu tư vào các dự án mở rộng tại các nhà máy Phú Bình, Sông Công, Võ Nhai…

Trong 11 tháng đầu năm, trong khi dòng tiền kinh doanh thặng dư 83 tỷ đồng, thì dòng tiền đầu tư đã âm 517,7 tỷ đồng, chủ yếu là do nhu cầu dòng tiền lớn để đầu tư vào các tài sản cố định. Trước đó, trong năm 2020, dù dòng tiền kinh doanh của TNG thặng dư 196,5 tỷ đồng, nhưng dòng tiền đầu tư vào tài sản cố định cũng lên đến 490 tỷ đồng, khiến Công ty phải tăng vay nợ ròng thêm 215 tỷ đồng trong năm này. Nhìn chung, trong những năm qua, dù dòng tiền hoạt động kinh doanh của TNG có thặng dư, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư và nguồn vốn phụ thuộc vào nợ vay.

Nợ vay lớn đã khiến chi phí lãi vay bào mòn đáng kể lợi nhuận. Chi phí lãi vay trong 11 tháng đầu năm 2021 là 125,5 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và chi phí này tương đương 35,3% lợi nhuận hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này của TNG đã có xu hướng gia tăng, từ 22,3% năm 2019, lên 32,4% năm 2020 và 35,3% sau 11 tháng năm 2021.

Ở chiều ngược lại, nguồn tiền dự trữ của Công ty khá mỏng, khiến nguồn thu từ lãi tiền gửi thấp, doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá.

Với nhiều kế hoạch đầu tư mở rộng, bao gồm cả năng lực sản xuất cho lĩnh vực may mặc và các dự án bất động sản, áp lực về nguồn vốn, dòng tiền của TNG trong thời gian tới được đánh giá còn rất cao, nhất là khi bất động sản là lĩnh vực cần có nguồn vốn rất lớn để phát triển.

TNG phát hành 3 triệu trái phiếu 4 "không" để trả tiền lương, nguyên phụ liệu
HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa thông qua phương án phát hành 3 triệu trái phiếu 4 "không" cũng như phương án sử dụng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư