Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tổ chức Festival nông sản Việt Nam tại Vĩnh Long quy mô cấp quốc gia
Trúc Giang - 01/09/2023 18:43
 
Từ ngày 11/9/2023 đến ngày 17/9/2023, tại TP. Vĩnh Long diễn ra “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”, với chủ đề “Nâng tầm Nông sản Việt”.

Festival được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo tổ chức.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Festival cho rằng, “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” là sự kiện quan trọng.

Thông qua các chương trình, hoạt động tại Festival nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố đến người tiêu dùng cả nước và quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa Vĩnh Long và các địa phương trong cả nước.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại họp báo “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”.

Bên cạnh đó, gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tận dụng hiệu quả các thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long để thu hút đầu tư, tăng cường liên kết, hỗ trợ phát triển các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, chủ lực của địa phương; góp phần tạo dựng uy tín các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Qua Festival, còn tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của địa phương, các sản phẩm OCCOP, những đặc sản của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.

Các nội dung, chương trình hoạt động chính tại Festival gồm: Tổ chức con đường nghệ thuật: “Sản phẩm nông sản tiêu biểu - Động lực phát triển nông thôn mới”. Theo đó, con đường nghệ thuật dài từ 0,5-1 km, được bố trí, trang trí, sắp đặt bằng các mô hình, hình ảnh tiêu biểu của những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới Việt Nam. Trong đó, bao gồm những mô hình và thành tích thật, sản phẩm cụ thể... phản ánh những thành tựu của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Festival nhằm giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Diễu hành “Nông sản Việt vươn xa để hội nhập” gồm thiết kế hình ảnh, biểu tượng, mô hình hàng hóa nông sản, thủy sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long như cam sành, bưởi năm roi, khoại lang tím, chôm chôm, cá tra…, xuất phát diễu hành trước cổng Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Long, bắt đầu diễu hành trên các tuyến đường trong nội ô thành phố Vĩnh Long và một số tuyến quốc lộ thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Tại Festival có hoạt động hội chợ triển lãm gồm: Khu trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh thành phố; khu trưng bày sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ - gốm đỏ và triển lãm tranh ảnh gốm đỏ - nông sản Đồng bằng sông Cửu Long; khu trưng bày quảng bá sản phẩm du lịch; khu trưng bày thiết bị máy móc, thiết bị ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó là các khu triển lãm sinh vật cảnh; khu triển lãm phân bón nông nghiệp…

Đặc biệt là khu triển lãm ngành ngân hàng với quy mô 20 gian hàng, trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong quá trình hội nhập quốc tế; phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ, tài chính ngân hàng.

Trong khuôn khổ Festival còn có các hội thảo, hội thi như Hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam”; hội thi mâm cơm ngon chế biến từ sản phẩm vườn nhà; hội thi món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng tỉnh Vĩnh Long…

Theo Ban Tổ chức, tính đến ngày 31/8/2023, đã có 32 tỉnh, thành phố trong cả nước và 400 đơn vị, doanh nghiệp…tham gia Festival.

Nông sản Việt sải bước sang nhiều thị trường lớn
Năm 2022 là năm thắng lợi về mở cửa thị trường của nhiều loại nông sản như gạo, bưởi, sầu riêng, tổ yến…, được các thị trường khó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư