Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 12 năm 2024,
Tổ chức kinh tế không được thuê rừng phòng hộ, Cục Kiểm lâm đưa giải pháp tháo gỡ
Nhiên Ca - 25/08/2023 17:54
 
Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa trả lời UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuê rừng đối với các doanh nghiệp chuyển nhượng dự án đầu tư; bán tài sản trên đất thuộc đối tượng rừng phòng hộ.

Cụ thể, Cục Kiểm lâm cho rằng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tổ chức kinh tế chỉ quy định cho thuê rừng sản xuất, không được thuê rừng phòng hộ; không được quyền chuyển nhượng, mà chỉ được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí… theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với chủ rừng được cho thuê rừng trước ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành thì được thực hiện đến hết thời hạn được thuê.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, Cục Kiểm lâm đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét chỉ đạo thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với chủ rừng theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Lâm nghiệp (chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng).

Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, tại Điều 185 (đất rừng phòng hộ) quy định: “Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho các đối tượng để quản lý rừng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, không quy định về cho thuê đất rừng phòng hộ.

Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung quy định về đất rừng phòng hộ phù hợp, thống nhất với Luật Lâm nghiệp.

Như Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn đã phản ánh, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 278 doanh nghiệp thực hiện 291 dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, 107 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có liên quan đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ được cho thuê rừng trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính đến ngày 26/6/2023, tỉnh này có 12 doanh nghiệp với 12 dự án đầu tư đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.

Cụ thể, 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư đang hoạt động đã được thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng, gồm: Công ty TNHH MTV Petrodalat, Công ty TNHH ABODOS, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phan Hào, Công ty cổ phần Tuyền Lâm Hill và Công ty TNHH Thủy điện Tà Nung.

Lý do các dự án này dù đã được UBND tỉnh cho thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng là bởi đối tượng là rừng phòng hộ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan thì không cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ.

Ngoài ra, còn 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư được bán tài sản đã đầu tư trên đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 4 dự án của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Hoàng gia Sài Gòn - Đà Lạt; Công ty cổ phần Hỗ trợ nhân đạo, văn hóa, giáo dục Hà Nội; Công ty TNHH An Tâm; Công ty cổ phần Thương mại - Xuất nhập khẩu Mai Viết, được UBND tỉnh cho chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất (theo quy định khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai).

Những dự án này đang gặp vướng mắc về thuê rừng do không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê… Riêng Công ty TNHH Thiên Thai được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất tại Văn bản số 531/UBND-LN ngày 21/1/2022, do trên diện tích được thuê vừa có rừng phòng hộ và rừng sản xuất (30,02 ha rừng phòng hộ và 103,82 ha rừng sản xuất).

Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp với 2 dự án đầu tư có hoạt động chuyển nhượng dự án liên quan đến rừng và đất rừng phòng hộ là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ha Co. Hai công ty này có chủ trương chuyển nhượng dự án đầu tư sang Công ty cổ phần Tầm nhìn Đại Dương. Vì diện tích rừng phòng hộ chưa hoàn thành các thủ tục liên quan trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, nên các dự án này không được thuê rừng.

Rừng phòng hộ, sao lại giao doanh nghiệp làm dự án trên đảo Trí Nguyên?
Rừng phòng hộ trên đảo Trí Nguyên, vịnh Nha Trang, Khánh Hòa được giao Công ty Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang làm Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Trí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư