Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Tôi rất thích thú khi đọc Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020"
Hữu Tuấn - 22/10/2016 16:29
 
Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) sau khi nghiên cứu "Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020" do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội.

"Đây là một bản Kế hoạch được xây dựng rất công phu, nghiêm túc, khoa học với độ dày hơn 150 trang, 36 biểu đồ, 13 bảng số liệu, hơn 100 phương trình, 421 biến…Bản kế hoạch nhấn mạnh, dùng nhiều lần các từ “Quyết tâm”, thực chất”, "siết chặt"..thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ rất cao đối với tái cơ cấu. Tôi đánh giá cao việc chuẩn bị Kế hoạch Tái cơ cấu. Phải nói là tôi rất thích thú khi đọc tài liệu này và nghiên cứu khá kỹ", PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn báo chí sáng 22/10 về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nhận xét về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tê giai đoạn 2016-2020, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói: "Tôi chấp nhận với kịch bản tái cơ cấu này, với tư duy phân bổ nguồn lực, phân bổ ngân sách theo hướng phân bổ cho các khu vực cấp bách, chặn ngay các dự án chưa cần thiết. Chính phủ đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm với 10 nhiệm vụ cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng đảm bảo được kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng hợp lý, chất lượng tăng trưởng được tập trung quan tâm. Trong đó, chúng ta phải tập trung tăng được năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Đây là một tư duy mới".

Theo ông Trần Hoàng Ngân, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tê giai đoạn 2016-2020 còn tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Đây là một vấn đề cần được xử lý thẳng thắn vì nợ công đang tăng nhanh, trong đó cơ cấu chi ngân sách nhà nước cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân hiệu quả và tiết kiệm.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tê giai đoạn 2016-2020 cũng đề cập đến một vấn đề mà đề án tái cơ cấu trước đây chưa đề cập. Đó là làm sao nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam mà trong đó tập trung các giải pháp phát triển các thành phần kinh tế tư nhân cá thể, để đảm đương vai trò, khi kinh tế Nhà nước giảm dần, thì kinh tế tư nhân phải thay thế. Nếu không thì nhường lại sân cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nội dung tôi tâm đắc.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tê giai đoạn 2016-2020 cũng đề cập sâu về phân bổ nguồn lực khoa học, hợp lý. Theo Kế hoạch, sẽ tập trung phân bổ nguồn lực vào các khu vực, các lĩnh vực cấp bách, có tiềm năng, đặc biệt là địa phương, lĩnh vực có hiệu quả, mà ngân sách tập trung vào lĩnh vực đó, thì hiệu quả sẽ cao, tránh đầu tư dàn trải như trước.

Đối với vấn đề nợ xấu của nên kinh tế, ông Ngân chia sẻ rằng,  việc  xử lý nợ xấu vừa qua, đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng triển khai từ năm 2012 đến nay, việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu và thời điểm đó việc chuyển nợ xấu sang VAMC là hợp lý, khoanh vùng để dòng vốn hoạt động trong sạch. Chính sách này tạm thời lúc đó đã có hiệu quả, dư nợ tín dụng từ 2012 là 9% đã lên 18% vào năm 2015. Việc đưa nợ xấu sang VAMC đã khơi thông tín dụng, giúp kinh tế tăng trưởng từ 6,2% lên 6,68% năm 2015.

Nhưng trong giai đoạn tới, cần có giải pháp thực chất. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm nhưng nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn, nó mới chỉ chuyển tạm thời từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Giờ phải giải quyết thiết thực, bền vững thì mới đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đối với vấn đề nguồn lực thực hiện, ông Ngân cho rằng, 10,567 triệu tỷ  nguồn lực tổng hợp từ ngân sách, vay nước ngoài, huy động tất cả nguồn từ xã hội. Nói đủ cũng là đủ, thiếu thì vẫn thiếu. Vấn đề Kế hoạch chỉ rất rõ là phải tăng năng suất tổng hớp, đó mới là căn cơ.

"Tái cơ cấu là giảm góp vốn cho GDP, tăng trưởng GDP trước đây là nhờ yếu tố vốn  60%), nhưng đề án này giảm xuống chỉ 50% là nhờ vốn. Còn lại là nâng năng suất lên, tức là phân bổ nguồn lực hiệu quả", ông Ngân khẳng định.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 2 triệu tỷ đồng chỉ là "vốn mồi"
Ngày 22/10, bên hành lang Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, 2 triệu tỷ đồng là vốn dự kiến ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư