Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Tôm Việt nhắm tới thị trường Nhật Bản khi lạm phát tại Mỹ, EU tăng cao
Nguyễn Ngân - 25/08/2022 13:56
 
Trong bối cảnh giá tôm Việt tại Mỹ đang giảm, Nhật Bản với nhiều điều kiện phù hợp là ứng cử viên sáng giá mà doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam lựa chọn.

Nhiều lợi thế ở thị trường Nhật

Tại Hội thảo “Xu hướng thị trường nuôi trồng thuỷ sản” nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thuỷ sản quốc tế Việt Nam (VietFish 2022) đang diễn ra tại TP.HCM, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ Sản Việt Nam cho biết, hiện 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt là Mỹ (với giá trị xuất khẩu 6 tháng đạt 483 triệu USD), EU (378 triệu USD), Nhật Bản và thị trường Trung Quốc – Hồng Kông (cùng đạt 333 triệu USD).

Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ lại có đà tăng trưởng chậm nhất, với chỉ 10% so với cùng kỳ; giá tiêu thụ tôm Việt Nam lại đang có xu thế giảm. Nguyên nhân được cho là bởi sự thâm nhập mạnh mẽ của tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador, tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia.

Chế biến tôm Việt Nam
Chế biến tôm Việt Nam (Ảnh minh họa)

 Theo ông Khôi, đứng trước bối cảnh như vậy, Nhật Bản sẽ là thị trường mục tiêu phù hợp với ngành tôm Việt Nam hơn. Bởi hiện tại, mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn so với EU và Mỹ, tạo lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ. Đồng thời, chi phí cước tàu tới Nhật Bản cũng thấp hơn so với các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU), không làm tăng ảo giá bán, nhờ đó việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

 Ngoài ra, với việc cung ứng đa dạng, chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt, nhưng giá thành lại không quá cao so với mặt bằng chung, sản phẩm tôm Việt đang rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.

 Vẫn đầy thách thức khắc nghiệt

 Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, 6 tháng đầu năm 2022, tôm nước lợ đạt sản lượng hơn 448 nghìn tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

 Có tiềm năng lớn, nhưng ngành tôm vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Có thể nhắc tới giá thành sản xuất vẫn còn ở mức cao; phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo, công nghệ nuôi tôm  quảng canh chưa phù hợp, dẫn tới năng suất và hiệu quả sản xuất thấp. Hệ thống quản lý, đăng ký nuôi tôm nước lợ của nước ta cũng còn chậm trễ, tỷ lệ thấp dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe.

Buổi hội thảo
 Hội thảo “Xu hướng thị trường nuôi trồng thuỷ sản” nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thuỷ sản quốc tế Việt Nam đang diễn ra tại TP.HCM

Trong khi đó, theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS (Trung tâm Hợp tác quốc tế khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững), ngành tôm là ngành đối mặt với nhiều các tiêu chuẩn chứng nhận xuất khẩu nhất hiện nay.

Trong 14 chứng nhận xuất khẩu như BAP, GLOBALGAP, FOS, Organic Aquaculture (EU), ASC, SELVA,… thì đã có 13 chứng nhận áp dụng cho ngành tôm. Trong đó, một số chứng nhận mới chỉ áp dụng riêng cho ngành tôm như Organic Aquaculture (EU), SELVA, NATURLAND, ASIC, BIO SUISSE, USDA NOP.

Ngoài ra, ngành tôm cũng phải chịu chung những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn lợi thuỷ sản suy giảm,… cùng với các mặt hàng thuỷ, hải sản khác.

Thế nên không sớm thay đổi phương thức sản xuất hiện nay, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức.

Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư