Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tổng kết sâu thực tiễn để sửa đổi Luật Báo chí
Duy Hữu - 14/11/2014 10:33
 
() “Phải huy động tối đa sự đóng góp của những người làm báo, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí để xây dựng được một dự thảo Luật Báo chí tốt nhất trình Quốc hội”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhiều báo kiến nghị thuế 0% với báo điện tử
Để nhịp bước thêm đồng điệu
Biện chứng giữa báo chí và doanh nhân

Luật khung hay cụ thể?

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, sau 15 năm thi hành Luật Báo chí, chúng ta cần đánh giá các mặt tích cực, chỉ ra những tồn tại của Luật, nguyên nhân của tồn tại để đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy báo chí phát triển.

   
  Đời sống người làm báo gặp khó khăn do sự sụt giảm về số lượng báo in  

Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trình bày đã nêu các vấn đề mà Bộ tổng hợp để sửa đổi bổ sung Luật Báo chí, như đối tượng xuất bản báo chí (quy định như luật hiện hành đã phù hợp chưa, có cần bổ sung thêm các tổ chức khác do Chính phủ quy định không); chính sách trợ giá trợ cước phát hành đối với báo chí phục vụ thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn…; cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội.

Các vấn đề về thuế đối với cơ quan báo chí, về chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí cũng được đề cập tại Hội nghị. Hiện nhiều cơ quan báo chí thực hiện 2, 3, thậm chí 4 loại hình báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí vừa chịu trách nhiệm về nội dung, lại phải lo kinh tế báo chí, nên rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Luật Báo chí mới có nên quy định người đứng đầu cơ quan báo chí theo hai phương án: Gọi chung cho báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình là Tổng giám đốc, Giám đốc; hoặc tách bạch đối với phát thanh, truyền hình là Tổng giám đốc, Giám đốc, còn đối với báo in, báo điện tử là Chủ nhiệm...

Nhiều đại biểu mong muốn Luật Báo chí quy định cụ thể, chi tiết để có thể áp dụng ngay, không cần thêm nghị định và các thông tư hướng dẫn nữa. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cần đảm bảo cân đối giữa tính cụ thể của Luật với quy định khung, sao cho tuổi thọ của Luật kéo dài. “15 năm trước, chúng ta khó có thể hình dung báo chí lại phát triển mạnh mẽ và đa dạng các hình thức như ngày nay, do vậy, khi xây dựng Luật, cần dự báo được xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian tới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cần ban hành luật mới

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Luật Báo chí đầu tiên ra đời từ năm 1989, tức là đã 25 năm, khi đó báo chí nước ta chủ yếu hoạt động theo cơ chế bao cấp. Đến nay, hầu hết các báo đều phải tự trang trải về tài chính. Hơn nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các loại hình báo chí truyền thông đã có những thay đổi lớn. Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã có một số thay đổi, nhưng sau 15 năm cũng không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, lần này cần thiết kế một luật mới với cấu trúc mới để thay thế 2 luật cũ. Ông đề nghị, khi xây dựng dự thảo Luật Báo chí mới, Bộ Thông tin và Truyền thông nên mời một số tổng biên tập báo cùng tham gia, vì đây là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật.

“Cùng với quá trình xóa bỏ bao cấp tài chính là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của tờ báo. Báo chí nước ta vừa làm nhiệm vụ chính trị, theo định hướng của Đảng, Nhà nước, vừa phải tự nuôi mình, do đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cơ quan báo chí. Hiện nay, Nhà nước đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo in xuống 10%, đây là sự quan tâm rất lớn của Nhà nước. Nhưng cần xem xét giảm cả thuế giá trị gia tăng với cơ quan báo chí. Ngoài ra, báo điện tử hiện cũng rất khó khăn, cần áp dụng quy định giảm thuế cho cả báo điện tử”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cùng theo quan điểm này, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho biết, chưa bao giờ báo chí khó khăn như hiện nay, số lượng báo in tụt thê thảm, trong khi đó mọi chi phí đều tăng, khiến đời sống người làm báo gặp khó khăn. Báo chỉ có 2 nguồn thu chính là phát hành và quảng cáo, nhưng khi phát hành thấp, thì quảng cáo cũng khó, nên có hiện tượng phóng viên một số báo đi “đánh thuê”, dọa tiền doanh nghiệp. Vì thế, ông Miên đề nghị, cần quy hoạch lại hệ thống báo chí, những cơ quan chủ quản không có khả năng lo cho cơ quan báo chí của mình, thì không cho ra ấn phẩm.

Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó tổng biên tập Báo Lao động cũng cho biết, trừ một số báo được bao cấp, còn đa phần phải tự chủ. “Ông Tổng biên tập còn vất vả hơn ông Tổng giám đốc. Luật nên chấp nhận cho báo chí làm kinh tế, nhưng giới hạn những lĩnh vực gần với hoạt động của mình, như in ấn, tổ chức sự kiện…”, ông Chúc đề xuất.

Cũng theo ông Chúc, một số cơ quan báo chí mặc dù được định biên của Nhà nước, nhưng vẫn phải tự lo tiền lương cho số biên chế này mà không được ngân sách chi trả. Nhà nước cần trả lương cho những biên chế khung, như vậy, sẽ giúp cơ quan báo chí đỡ khó khăn rất nhiều.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư