Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM chạy nước rút "60 ngày đêm" giải ngân vốn đầu tư công
Trọng Tín - 30/10/2023 18:15
 
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Do đó, ông đề nghị các chủ đầu tư phân công lực lượng, rà soát thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công.

Chiều 30/10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.

Thông tin về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết tính đến hết tháng 10/2023, tổng số vốn đầu tư đã được giải ngân là 24.199 tỷ đồng, đạt 35,3% so với kế hoạch vốn năm 2023 được UBND Thành phố giao, đạt 34,3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Hoàng cho rằng tuy tỷ lệ này vẫn đang thấp nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2022 (29%).

“Để đạt được tỷ lệ giải ngân khoảng 80 - 90% vào cuối năm thì các tháng còn lại thành phố phải đạt trung bình 20 - 30%”, ông nói đồng thời nhấn mạnh đây là áp lực rất lớn.

a
 Dù 10 tháng mới giải ngân được 35%, song quan điểm của TP.HCM là vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Ảnh: TTBC

Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài Chính TP.HCM, cũng cho rằng các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên. Đến nay thu dự toán đạt 97% nhưng mức chi chỉ mới đạt gần 60%, tức là trong hai tháng cuối năm tiêu tốn thêm 40% so với cả năm.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quan điểm của thành phố là vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%, và đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà hai tháng cuối năm thành phố phải thực hiện được.

Theo ông Mãi, qua thông kê có 479 dự án giải ngân trên 95% và trong đó có 320 dự án đã giải ngân được 100%. Nhưng tổng vốn của 479 dự án này không lớn với hơn 1.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, quyết toán.

“Như vậy vẫn có những dự án có khả năng đạt được 100% và thậm chí có những dự án có thể nhận được thêm vốn điều chuyển”, ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, nếu như một số chủ đầu tư, dự án có khó khăn khách quan thì tập trung giải quyết với mục tiêu là cương quyết không để giải ngân dưới 85%. “Về mặt chỉ tiêu là phấn đấu đạt 95% và một số dự án có lý do chính đáng quyết tâm đạt không dưới 80%”, ông nói.

Do đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị các chủ đầu tư tổ chức quán triệt, phân công lực lượng, rà soát thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công. Cái này không phải làm vì phong trào nhưng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra để hoàn thành”, ông nói.

Thông tin trước đó về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, Cục thống kê TP.HCM cho biết dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dù đã thi công xây dựng và tiến hành chạy thử  trên toàn tuyến vào quý IV/2023, song theo kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân quan trọng là việc nhà thầu Hitachi (gói thầu số 3) vẫn chưa thực hiện các các công tác đào tạo, bồi dưỡng và bảo trì, phối hợp với tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, công tác phối hợp với các nhà thầu thi công của dự án, các công việc phối hợp liên quan đến đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các nhà ga trên cao thuộc gói thầu số 2.

Theo kế hoạch, thời điểm hoàn thành thi công tuyến Metro 1 vào cuối quý IV/2023, thời gian bảo hành dự án từ 2024 - 2028.

Đối với dự án mở rộng Quốc lộ 50 tại huyện Bình Chánh, Cục thống kê TP.HCM cho biết dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đã khởi công tại các gói thầu xây lắp số 1, 2, 4 (xây dựng mới đoạn song hành); gói 3 (cầu Bà Lớn) với tổng khối lượng 4 gói thầu đạt khoảng 24%.

Dự án có 9 gói thầu xây lắp cùng các gói thầu khác, trong đó 4 gói thầu đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; dự kiến dự án mở rộng Quốc lộ 50 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2024.

Đối với dự án đường Vành đai 3, mặt bằng của dự án thành phần 1 đã bàn giao đạt tỉ lệ 92%; trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100%; các huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP. Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng lần lượt là 97,61%, 94,59% và 76,15%. Dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1 sẽ hoàn thành trước trước ngày 31/12/2023.

Dự án thành phần 2 đường vành đai 3 vẫn đang đáp ứng tiến độ; máy móc, vật liệu xây dựng đã được tập kết phục vụ công tác thi công san ủi mặt bằng.

Lo hụt thu trong hai tháng cuối năm 2023

Tại buổi họp, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài Chính TP.HCM bày tỏ nhiều lo lắng có khả năng hụt thu trong hai tháng cuối năm, bởi tổng thu ngân sách trong 10 tháng qua ước đạt 372.000 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán.

Trong đó, phần thu nội địa hiện đạt 83%, còn thu từ xuất/nhập khẩu chỉ 69%. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu khá cao. Số thuế thu từ nhập khẩu cũng rất thấp. Dự ước từ đây tới cuối năm hụt 4 - 5%.

Do đó, trong hai tháng cuối năm, ông Minh cho rằng cần tập trung vào các khoản nợ thuế với hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hải quan là gần 2.000 tỷ. Từ đó, ông đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tập trung đẩy mạnh nguồn thu.

Giám đốc Sở Tài chính Thành phố cũng cho rằng các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên. Đến nay thu dự toán đạt 97% nhưng mức chi chỉ mới đạt gần 60%, tức là trong hai tháng cuối năm tiêu tốn thêm 40% so với cả năm.

Liên quan đến các khoản thu từ đất, ông Minh mong Sở Tài nguyên và Môi trường cố gắng đẩy mạnh để có số thu này, với các dự án có nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, với các hồ sơ liên quan đến các đơn vị giải quyết nghĩa vụ tài chính công dân thì cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ.

Thành phố cũng cần thực hiện các giải pháp về đất đai, cố gắng làm nhanh việc sắp xếp lại khu vực nhà đất công để sử dụng hiệu quả nhà đất. Sau khi sắp xếp thì sẽ xử lý được tài sản dôi dư bằng các giải pháp đấu giá để tăng nguồn lực tài chính của thành phố.
Đà suy giảm tăng trưởng ngành bất động sản TP.HCM đã chậm lại
Dù thị trường bất động sản ở TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần hồi phục, quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước và đã góp phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư