Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
TP.HCM dự kiến thu hút 2,4 - 2,5 tỷ USD kiều hối trong quý IV
Vân Linh - 01/11/2016 10:12
 
Trong những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 10 - 15%/năm. Trong 9 tháng qua, đã có 3,25 tỷ USD kiều hối được chuyển về TP.HCM.

“Dự đoán lượng kiều hối chuyển về trong quý IV là 2,4 - 2,5 tỷ USD, đưa tổng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm nay đạt 5,7 - 5,8 tỷ USD. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về chủ yếu vẫn đến từ Mỹ và châu Âu”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đánh giá, trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Sự gia tăng dòng kiều hối vào Việt Nam thời gian qua có thể được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động.

.
Với tình hình bất động sản ấm lên và lãi suất huy động đang tăng, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM dự báo sẽ cao hơn so với mức 5,5 tỷ USD của năm ngoái

Thứ hai, khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện, khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Cụ thể, NHNN đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước.

Ngoài ra, dịch vụ chuyển kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao, với nhiều hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Theo nhận định từ các nhà phân tích tài chính - tiền tệ, bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, thì chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng có ý nghĩa quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam. Mặt khác, trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm là mang tiền về đầu tư vào đâu. Vì vậy, việc thị trường bất động sản ấm lên hiện được xem là lực hút lớn đối với kiều hối.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, với tình hình bất động sản ấm lên và lãi suất huy động đang tăng, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 sẽ cao hơn so với mức 5,5 tỷ USD của năm ngoái.

Còn theo nhận định của ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, chắc chắn, kiều hối sẽ về nhiều hơn cùng với sự phục hồi của bất động sản. Hiện các thị trường truyền thống như Mỹ, Australia, Canada vẫn là thị trường kiều hối lớn nhất của Việt Nam. Tiếp sau là các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan và gần đây là Nhật Bản.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, để tăng sức hút đối với dòng kiều hối, phải khuyến khích họ đầu tư vào dự án nào, đồng thời cần có biện pháp hỗ trợ người nhận kiều hối khởi nghiệp, lập quỹ. Trước đây, ai cũng lao vào tài chính, chứng khoán, trong đó, không ít trường hợp đã thất bại. Còn đầu tư sản xuất với công nghệ lạc hậu, như sản xuất mì ăn liền, nước chấm..., thì lợi nhuận thấp. Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt kiều đã chuyển hướng phát triển công nghệ cao, tạo các khu đô thị đẳng đấp quốc tế và việc này đang thu hút kiều hối.

Trong 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 trên toàn quốc lên 11 tỷ USD năm 2013 và 13,2 tỷ USD vào năm 2015. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối.

Hàng chục tỷ USD kiều hối đang đổ vào đâu?
Nếu 12,25 tỷ USD kiều hối về Việt Nam vào năm 2015 và có xu hướng tăng trong thời gian tới đổ vào sản xuất - đầu tư, khoản thiếu hụt do sự giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư