Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, xin giữ lại tiền ủng hộ để mua vắc-xin
Việt Dũng - 29/06/2021 08:42
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 và kiến nghị được giữ lại tiền ủng hộ phòng, chống dịch để mua vắc-xin.

Tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10

Ngày 28/6, trao đổi tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 10 của UBND Thành phố sau 0h ngày 29/6. Bởi Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Do vậy, sau ngày 29/6, thành phố vẫn áp dụng phương án này.

Cụ thể, TP.HCM sẽ phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ. Các quận, huyện sẽ được phân thành 3 nhóm: Nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại buổi họp
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại buổi họp


Phó chủ tịch UBND Thành phố lưu ý Bộ Y tế chia 4 cấp độ nguy cơ nhưng TP cảnh giác nên gộp “nguy cơ thấp” vào “có nguy cơ” thành một nhóm. Từ sự phân nhóm này, các địa phương sẽ phải đánh giá, có biện pháp chống dịch phù hợp.

Như vậy, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp của chỉ thị 10 của UBND Thành phố. Trong đó, có giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.

Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. 

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Liên quan đến việc các ca bệnh vẫn tăng cao dù Thành phố đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) chia sẻ, biến chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Do đó, với việc tăng cường áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, thành phố hy vọng sẽ từng bước khống chế và giảm tỷ lệ lây lan.

Phó Giám đốc HCDC cũng cho biết thêm, về kế hoạch lấy mẫu diện rộng và áp dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hiện tại tổng năng lực xét nghiệm riêng của thành phố là 20.000 mẫu/ngày. Sắp tới, ngành Y tế thành phố sẽ mở thêm cơ sở xét nghiệm tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 với năng lực xét nghiệm 30.000 mẫu/ngày để đủ tiêu chí 50.000 mẫu/ngày mà thành phố đặt ra.

Đề xuất được giữ lại tiền ủng hộ để mua vắc-xin

Trước tình hình dịch bệnh tại Thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có văn bản khẩn gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.

Toàn cảnh buổi họp
Toàn cảnh buổi họp


Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép thành phố không chuyển vào ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương) đối với kinh phí Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) để mua vắc-xin.

Đồng thời, giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM được tiếp tục theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch. Trong đó bao gồm cả việc mua vắc-xin phòng Covid-19.

Bởi TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư và cũng là nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để chủ động trong phòng chống dịch, thành phố cần có kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh ngân sách Nhà nước.

Từ khi vận động đến ngày 31/5, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố (Ban vận động) đã nhận gần 268 tỷ đồng. Thành phố đã chi gần 191 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch.

Do nhu cầu kinh phí mua vắc-xin để tiêm phòng cho người dân rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước giới hạn, Ban vận động đã kêu gọi ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng và Ban vận động đã tiếp nhận hơn 65 tỷ đồng.

"Khi ủng hộ kinh phí mua vắc-xin, hầu hết tập đoàn, doanh nghiệp lớn của TP.HCM có nguyện vọng được cơ quan Nhà nước cấp vắc-xin để tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị", công văn nêu.

Để đẩy lùi dịch bệnh, hiện tại, TP.HCM cần nhiều nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Với thực tế đó, UBND TP.HCM kiến nghị xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách Nhà nước kinh phí mua vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.

Căn cứ chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về mua vắc-xin phòng Covid-19, TP.HCM sẽ chủ động các nguồn lực tài chính để thực hiện, đảm bảo vắc-xin tiêm phòng cho người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch
TP.HCM đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, nhưng số ca nhiễm vẫn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do vậy, cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư