Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
TPP chưa tác động ngay tới một số ngành
Hải Yến - 12/10/2015 08:11
 
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam cho biết, nhiều cam kết của Việt Nam trong đàm phán TPP thực hiện theo lộ trình, nên tác động đối với một số ngành sẽ không đến ngay lập tức.

Đàm phán TPP đã kết thúc, việc tiếp theo chúng ta phải làm là gì và khi nào TPP có hiệu lực, thưa Thứ trưởng?

Như chúng ta đã biết, đàm phán TPP đã kết thúc. Công việc tiếp theo là rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán; dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10/2015 trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý. Tiếp đến là dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định.

Hoàn tất các khâu trên là đến thời điểm ký kết Hiệp định. Sau đó, các nước tham gia thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật nước mình. Theo tính toán, phải đến đầu hoặc giữa năm 2018, TPP mới có hiệu lực.

.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam

Nhiều ngành kinh tế của Việt Nam lo ngại rằng, khi TPP có hiệu lực, miếng bánh thị phần sẽ rơi vào tay doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), như dịch vụ logistics chẳng hạn, bởi 80% thị phần hiện tại do doanh nghiệp FDI nắm giữ. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

80% thị phần lĩnh vực logistics thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng theo quan điểm của tôi, đừng phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước, mà bất kỳ doanh nghiệp nào tạo việc làm, nộp thuế cho ngân sách nhà nước, tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam… đều được hoan nghênh.

Nhưng ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, sẽ thực sự khó khăn khi TPP có hiệu lực, thưa Thứ trưởng?

Nhiều cam kết của Việt Nam trong đàm phán TPP đều theo lộ trình, điều đó có nghĩa rằng, tác động với một số ngành sẽ không đến ngay lập tức. Với một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số nước khác trong TPP

(Australia, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được, nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, tôi phải khẳng định, với TPP, ngành chăn nuôi vẫn còn tới 10 năm để chuẩn bị, thay đổi, thích ứng trước khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm về mức 0%.

Nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế, nên nhiều hàng hóa trong nước sẽ rẻ hơn?

Thuế nhập khẩu giảm là một yếu tố để giá hàng hóa có thể giảm. Tuy nhiên, giá hàng hóa được cấu thành bởi nhiều yếu tố, nên vấn đề giá giảm hay không và giảm tới đâu còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.

Dệt may - lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trong TPP có vẻ như giành được “thắng lợi” khi có thể nhập khẩu một số loại vải, sợi… từ các nước ngoài TPP để có thể nhận được ưu đãi?

Trong lĩnh vực dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này, về dài hạn, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt có thể được hưởng ưu đãi ngay, TPP có Danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, còn có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

Dệt may và da giày tham gia TPP: Quà không chia đều cho doanh nghiệp
Dệt may và da giày là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư